Văn hóa - Nghệ thuật
Bạc Liêu - Đến để yêu
Một “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu” y như câu hát, thật sự đang trải tấm lòng, sự thân thiện, nghĩa tình tiếp đãi bạn bè gần xa, như bấy lâu nay Bạc Liêu vẫn thế! Đó là cảm nhận của những người đang có mặt, check-in vùng đất Công tử Bạc Liêu, nơi còn đó câu chuyện đã từ hơn trăm năm trước nghe mãi vẫn thấm đượm đạo nghĩa phu thê, để từ đó nhạc sĩ Cao Văn Lầu trau chuốt nên từng câu ca ngọt lịm say lòng người.
Khu Quán âm Phật đài là một trong những điểm thu hút du khách trong những ngày diễn ra Ngày hội.
Như đã thân quen
Khó phân biệt được giữa người Bạc Liêu và người từ phương xa đến đây, trong những ngày vui này. Không có sự bỡ ngỡ, cách xa mà ở đây, giữa “chủ nhà” và khách đều bắt gặp hình ảnh tay bắt mặt mừng, những câu chuyện được đôi bên chia sẻ trong sự thân thiện cứ như đã thân quen nhau từ trước đó.
Trước giờ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Bạc Liêu (diễn ra từ ngày 23 - 25/11), rất nhiều đại biểu khách mời, du khách đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có mặt tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu từ rất sớm. Có người đến đây lần đầu tiên, có người trở lại sau một thời gian khá dài, hoặc cũng có người do yêu cầu công việc nên chỉ ghé Bạc Liêu đôi ba lần như một chuyến dừng chân ngắn, chưa được thăm thú nhiều. Kính cẩn thắp nhang trước khu mộ gia đình bác Sáu Lầu, rồi nhìn ngắm những hiện vật, tư liệu trong nhà trưng bày, bao nhiêu dòng cảm nghĩ của người thăm viếng, tham quan cứ nối dài mải miết. Cuộc chuyện trò giữa đạo diễn Hùng Vỹ (TP. Hồ Chí Minh) và chị Đào Phương Liên (TP. Hà Nội) có lẽ sẽ khó dứt nếu không có thông báo tập trung ra xe để cùng đoàn di chuyển đến địa điểm khác. Hai người cứ trao đổi với nhau suốt về câu chuyện “tam niên vô tử bất thành thê”. Không ngờ, câu chuyện nghịch cảnh từ hơn trăm năm trước của đôi vợ chồng son lại có sức hút lớn đối với người ở thời nay đến như vậy. Chắc chắn vì trong câu chuyện đó, đứa con tinh thần “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) - một tuyệt tác khởi đầu cho “bài ca vua” là vọng cổ trên sân khấu cải lương ra đời. Bạc Liêu đất lạ mà cứ hóa thân quen từ những câu chuyện mà người xưa, người hôm nay và người lần đầu đặt chân đến đất này cũng đều biết đến kiểu như vậy.
Câu chuyện về “sự tích” DCHL chỉ là một điển hình. Trong nhiều chuyện kể khác với bạn bè, ấn tượng về Bạc Liêu mà mọi người nhắc đến còn là Công tử Bạc Liêu hào sảng và thương người nghèo, là nơi có “Giọt sữa cuối cùng” (một bản vọng cổ nổi tiếng của cố soạn giả Trọng Nguyễn) ngợi ca xúc động về một người mẹ, một tượng đài kiên trung của một nữ anh hùng trên đất Bạc Liêu; và mảnh đất thắm máu người nông dân năm xưa trên đồng Nọc Nạng mà phim ảnh, nhạc họa đã khắc ghi; và còn nhiều nữa...
Du khách chụp ảnh dưới Cây di sản (cây xoài hơn 300 tuổi) ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu. Ảnh: C.T
Mong muốn trở lại
“Bạc Liêu có một sức hút kỳ lạ mà tôi luôn muốn được trở lại. Và tôi nghĩ ai cũng có chung suy nghĩ này chứ không chỉ riêng tôi. Người Bạc Liêu chân thành, hiếu khách, thân thiện, những điểm này người Nam Bộ nói chung đều có, nhưng ở người Bạc Liêu tôi cảm nhận hình như sâu sắc hơn và dễ khiến người ta nhớ, vấn vương và vì thế tôi luôn mong có dịp, có cơ hội quay lại đây nhiều lần nữa”, đạo diễn Hùng Vỹ chia sẻ. Không có khoảng cách nào giữa những người mới biết nhau, khi tự giới thiệu mình là người bản địa, chúng tôi luôn nhận được những chia sẻ đầy thiện cảm như thế. Để câu chuyện giữa Bạc Liêu với bạn bè bỗng gần hơn.
“Cô ơi, chú ơi để cháu chụp ảnh cho ạ, cô chú đứng chung vào khung ảnh cho đẹp nha”... Những lời dịu dàng như thế đến từ cô gái Bạc Liêu trong chiếc áo dài thướt tha ở Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã làm mát lòng bao nhiêu người đến đây. Trước khi khai hội, hàng loạt cuộc họp lớn nhỏ từ Ban Chỉ đạo đến các tiểu ban, một trong những điều luôn được nhắc nhiều lần là “trong khâu tiếp đón khách, Bạc Liêu phải thể hiện sự chân thành, hiếu khách”, nhưng chúng tôi nhận ra rằng, những chân thành, lịch thiệp của một cô gái, và của nhiều người Bạc Liêu khác nữa là xuất phát từ cốt cách tự có ở mỗi người. Cứ chân thành, lịch thiệp như thế để ai đến sẽ yêu, sẽ vấn vương muốn quay lại.
Từ những cảnh đẹp làm ngỡ ngàng du khách như không gian bao la trên cánh đồng điện gió Bạc Liêu cho đến ngôi chùa Khmer cổ kính rộn ràng, tưng bừng với điệu nhạc ngũ âm, những cô gái Khmer xinh tươi, đậm nét duyên uyển chuyển trong điệu múa Lâm-thôn; rồi không gian sâu lắng ân tình trong những điệu hò, xự, xang, xê, cống của một Liên hoan ĐCTT, và nhìn đâu cũng thấy những nụ cười thân thiện, lời chào đón chân thành ở những điểm đến Bạc Liêu đã cho nhiều người cảm nhận rằng “Bạc Liêu - đến để yêu”.
QUỲNH ANH