Bạc Liêu NGÀY ẤY - BÂY GIỜ

Thứ Hai, 14/11/2016 | 17:23

Ngày 1/1/1997 - Thời khắc đi vào lịch sử 
Tỉnh Bạc Liêu đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2017). Tôi hình dung buổi lễ sẽ diễn ra long trọng trên cái nền không gian của một vùng đất có nhiều công trình văn hóa, kinh tế, phúc lợi xã hội, đền ơn đáp nghĩa… ấn tượng của vùng ĐBSCL; trên một thành phố có khu hành chính đẹp, quảng trường đẹp và những con đường rộng lớn, rợp bóng cây xanh, đầy hoa thơm cỏ lạ… lịch sử và thành tựu của một hành trình 20 năm cộng hưởng như một mối tình giao duyên trên đất này. Còn nhớ vào đại lễ “Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014”, nhiều du khách, văn nghệ sĩ, nhà báo nhìn nhận Bạc Liêu thay đổi như thay áo mới. Vâng! Bạc Liêu không chỉ thay đổi trong không gian, về mặt hình thể, mà Bạc Liêu còn có sự thay đổi khác, đó là sự thay đổi bên trong, từ tâm hồn Bạc Liêu. Chúng ta hãy cùng lắng nghe nhịp đập trái tim của đất này, đó là những nhịp đập bồi hồi của một Bạc Liêu say mê, nhiệt huyết và chứa chan khát vọng phát triển. Và đây là điều làm cho tôi dạt dào cảm xúc, tôi muốn có một cái nhìn trân trọng, quý yêu về quá khứ. 20 năm so với một vùng đất 300 năm khẩn hoang xây dựng không phải là ngắn ngủi, càng nhìn ngắm 20 năm vận động phát triển ấy tôi thấy càng xúc động. Đó là một quãng đường khá dài Bạc Liêu đã huy động không biết bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi của bao đồng bào, đồng chí. Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tỉnh Bạc Liêu tái lập đã tỏ rõ một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chúng ta kỷ niệm, chúng ta tưởng nhớ để ghi tạc và “ôn cố tri tân”. 

