Ba tôi là “dân tập kết”

Thứ Sáu, 25/10/2024 | 15:05

Cách đây 10 năm, tôi được phân công viết về đề tài kỷ niệm 60 năm tập kết ra Bắc. Với tôi, viết đề tài này không khó chút nào, vì nhân vật chính là ba tôi và các bác, các chú tôi hay gặp.

Từ nhỏ, tôi đã biết rằng mình có ba là người miền Nam, mẹ là người miền Bắc. Những câu chuyện kể của mẹ còn cho tôi biết, bà nội ruột tôi mất sớm, ông nội lại đi kháng chiến xa nhà, ba lớn lên trong sự chở che của họ hàng rồi đến năm 17 tuổi thì chính thức xa gia đình. Ba đi tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng là đưa con em cán bộ miền Nam ra Bắc học tập, chuẩn bị cho ngày thống nhất sau này. Cuộc hành trình của ba tôi bắt đầu từ tháng 11/1954, khi ấy chỉ mới 17 tuổi, không cha mẹ, anh em, một mình cùng nhiều học sinh, cán bộ miền Nam khác xuống tàu ở Sông Đốc (Cà Mau) vượt biển để đến sống và học tập ở miền Bắc. Điểm đầu tiên ba đặt chân lên là ở Thanh Hóa, sau đó đi qua nhiều địa phương khác để sinh sống, học tập. Khi tôi viết bài, ba đã kể cho tôi nghe: Ở nơi cách xa quê hương gần 2.000km, ba được những người mẹ, người chị miền Bắc nhân hậu, giàu lòng yêu thương giúp đỡ. Những tháng ngày đó chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của ba. Rồi ba gặp mẹ, kết hôn, được cử đi học nước ngoài. Hơn 20 năm học hành, làm việc, từ một thiếu niên sống xa gia đình, ba đã trở thành cán bộ khoa học, thành gia lập thất trong sự chở che, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Cuối năm 1975, ba đưa mẹ trở lại Nam, bắt đầu những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một đại gia đình như bây giờ. Nhưng miền Bắc và Nhân dân nơi ấy đã trở thành một phần thân thuộc nhất trong cuộc đời ba.

Bộ đội và cán bộ, học sinh tập trung tại Sông Đốc để lên tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Ảnh: T.L

Vì ba là “dân tập kết” nên những chú, bác cùng thời với ba, tôi biết nhiều người cũng đã từng đi tập kết có hoàn cảnh giống ba, cũng có người lại trong một hoàn cảnh đặc biệt khác. Đã có gia đình riêng, bác Năm Dũng (tên thật là Nguyễn Bỉnh Nguyệt) để lại vợ con, xuống tàu ở Sông Đốc ra Bắc công tác, lao động theo chủ trương tập kết của Đảng. Đến năm 1962, ông theo đường Trường Sơn để trở về Nam công tác. Chỉ 8 năm ở miền Bắc nhưng những ký ức trong thời gian đó vẫn mãi sống động. Kể cho tôi nghe về những tháng ngày sống ở nơi xa xôi mà lại gần gũi, thân thương như chính quê cha đất tổ bởi sự chở che, đùm bọc của đồng bào miền Bắc, bác Năm cứ nhắc về những lần được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ trao tặng huy hiệu khi tham gia lao động xây dựng công viên Thống Nhất.

Không chỉ ba tôi, bác Năm Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải), khá nhiều học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau này khi trở về đã trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh hay các ngành. Năm 2014, tôi ước tính có khoảng trên dưới 100 người (chủ yếu là cán bộ hưu trí) nguyên là cán bộ, học sinh, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đang sinh sống ở Bạc Liêu. Ngay tại tỉnh còn có một hội học sinh miền Nam với khoảng 35 thành viên sinh hoạt 2 lần/năm.

Năm 2024, rất nhiều trong số họ đã ra đi mãi mãi, trong đó có ba tôi, bác Năm Dũng, một chuyến đi không còn trở về như họ đã từng trở về gần nửa thập kỷ trước. Nhưng ba vẫn ở trong tim chúng tôi, những câu chuyện tập kết của ba vẫn là một phần ký ức không bao giờ phai nhạt đối với chúng tôi. Và chúng tôi vẫn luôn tự hào ba tôi là “dân tập kết!”.

Tâm Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.