Ký ức một thời

Ám ảnh... Bão Linda

Thứ Sáu, 30/10/2020 | 13:57

Giữa những ngày bão nổi ở dải đất miền Trung, tôi lại nhớ về cơn bão lịch sử mang tên Linda (bão số 5, năm 1997), cơn bão tàn khốc nhất của xứ sở miền Nam hiền hòa này.

Những người phụ nữ ra bến tàu ngóng đợi tin hoặc đón xác người thân sau cơn bão Linda năm 1997. Ảnh: T.L

Chính vì là miền đất hiền hòa, nên không ai tin rằng có ngày bão lại nổi lên! Cơn bão đi qua như chiếc lưỡi hái khổng lồ trên tay thần chết, quét ngang và nhấn chìm hàng ngàn sinh linh trên một địa bàn rộng lớn.

Khi chưa biết bão là gì, thì đối với mọi người, sáng hôm ấy cũng là một ngày như mọi ngày. Tôi nhớ rất rõ đó là sáng ngày 2/11/1997, vì đó là sinh nhật lần thứ 19 của chị Hai tôi. Như thường lệ, mẹ tôi dậy từ tờ mờ sáng, dọn dẹp nhà cửa xong thì xách một giỏ đồ (đựng những món đồ dùng cá nhân) đi bộ ra nhà ngoại, cách đó khoảng 300 - 400m. Nhà tôi nằm trong hẻm nên không mua bán được, phải mượn khoảnh sân rộng nhà ngoại nằm ở vị trí trung tâm của một xóm nhỏ, mở tiệm hàng xén. Trước khi đi mẹ còn nói “chiều về mẹ nấu cơm nếp cho mấy đứa ăn”, đó cũng là cách mẹ tổ chức sinh nhật cho chị Hai, giản dị thế thôi.

… Rồi gió bắt đầu kéo về từng cơn, quật gãy mấy đọt so đũa bên hông nhà. Mặt trời không ló dạng, bầu trời cứ xám xịt. Thì mùa mưa mà! Đối chiếu âm lịch, đó là ngày “ông tha, bà không tha/ đánh nhau một trận mùng Ba tháng Mười”, dân gian truyền nhau câu ấy, cứ mùng Ba tháng Mười hoặc lân cận những ngày ấy thì tự khắc có mưa to gió lớn. Không ai ngờ rằng bão Linda đang quét thẳng vào đất liền…

Cha tôi làm thuê cho một cửa hàng, cách nhà chừng mười mấy cây số. Ông chạy xé gió bằng chiếc xe đạp cộc cạch về nhà ngoại, bảo mẹ dọn quán về nhà ngay với mấy đứa con, ông tin bão tới thật rồi. Khi cha mẹ tôi vừa chở nhau về đến nhà thì cây cột đèn trước cổng ngã ầm xuống, dây điện mắc chằng chịt trên bụi hàng rào dâm bụt. Nếu hai người chậm một chút nữa thì…

Ngôi nhà của chúng tôi chỉ xây tường gian trước. Gian sau lợp bằng cây lá và thiếc. Gió giật khiến những nhánh cây đập vào vách thiếc liên hồi. Cha tôi kéo cả gia đình ra nhà trước ngồi… trú bão. Mấy chị em chưa từng biết bão là gì, nhưng biết sợ vì những âm thanh đập đổ, tiếng gió giật, rít từng cơn. Những bụi chuối của nhà hàng xóm đổ rạp nằm vắt ngang đường đi. Mặt nước giếng gợn sóng theo những cơn gió mạnh. Chúng tôi cứ ngồi “án binh bất động” nhìn qua khung cửa sổ theo dõi bão cho đến khi nghe tiếng “ạch” rất to phát ra từ phía sau. Thôi rồi! Nguyên căn nhà sau của chúng tôi đổ sập xuống, đè ngổn ngang lên cái bếp, làm sập luôn chiếc giường ngủ của cha mẹ tôi (hai người ở nhà sau để nhường buồng ngủ duy nhất ở nhà trước cho mấy chị em tôi).