TP. Bạc Liêu - trung tâm hành chính tỉnh - sau 20 năm tái lập tỉnh. Ảnh: B.T

Còn nhớ những ngày này cách đây 20 năm không? Đúng ra là phải trước đó một khoảng thời gian mới đúng. Khi mà Bộ Chính trị chưa có Chỉ thị chia tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thì lâm râm mà tha thiết đã có sự bàn tán mong chờ tỉnh Bạc Liêu tái lập. Đồng chí Nguyễn Trường Giang, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đã kể về cái bối cảnh lịch sử đó: “Thời điểm ấy Bộ Chính trị họp bàn về chia tách một số tỉnh phía Bắc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới hỏi Văn phòng Chính phủ có tờ trình của tỉnh Minh Hải không? Và được biết là không. Thủ tướng liền gọi Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải - Phạm Thạnh Trị, hỏi: “Sao Minh Hải không có đề nghị chia tách tỉnh?”. Chủ tịch UBND tỉnh thưa: “Trước đó Bộ Chính trị có cho chủ trương ngưng xem xét việc chia tách tỉnh, nên Minh Hải không dám đề xuất”. Thủ tướng liền yêu cầu Chủ tịch tỉnh Minh Hải ra Hà Nội gấp để ông trực tiếp hướng dẫn lập thủ tục. Sau đó Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải họp thông qua Nghị quyết xin chia tách tỉnh gửi gấp cho Thủ tướng và rồi Bộ Chính trị họp, đồng ý, nên việc Bạc Liêu, Cà Mau chia tách khá bất ngờ, dù nó là sự mong đợi của người Bạc Liêu…”.
Tháng 12/1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Quyết định chia tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Vậy là tỉnh Bạc Liêu tái lập và phải nói là một lần nữa được tái lập (cuối năm 1973, sau Hiệp định Paris, Bạc Liêu tái lập tỉnh, trước đó là tỉnh Cà Mau - NV). Ngày 1/1/1997 là ngày bình thường của năm, của chục năm, của trăm năm, vậy mà đã trở thành một ngày lịch sử của Bạc Liêu. Đó là cái ngày mà Trung ương giao cho Bạc Liêu tính độc lập, tự chủ cao hơn để cùng với cả nước vận động phát triển theo sự điều hành của Trung ương. Còn với con người Bạc Liêu thì sự kiện tỉnh Bạc Liêu tái lập đã trao cho họ một tư cách văn hóa công dân, đó là sự sâu nặng hơn về lòng nhiệt huyết, sự tự trọng đối với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình. Đây chính là sức mạnh tinh thần, đã thổi hồn nhen lửa vào các phong trào cách mạng sau đó ở Bạc Liêu.
Còn nhớ, 10 năm đội ngũ cán bộ quê gốc Bạc Liêu theo tỉnh Minh Hải di dời “thủ phủ” từ Bạc Liêu xuống Cà Mau cũng là 10 năm “ngày Bắc - đêm Nam”. Vẫn biết về Cà Mau là đi xây dựng tỉnh chung, xây dựng một phần đất nước của mình. Nhưng trong lòng họ chứa chan một nỗi niềm riêng thổn thức, không gì thay thế được, đó là cái rẻo đất ấp ủ “lá nhau cuống rốn” của mình. Ở đó có làng quê thời tấm mẳn, có anh em bạn bè dòng tộc, có người còn cả vợ con vẫn đêm đêm ngóng đợi bước chân ai hồi cố thổ. Thế là chợt thương, chợt nhớ cái vùng đất Bạc Liêu mà lịch sử đã bao phen “chơi trò” chia tách, sáp nhập có lúc không còn tên gọi, đến ứa nước mắt. Vậy rồi ngày 1/1/1997 đến, niềm vui vỡ òa. Đội ngũ cán bộ quê Bạc Liêu được phân công về quê cũ xây dựng tỉnh mới mà như đi trên mây, trên gió. Lại có người quê gốc Cà Mau nhưng gắn bó, thương mến đất Bạc Liêu thời bao cấp cả chục năm trời sống heo hút với Bạc Liêu thuở tỉnh Cà Mau rồi Minh Hải còn “đóng đô” ở Bạc Liêu cũng tự nguyện theo về. 
Thế là tỉnh Bạc Liêu mới được tăng nội lực về nhân sự, về tư cách tự chủ, tự quyết. Sinh khí chung thật là phấn khởi, ai cũng mong muốn một cách tha thiết rồi đây một Bạc Liêu mới với dân số 787.550 người, diện tích tự nhiên là 2.570km2 và một chiều sâu văn hóa làm hành trang sẽ phát triển rất khác thường, vượt bậc như đất này đã từng làm trong lịch sử vận động đi lên của mình. Đó là vào đầu thế kỷ 20 Bạc Liêu trở thành phồn thịnh, là 1 trong 3 trung tâm kinh tế - xã hội lớn của ĐBSCL.
Thế nhưng, những người từ Cà Mau về và cả người sở tại đều lường trước được những khó khăn mà họ phải đương đầu, đó là cái cảnh nhà nghèo mới “ra riêng”, lại “ra riêng” một chỗ còn lắm bộn bề, khó khăn. Khó khăn đủ thứ về nhân lực, tài chính, nơi ăn chốn ở, phương tiện hoạt động… nhiều cơ quan phải “ở đậu” như: Báo Bạc Liêu, Tỉnh đoàn… 
Và còn thêm những khó khăn chung thuộc trách nhiệm lương tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh mới phải gánh vác mà dù ai có giàu tưởng tượng đến mấy cũng khó mà hình dung ra. Đó là tình trạng thấp kém, chậm phát triển của nền kinh tế - xã hội; sự yếu kém, thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng; đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người lúc này chỉ có 249,7USD, tương đương 5,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cao đến gần 29%. Bạc Liêu mới là một trong những tỉnh nghèo nhất ĐBSCL và cả nước. Tôi còn nhớ, từ Cà Mau về là bắt gặp hương lộ 6, liên tỉnh lộ 13, đường Cao Văn Lầu ngày nay, rồi đến cầu Số 2 - Phước Long, đường Cầu Sập - Hồng Dân, đường Giá Rai - Gành Hào… là những con đường được trải đất đỏ trên cái nền đường làm bằng đá từ thời Pháp, Mỹ để lại nên đầy ổ voi, ổ gà. Việc đi lại, làm ăn của người Bạc Liêu vất vả đến xốn xang.

