Ký ức một thời

Áo dài ơi…

Thứ Sáu, 03/03/2023 | 14:46

Lần đầu tiên tôi mặc áo dài cách đây đã tròn 30 năm. Đó là ngày khai giảng năm học lớp 10 bậc THPT - bậc học bắt buộc tất cả nữ sinh phải mặc áo dài khi đến trường trong cả tuần lễ.

Thời ấy, ngày nhập học của một năm học mới chính là ngày khai giảng. Và tôi, cô gái 16 tuổi ngày ấy đã rón rén ngồi sau cùng trong dãy hàng của lớp suốt buổi khai giảng bởi thấy “mình mặc áo dài trông kỳ kỳ sao ấy”. Đối với một cô gái như tôi thì việc mặc áo dài quả thật là cực hình. Mặc áo dài thì phải đi đứng nhẹ nhàng, nói chuyện dịu dàng, xinh đẹp như hoa (ấy là tôi nghĩ thế), trong khi thân hình tôi cứ như một khúc gỗ, đi đứng ào ào, lại cái tính hậu đậu, “đụng tới cái gì là đổ bể cái đó” (ấy là mẹ tôi nói vậy). Cho nên khi mặc vào chiếc áo dài trắng tinh, tôi luôn ám ảnh mình sẽ bị đạp phải tà áo mà… té. Thỉnh thoảng lại phải vén tà áo lên xem có bị dính dơ gì không? Ngán nhất là khi ngồi phía sau xe đạp, phải vén tà các kiểu để nó đừng bị vướng vào bánh xe. Đó cũng là nguyên nhân vì sao khi tôi giang xe nhỏ bạn đi học, luôn xung phong phần chở vì rất sợ phải ngồi sau!

Sợ, ngán nhưng phải mặc, riết rồi cũng quen. Học cả tuần, chỉ trừ buổi nào có tiết thể dục thì được miễn, còn lại đều phải mặc áo dài chứ không phải chỉ mặc “lấy lệ” vào sáng thứ Hai như bây giờ. Vậy là những cô nữ sinh dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài ngày khai giảng từ từ cũng trở về “nguyên bản”: mặc áo dài mà chạy, giỡn ầm ầm, thậm chí là cột tà áo lên để chơi đá cầu! Cái “nết na hết nói nổi” của tuổi mới lớn dù được khoác lên chiếc áo dài duyên dáng thì vẫn không thể che giấu được!

Ảnh minh họa: T.L

Vào lớp 10, tôi được mẹ may cho 2 bộ áo dài, trong đó có 1 bộ “cách  tân”. Cách tân của 30 năm trước là tay áo được may phồng lên và hết! Tà áo dài dưới đầu gối một ít, nút bấm, cổ có bâu. Tôi thì thích bộ áo theo kiểu truyền thống hơn, và mặc bộ nào thì lâu lâu phải xem chừng coi có cái nút bấm nào bị bong ra không. Khi phong trào chụp ảnh chân dung nổi lên, tôi và đám bạn cũng đến tiệm chụp hình Hoa Phượng nổi tiếng của TX. Bạc Liêu ngày ấy mà làm vài kiểu mơ màng, e ấp trong tà áo dài. Một tấm hình của tôi vô tình bị hư, chán nản tôi ghi vài chữ tự bôi nhọ mình, sau đó chẳng biết ai thấy được mà viết hẳn cho tôi lá thư động viên! Có lẽ đó là hành động lãng mạn đầu tiên trong đời tôi nhận được dù sau đó tôi chẳng có ý muốn biết người viết thư là ai!

Áo dài với chúng tôi ngày ấy có những tác dụng không ngờ, trong đó đặc biệt nhất là có thể chế tạo thành áo tứ thân. Chẳng là lớp thực hiện ngoại khóa về văn học dân gian, trong đó có múa bài “Lý cây đa”, diễn viên cần phải có áo tứ thân! Thế là cô chủ nhiệm gom một mớ áo dài đáng kể với đủ màu sắc, mỗi đứa mặc 2 cái - một cái mặc bề trái, cái sau mặc bề phải. Hai tà áo trước buộc lại, thế là thành áo tứ thân, rất đẹp nhé! Đến khi xuống TX. Cà Mau dự một sự kiện của Tỉnh đoàn và trong vai trí thức ở tiết mục văn nghệ, tôi đã mặc một chiếc áo dài màu xanh nước biển. Đó lại là lần đầu tiên tôi mặc một chiếc áo dài khác màu với chiếc áo đồng phục ở trường!

30 năm kể từ khi có bộ áo dài đầu tiên, tôi đã có nhiều bộ áo dài khác với đủ màu sắc, đủ kiểu cách tân theo thời đại, trong đó cả bộ áo dài cưới màu đỏ tôi đã đi may ở tiệm may nổi tiếng để mặc đúng ngày quan trọng nhất rồi sau đó cẩn thận cất vào tủ đến giờ. Có vài năm, tôi gần như không mặc áo dài vì đặc thù nghề nghiệp không có điều kiện để mặc, cũng là vì cái tính hậu đậu vẫn sợ… vấp té bởi vướng tà áo. Nhưng trong tủ quần áo, lúc nào tôi cũng có ít nhất một bộ áo dài. Bởi tôi vẫn có quan niệm cổ hủ: là phụ nữ Việt Nam thì nhất định phải có áo dài, như một món quốc bảo được truyền từ ngàn xưa cho đến ngàn sau!

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.