Cái bếp hư hỏng, cột điện ngã làm mất điện, không nấu nướng gì được… Sinh nhật chị Hai lặng lẽ, nhưng cả nhà buổi tối đó được ngủ chung. Dù 6 người trong cái buồng chật chội nhưng thấy ấm áp giữa mưa gió bão bùng ngoài kia. Đến mấy tháng sau, cha mẹ tôi mới mượn được đủ tiền để cất lại gian nhà bị sập. Chúng tôi lúc ấy cũng không biết đến chuyện phải báo cáo lên chính quyền để được hỗ trợ gì cả.

Sau đó, tôi mới hiểu rằng đó chỉ là một tổn thất nhỏ bé so với những mất mát nặng nề, đau thương mà cơn bão Linda trút xuống Cà Mau và Bạc Liêu - hai tỉnh là tâm bão năm ấy.

Tôi lần giở lại tư liệu để viện dẫn cho chính xác: “Cơn bão Linda hình thành ngày 31/10/1997 trên biển Đông. Bão mạnh dần lên vào một ngày sau đó khi di chuyển về phía Tây và tàn phá dữ dội vùng cực Nam Tổ quốc trong hai ngày sau đó. Bão có sức gió khoảng 100km/h, khiến hơn 3.100 người miền Tây và một số vùng phụ cận chết và mất tích. Bão Linda đã khiến cho 200.000 ngôi nhà bị hư hại, tàn phá hơn 325.000ha ruộng rẫy…”. Ruộng rẫy bị tàn phá, nhà cửa bị sập đổ còn có thể gầy dựng lại. Nhưng còn con người thì vô phương: hàng ngàn sinh linh trôi nổi giữa biển khơi lạnh lẽo, người “may mắn” trôi dạt vào bờ, người mất tích có lẽ đã đã tan thân xác ngoài đại dương...

Đau thương chồng chất lên bao mái nhà. Những dáng người phụ nữ ngã gục tìm xác chồng giữa ngổn ngang xác người dạt trôi. Những đứa con chưa kịp nhìn mặt cha suốt đời mang tên Hận Biển, Bão Biển… Đó là cách đặt tên con trong lúc quá đau, đặt để khắc sâu niềm đau chỉ biết đổ lỗi cho… trời! Số phận con người mong manh nhỏ bé biết chừng nào trước thiên tai!

Những ngày bão số 9 hoành hành miền Trung, cả nước đứng ngồi không yên, cùng một nỗi lo. Thương đồng bào miền Trung hết lũ lụt, sạt lở lại chịu cảnh bão to gió lớn. Chợt nhớ, tôi bấm điện thoại liên lạc với anh bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam, anh thông tin: “Quảng Nam cơ bản đã di dời dân xong. Nhưng thiệt hại thế nào phải chờ bão qua mới biết em ạ. Bão mạnh thế này chắc nhiều nhà bị sập. Bà con ngoài này có kinh nghiệm chống bão, chắc cơ bản ổn…”. Chữ “kinh nghiệm” anh dùng nghe mà xót xa! Đồng bào miền Trung sống với thiên tai, đã quen cam chịu nhưng làm sao không xót khi nhìn cảnh mái nhà bao năm gầy dựng trôi theo dòng lũ đục ngầu, hoặc cuốn phăng theo gió bão… Khi tôi ngồi bần thần gõ những dòng ký ức này thì nghe dự báo cơn bão số 10 có khả năng nối tiếp - khi bão số 9 vẫn đang như tên hung thần tàn phá miền Trung!

Chỉ chứng kiến bão Linda làm sập mái nhà mình mà tôi đã bị ám ảnh khôn nguôi. Còn những người phụ nữ mất chồng, con mất cha và biết bao phận người - sống bám biển rồi chết cũng lênh đênh theo biển kia - họ còn đau thương đến dường nào. Vậy mà miền Trung năm nào cũng sống cùng bão lụt…

Bão - chỉ một từ đơn giản nhưng có biết bao đau thương, xót xa!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.