Lúc bấy giờ vùng Bắc Quốc lộ 1A có 152.000ha đất tự nhiên đang dần dần thụ hưởng chương trình ngọt hóa Quản lộ - Phụng Hiệp. Đây là thế mạnh của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, diện tích trồng lúa chỉ mới đạt 70.000ha, theo kiểu độc canh cây lúa. Vùng này có 20.000ha đất nuôi tôm nhưng tự phát, chưa được quy hoạch nên năng suất thấp, lại còn làm nhiễm mặn vùng sản xuất lúa, xảy ra tình trạng tranh chấp lúa - tôm.
Vùng Nam Quốc lộ 1A cũng chủ yếu là trồng lúa, đa phần độc canh và có khoảng 20.000ha đất nuôi tôm theo kiểu quảng canh, năng suất thấp.
Hải sản thì đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ, sản lượng không đạt được bao nhiêu. Tình hình khó khăn là thế mà ông trời lại không tha, cơn bão số 5 cuối năm 1997 rất hiếm gặp ở Bạc Liêu kể từ thuở “năm Thìn bão lụt” ập đến, người chết, cơ sở hạ tầng, hoa màu, tôm cá thiệt hại nặng nề... 
Những cán bộ đi Cà Mau 10 năm trở lại vẫn thấy chốn cũ là những xóm làng đìu hiu với những mái lá và cây cầu khỉ bắc qua sông. Còn TX. Bạc Liêu ngày ấy thì nhỏ xíu và ủ dột trong những cơn mưa chiều, đường phố cũng nhỏ bé, gồ ghề. Ven đường là những dãy phố cũ kỹ, rêu phong có từ thời xửa thời xưa. Khi chiều xuống, phố lên đèn, đó là những ánh đèn vàng vọt, gợi cho ta một phố chợ hoài cổ đến nao lòng.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: Khánh Văn

Sự chuyển mình của một tỉnh nghèo
Tháng 11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (đại hội đầu tiên kể từ khi tỉnh Bạc Liêu tái lập) được long trọng tổ chức. Đây là một đại hội đặc biệt, đặc biệt là vì nhiệm kỳ chỉ có suýt soát 3 năm (1997 - 2000). Vậy mà cái thời gian ngắn so với các đại hội thường thấy ấy, lịch sử vùng đất đặt lên vai Đảng bộ một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đại hội phải tìm cho ra một đường hướng phát triển để lãnh đạo nhân dân Bạc Liêu gỡ khó, thoát nghèo và phải đưa được Bạc Liêu phát triển. Nghị quyết Đại hội XI xác định, muốn vực dậy Bạc Liêu cần phải đẩy mạnh phát triển toàn diện đồng bộ các mặt: nhanh chóng ổn định và hoàn chỉnh tổ chức bộ máy các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Và Nghị quyết XI cũng lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách giai đoạn 1997 - 2000 là: tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đẩy mạnh làm giao thông nông thôn, xóa nhà lụp xụp trong dân, xóa trường học 3 ca và làm bằng cây lá, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách… Đại hội XI chọn một số nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nói trên từ cơ sở kế thừa thành tựu thời Minh Hải như phong trào làm giao thông nông thôn rất mạnh ở Hồng Dân, đồng thời căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu như vùng ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp có cơ sở để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện mà phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo…
Và thật lạ lùng, khi Nghị quyết Đại hội XI được triển khai, xâm nhập đời sống “ý Đảng hợp lòng dân” thì trở nên có sức sống mạnh mẽ, khác thường. Có lẽ Nghị quyết đã lấp được những khoảng trống trong yêu cầu vận động đi lên của vùng đất; đáp ứng được nỗi thiết tha mong muốn thoát nghèo, vươn lên của đại đa số các tầng lớp nhân dân; kích hoạt tinh thần yêu quê hương, "tư cách văn hóa công dân" của một vùng đất đã có "tự chủ, tự quyết".
Toàn tỉnh Bạc Liêu lúc ấy, cả vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A đều dấy lên các phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, đưa màu xuống ruộng… trên cơ sở Nhà nước đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, thay đổi giống cây trồng - vật nuôi, làm tốt công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng và đầu tư cho sản xuất.
Gắn với công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng là phong trào làm giao thông nông thôn. Biến những con đường lầy lội, sình bùn thành những con đường trải nhựa hoặc trải bê-tông, chấm dứt cảnh mùa mưa học sinh đi học phải cởi quần cột cổ. Giao thông, thủy lợi đã tác động tích cực cho sản xuất và đời sống. 
Sản xuất phát triển, đầu tư của Trung ương cho tỉnh mới cũng được tăng cường cho nên những mục tiêu cấp bách mà Đại hội XI nêu ra trong giai đoạn 1997 - 2000 đã được giải quyết. Có một cuộc tổng kết rất nghiêm chỉnh giai đoạn này, đó là cuộc tổng kết thể hiện trên báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, được tiến hành vào cuối năm 2000. Xin trích một vài số liệu đầy phấn chấn: sản lượng lúa tăng 11,7% (từ 517.000 tấn năm 1997 lên 880.000 tấn năm 2000); giá trị sản xuất thủy sản hàng năm tăng 13%, trong đó sản lượng nuôi và khai thác hải sản tăng 17% (từ 50.000 tấn năm 1997 lên 75.000 tấn năm 2000).
Có những số liệu làm người Bạc Liêu xúc động, ví như vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 1991 - 1995. Nếu như không chia tách tỉnh, Bạc Liêu sẽ không có được những con số này. Và như vậy người Bạc Liêu đã có hồng phúc. Từ sự đầu tư tăng mà vấn đề thủy lợi, giao thông, điện… phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Giai đoạn 1997 - 2000 đã giải quyết 34/47 xã, thị trấn có đường xe ô tô đến trung tâm xã và 44/47 xã, thị trấn có đường xe hai bánh đi lại suốt hai mùa mưa nắng. Hoàn thành các tuyến đường giao thông quan trọng: Cao Văn Lầu, Hiệp Thành - Xiêm Cán; Tỉnh lộ 38; Hương lộ 6; Phước Long - Ngan Dừa; Giá Rai - Gành Hào; mặt khác đã đầu tư cho thủy lợi trên 320 tỷ đồng, đào đắp 9,8 triệu mét khối đất, hoàn thành 2.982km kênh mương thủy lợi, thủy nông nội đồng, từ đó đưa diện tích canh tác lúa lên 2 - 3 vụ, tăng 3,5 lần so với giai đoạn năm 1995.
Nếu năm 1995, tỷ lệ hộ dùng điện chỉ đạt 14%, thì giai đoạn 1997 - 2000, Bạc Liêu đã giải quyết được lưới điện quốc gia về đến trung tâm xã 100% và hộ dùng điện nâng lên 44%; hộ dùng nước sạch cũng tăng lên 2 lần so với năm 1995.
Trong giai đoạn 1997 - 2000, Bạc Liêu đã xây dựng 2.257 phòng học cấp 2 - 3, xóa hết phòng học cây lá lụp xụp và phòng học 3 ca, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI. Và cũng trong giai đoạn này, Bạc Liêu còn giải quyết nhiều mục tiêu bức xúc mà Đại hội XI nêu ra là: xây dựng 1.729 nhà tình nghĩa, giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sĩ; xóa trên 13.000 hộ nghèo, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI đề ra.
Có thể nói rằng 3 năm “chân ướt chân ráo” ra riêng của thời kỳ 1997 - 2000, tỉnh Bạc Liêu đã vươn lên thoát nghèo. 

Giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo của tỉnh Bạc Liêu mới (2000 - 2005) tôi ví như một gia đình vừa ra riêng 3 năm, nay làm ăn đã xóa đói thoát nghèo và đang tính chuyện làm ăn căn cơ để vươn lên khá giả, bằng các tỉnh, thành phố trong cả nước.
5 năm đó cũng là nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Nghị quyết Đại hội lần này xác định hướng đi của Bạc Liêu vẫn là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Vẫn là kế thừa thành tựu, hướng đi của Đại hội XI, nhưng hướng đi lần này làm sâu sắc thêm việc phát huy thành tựu và thế mạnh của Bạc Liêu, đó là xác định thủy sản là mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ việc nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Điều này còn thực hiện được mong muốn chuyển đổi sang nuôi tôm của nhiều người dân ở cả vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A.
Từ năm 2000 - 2005, Bạc Liêu đã đầu tư nuôi trồng và chế biến từ ngân sách 1.000 tỷ đồng và vận động nhân dân đầu tư 3.200 tỷ đồng. Nhà nước cũng tiến hành quy hoạch lại việc trồng lúa - nuôi tôm ở cả 2 vùng; cho chuyển đổi 70.000ha đất canh tác lúa kém hiệu quả và đất chưa sử dụng sang nuôi trồng thủy sản.
Bạc Liêu đẩy mạnh công tác khuyến ngư, các tiến bộ khoa học - công nghệ được ứng dụng rộng rãi, xây dựng nhiều mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả, nhất là nuôi quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp, nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vùng Nam Quốc lộ 1A.
Trong chỉ đạo kinh tế giai đoạn này, Bạc Liêu cũng quan tâm đầu tư, tổ chức khai thác thủy sản bằng cách củng cố đội tàu có công suất lớn để đánh bắt ngư trường xa. Lúc này tỉnh có 822 tàu đánh bắt có công suất bình quân 125 CV/tàu, tăng gần 85 CV/tàu so với năm 2000.
Từ đó, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII có một nhận định đầy phấn chấn như sau: “Thủy sản có bước phát triển nhảy vọt”. Đó là một câu đánh giá ngắn ngủi nhưng làm lay động những người yêu quê hương Bạc Liêu. Và được thể hiện bằng các con số ấn tượng như sau: tổng sản lượng thủy sản năm 2005 đạt 172.500 tấn, tăng 3 lần so với năm 2000. Trong đó, sản lượng khai thác 62.034 tấn, tăng 1,08 lần so với năm 2000; sản lượng nuôi đạt 110.466 tấn, tăng 4,93 lần so với năm 2000. Và chế biến thủy sản cũng tăng 2 - 3 lần so với thời điểm nêu trên.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng suất và chất lượng. Diện tích canh tác lúa giảm 58.000ha (chuyển sang nuôi trồng thủy sản), sản lượng lúa giảm 280.000 tấn, nhưng lợi nhuận sản xuất trên 1ha vẫn tăng 1,34 lần so với năm 2000; sản xuất nông nghiệp cơ bản thoát khỏi tập quán canh tác lạc hậu, năng suất thấp, tiến lên một bước mới.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch cũng tăng trưởng ổn định, cao nhất là 16,95% và thấp nhất là 10%. Từ đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt con số ngoạn mục: 18% - cao nhất từ trước đến nay.
Sự tăng trưởng kinh tế đã kích hoạt cho văn hóa - xã hội phát triển và nâng cao đời sống nhân dân. Nếu năm 2000 chỉ có 44% hộ dùng điện thì năm 2005 tăng lên 90%; cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư phát triển nhanh với 97% phòng học được xây dựng kiên cố; từ năm 2001 - 2005 vận động cất 17.815 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Năm 2005 hộ nghèo giảm xuống còn 4%, bình quân giảm 5.340 hộ/năm. Xây dựng và sửa chữa 1.768 căn nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đứng trên đỉnh năm 2005 quan sát sẽ thấy sau 8 năm tái lập, xây dựng quê hương, với biết bao khó nhọc "vật lộn" với đói nghèo, Bạc Liêu đã bắt đầu phát triển căn cơ. Diện mạo đã có sự thay đổi nhanh chóng, nhất là ở nông thôn. Như từ đầu đã nói, khi những người cũ từ Cà Mau về bắt gặp làng quê của họ là những mái nhà lá và chiếc cầu khỉ bắc qua sông, thì nay các làng xóm ấy đã tiến lên xây dựng nhà cơ bản, đó là phong trào cất nhà một mái. Có xóm làng đạt đến 70 - 80% hộ có nhà tường. Làng quê trở nên nhiều màu sắc, cuộc sống đã có nhiều sinh khí. Tinh thần phấn khởi hơn, vui hơn, sau 8 năm Bạc Liêu tái lập. 

Sản xuất ruốc khô xuất khẩu ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Khánh Văn

“Chuyển trọng tâm” - vươn lên ngang bằng với các tỉnh trong khu vực
Thời gian 12 năm còn lại, tính từ ngày Bạc Liêu tái lập, tôi tạm gọi là giai đoạn II - giai đoạn có nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt tôi xin đi sâu, làm rõ giai đoạn 2010 - 2015, đó là giai đoạn chuyển mình quan trọng nhất của Bạc Liêu, mà mới đây, khi làm việc với 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những cố gắng, thành tựu đạt được của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, đặc biệt Bạc Liêu đã vượt qua được khó khăn giai đoạn 2011 - 2015.
Xin được bắt đầu câu chuyện từ lời nhận xét đánh giá của đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Vào ngày đầu xuân năm 2012, cũng là ngày tỉnh Bạc Liêu tái lập tròn 15 năm, đồng chí có bài phát biểu với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà, có đoạn: “… Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, nhiệm kỳ 2005 - 2010 là Đại hội tiếp tục đường hướng của Đại hội XII, nhưng bối cảnh mới, nhiều vấn đề mới đặt ra, trong đó có việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với nhiều thuận lợi, cơ hội phát triển, song cũng không ít khó khăn, thử thách. Vì vậy đường hướng chỉ đạo của Đại hội XIII cũng như sự lãnh đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chuyển sang một trọng tâm mới, đó là: chuyển từ tập trung chủ yếu cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, sang vừa lo cho nông nghiệp nông thôn, vừa quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch; và đặc biệt là tập trung đầu tư đô thị, trong đó ưu tiên xây dựng TX. Bạc Liêu thành đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, theo hướng xanh - sạch - đẹp và văn minh, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và bộ mặt của tỉnh…”.

Đi sâu tìm hiểu nguồn gốc của sự “chuyển trọng tâm” này, tôi còn thấy một vấn đề khác. Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, chúng tôi bắt gặp mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, mục tiêu phát triển là: đưa tỉnh Bạc Liêu “… vượt qua tình trạng tỉnh nghèo, vươn lên phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực…”; đến Đại hội XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, mục tiêu phát triển là “… phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu có vị trí xứng đáng trong khu vực và cả nước…” (nằm trong tốp 2 của khu vực, tốp giữa của cả nước). Điều này làm cho tôi xúc động, bởi trong từng câu chữ ấy chứa đựng một tinh thần khát khao phát triển, vì nhân dân, vì sự giàu mạnh của quê hương Bạc Liêu, của Đảng bộ Bạc Liêu. Thế nên muốn đạt được mục tiêu này, Bạc Liêu phải có sự chuyển mình mới mẽ để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Tổng kết giai đoạn 2005 - 2010 cho thấy, sự tăng trưởng của Bạc Liêu ở mức khá cao, bình quân 11,51%/năm. Thu nhập bình quân đầu người 1.047 USD/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đều tăng từ trên 8% đến trên 17%. Thế nhưng, với tốc độ tăng trưởng này Bạc Liêu sẽ đi lên rất chậm, là một tỉnh nghèo của khu vực ĐBSCL. Bởi vì quy mô của nền kinh tế rất nhỏ lẻ. Lúc đó chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Bạc Liêu là 59/61 tỉnh, thành phố của cả nước. Báo cáo chính trị của Đại hội XIV đánh giá: “Các yếu tố đảm bảo chất lượng, tính bền vững trong phát triển kinh tế còn hạn chế; sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế chưa đạt yêu cầu Nghị quyết đề ra. Các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh chưa được quan tâm đầu tư nâng cao giá trị; tính cạnh tranh còn kém; chương trình xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, tiềm năng du lịch, thương mại… chưa được quan tâm đầu tư và kinh doanh chưa được thông thoáng, chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư lớn…”.
Chính sự vận động, phát triển của Bạc Liêu còn nhiều hạn chế và cũng để đạt yêu cầu phát triển nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước của các kỳ đại hội mà từ cuối nhiệm kỳ XIII trở về sau Bạc Liêu đã “chuyển trọng tâm” như lời đồng chí Võ Văn Dũng nói. Đây là sự chuyển mình hết sức quan trọng của Bạc Liêu trong vận động phát triển. Sự “chuyển trọng tâm” đó thực chất là mở rộng phạm vi phương hướng chiến lược. Như đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói: “vừa lo cho nông nghiệp - nông thôn vừa quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch…”. Đây là tư duy phát triển rất mới. Tức là cùng một lúc quan tâm tới tất cả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, để cho các lĩnh vực cùng phát triển đồng bộ. Đường lối phát triển này trở nên phong phú, chạm đến mọi lĩnh vực, mọi thành phần và như thế có sức huy động xã hội rất lớn. Và theo đó, đòi hỏi trình độ lãnh đạo điều hành buộc phải nâng lên cấp độ mới. Thực tế phát triển của Bạc Liêu trong những năm gần đây đã minh chứng những điều mới mẻ đó. Có lúc cả hệ thống chính trị sôi sục theo các phong trào, sự kiện. Đây là phương pháp lãnh đạo, điều hành tập hợp, phát huy được bộ máy mà không phải thời kỳ nào cũng có được.
Không chỉ có tư duy mới trong đường lối chiến lược, mà quan sát thời kỳ đầu đổi mới, tôi đã bắt gặp trong từng quyết sách, bước đi cụ thể đã xuất hiện nhiều điều mới mẻ.
Hồi ấy, tình trạng suy thoái kinh tế nằm ở đỉnh cao, năm 2010, Quốc hội quyết định cắt giảm đầu tư công, Bạc Liêu là “vùng trũng” nhưng không nằm trong bản đồ quy hoạch đầu tư của Trung ương. Còn nhớ từ năm 2005, TX. Bạc Liêu được Nghị quyết Đại hội XIII ưu tiên đầu tư nhưng nhiều con đường gồ ghề, nhỏ xíu vì không giải tỏa được do thiếu vốn, mặc dù lãnh đạo Thị ủy rất quyết tâm chỉnh trang…
Đồng chí Võ Văn Dũng có lần kể rằng: “Lúc đó Tỉnh ủy xác định, muốn hóa giải khó khăn, tạo ra sự bứt phá, nâng cao vị thế cho Bạc Liêu không có cách nào khác là phải có nguồn lực để xây dựng hạ tầng, đặc biệt là để tạo ra các dự án động lực, chính những dự án động lực sẽ làm thay đổi quy mô nền kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp hóa và góp phần hóa giải nhiều lĩnh vực yếu kém. Thế nên việc huy động ngoại lực, phát huy nội lực đặt ra như một yêu cầu sống còn”.
Động thái đầu tiên trong thời kỳ đầu đổi mới là Bạc Liêu báo cáo đầy đủ những khó khăn với tinh thần khát khao phát triển với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Rồi điều chỉnh quy hoạch của tỉnh nằm trong quy hoạch của Trung ương, của vùng. Từ đó Trung ương rất thông cảm với Bạc Liêu.

Kiểm tra vận hành lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: M.Đ

Động thái thứ hai để thu hút ngoại lực, là đặt mối quan hệ tốt đẹp hoặc kết nghĩa với các địa phương của các nước như: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp đón chu đáo Tổng Lãnh sự quán nhiều nước, Tổng Giám mục Tòa thánh Vatican…
Trong nước thì đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng; tạo mối quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ, ngành Trung ương và thắt chặt quan hệ kết nghĩa, hợp tác phát triển với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương mở rộng quan hệ liên kết với các tập đoàn, tổ chức kinh tế và một số địa phương khác. 
Song song đó, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh bằng việc trân trọng nghĩa tình với doanh nhân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng; đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp… Nhờ đó chỉ số PCI của Bạc Liêu nâng lên hàng năm. Chỉ tính năm 2010 tăng lên 29 bậc so với năm 2009. Đồng thời thu hút đầu tư liên tục tăng, một con số "biết nói", gây phấn chấn lòng người Bạc Liêu xuất hiện: giai đoạn 2010 - 2015, đầu tư tăng 55 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Song song với thu hút ngoại lực thì các nguồn lực trong tỉnh cũng được phát huy khá tốt. Đã chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm - thủy sản, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thương mại dịch vụ, mở rộng ngành nghề… Qua đó góp phần quan trọng nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế trong tỉnh. Trong 5 năm (2011 - 2015), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Đột phá để phát triển
Nguồn lực được huy động, Bạc Liêu tiến hành các dự án động lực như mục tiêu ban đầu. Đó là nhà máy điện gió đầu tiên ở ĐBSCL với 62 tua-bin, điện năng sản xuất khoảng 320 kWh/năm góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đó là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu với công suất 50 triệu lít/năm, đóng góp ngân sách gần 300 tỷ đồng (năm 2015); kia là Nhà máy chế biến xuất khẩu gạo Hồng Dân với tổng công suất 200.000 tấn/năm đã kích hoạt cho nông dân làm ăn, cho vùng lúa lớn nhất tỉnh phát triển. Nọ là những Xí nghiệp may An Hưng; Nhà máy bao bì Dầu khí Bạc Liêu của Công ty Cổ phần Dầu khí Việt Nam, rồi dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu của Công ty Pinetree của Hàn Quốc; Công ty may mặc Vinatex của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế và tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm được đưa vào quy hoạch quốc gia, đã và đang được thực hiện các bước liên quan như: Cảng cá Gành Hào, cụm kinh tế Gành Hào, hệ thống chống sạt lở cửa biển Gành Hào, các khu neo đậu trú bão Cái Cùng, Nhà Mát. Mở rộng và nâng cao công nghệ, xây dựng nhiều nhà máy mới, nâng tổng số lên 33 cơ sở, nhà máy chế biến, với công suất 100.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2010 - 2015, chúng ta còn thấy trên khắp địa bàn tỉnh các dự án để phát triển văn hóa, du lịch mọc lên, làm phong phú và đẹp hơn hình dáng Bạc Liêu. Đó là Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Khu căn cứ Tỉnh ủy (huyện Hồng Dân), Khu lưu niêm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu du lịch nghỉ dưỡng Nhà Mát, khu Quán âm Phật đài, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu vui chơi giải trí Trần Huỳnh, cụm danh thắng Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu). Ngoài ra, Bạc Liêu khuyến khích hoặc trực tiếp trùng tu các địa điểm như: Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai), chùa Xiêm Cán, vườn chim Bạc Liêu, khu du lịch Giồng Nhãn, cây xoài di sản hơn 300 năm tuổi (TP. Bạc Liêu), Lăng cá Ông (huyện Đông Hải), Tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi)…
Những công trình trên thật sự là những công trình, dự án động lực xuất phát từ tư duy phát triển mới. Nếu đó là những công trình, dự án “thuần kinh tế” thì nó trực tiếp làm tăng trưởng kinh tế; còn nếu là công trình, dự án văn hóa thì nó nằm trong “ý đồ” phát triển văn hóa ngang bằng với kinh tế, để trong kinh tế có văn hóa và để văn hóa làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Xin lấy thí dụ: các công trình, dự án văn hóa nêu trên là gần như toàn bộ đặc điểm văn hóa, lịch sử của Bạc Liêu, Bạc Liêu xây dựng, trùng tu, tái tạo là nhằm thổi hồn nhen lửa vào đặc điểm văn hóa, lịch sử của mình, là làm sâu sắc thêm bản sắc. Đặc điểm, bản sắc chính là những điều hấp dẫn du khách.

Công trình điện gió Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Song song đó, Bạc Liêu còn tiến hành các bước đi văn hóa cho phát triển du lịch và kinh tế của tỉnh, cho nhân dân được hưởng thụ văn hóa. Ngoài việc tăng cường chỉ đạo các phong trào văn hóa theo chủ trương của Trung ương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới”…, thì Bạc Liêu có cách nâng cao nhận thức văn hóa cho cán bộ và nhân dân riêng của mình. Đó là những chủ trương, quan điểm đẩy mạnh phát triển văn hóa rất cụ thể bằng việc xác lập tính cách con người Bạc Liêu “hào hiệp, nghĩa tình, khoan dung, nhân hậu” vào các mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội. Trong các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy Đảng cũng có hàm lượng văn hóa rất cao, ví dụ như: tinh thần yêu quê hương, khát khao vì Bạc Liêu phát triển, uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình, trân trọng với những doanh nghiệp, doanh nhân giúp Bạc Liêu… Từ đó mà nhận thức văn hóa ngày một nâng cao. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng hiểu rõ vai trò văn hóa trong đời sống. Có thể nói, đây là một thành tựu lớn mà Bạc Liêu đạt được trong những năm gần đây.
Không chỉ vậy, chúng ta còn thấy Bạc Liêu xây dựng, khai thác, phát huy công năng các thiết chế văn hóa; cũng như tổ chức, đăng cai thành công nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa - thể thao quốc gia, quốc tế, đặc biệt là Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, vừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Nam bộ, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, đồng thời góp phần quảng bá về vùng đất, con người Bạc Liêu, kích hoạt cho du lịch phát triển. 
Phát triển văn hóa vừa thể hiện sâu sắc sự “chuyển trọng tâm” ở đường lối, chiến lược phát triển của Bạc Liêu trong thời kỳ mới, vừa làm động lực cho phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch. Từ động lực văn hóa, từ sự chỉ đạo kỳ quyết đưa du lịch Bạc Liêu thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mà Bạc Liêu đã trở thành “điểm sáng” của du lịch ĐBSCL. Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu du lịch đạt 3.132 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm là 20,5%; lượng khách du lịch đến Bạc Liêu ngày càng tăng. Riêng năm 2015, doanh thu dịch vụ du lịch khoảng 970 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2012, khách du lịch đạt khoảng 1,1 triệu lượt, tăng gần 2 lần so với năm 2012.
Du lịch phát triển nhanh trong những năm gần đây là một điều dễ hiểu. Nếu thời kỳ trước Bạc Liêu làm du lịch theo cách dựa vào di tích lịch sử, văn hóa để khai thác một cách thô mộc, thì nay đã xây dựng, tôn tạo, làm cho các di tích trở nên lung linh, có hồn để thu hút du khách. Đây là cách “làm ăn” có hậu, tạo ra tính bền vững trong kinh tế du lịch mà chỉ có tâm huyết mới làm được điều ấy!

Diện mạo mới từ thành thị đến nông thôn
Sự “chuyển trọng tâm” đầu tư cho đô thị và công nghiệp, dịch vụ, du lịch thể hiện rõ nhất tại khu vực TP. Bạc Liêu. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01 về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II - thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh. Từ đó, nhiều công trình giao thông và công trình kinh tế, văn hóa quan trọng được đầu tư xây dựng. Đồng thời, phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới, xây dựng nhà ở xã hội, nâng cấp các tuyến đường, ngõ hẻm, chỉnh trang các khu dân cư bên trong các trục tuyến đường chính, trồng cây xanh, làm vỉa hè, sắp xếp trật tự, vệ sinh đường phố, xây dựng chợ mới… đã làm diện mạo TP. Bạc Liêu thay đổi từng ngày. Như đã nói, trong sự kiện Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, nhiều du khách, văn nghệ sĩ, nhà báo đánh giá Bạc Liêu thay đổi như thay áo mới. Trong mắt họ, TP. Bạc Liêu gây ấn tượng mạnh là nơi có những công trình văn hóa, khu hành chính… đẹp, là thành phố “điểm hẹn văn hóa”… 

Huyện Giá Rai đón nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Giá Rai. Ảnh: M.Đ

Trên hết, Bạc Liêu đã xây dựng cho mình một “thủ phủ” với công năng có thể đảm đương nổi những sự kiện quốc gia, quốc tế. TP. Bạc Liêu trở thành đô thị kích hoạt cho du lịch, cho một vùng đất năng động phát triển. TP. Bạc Liêu - thành phố động lực!
Ngoài TP. Bạc Liêu thì các đô thị ở các huyện cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Điều đó được chứng minh là huyện Giá Rai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập TX. Giá Rai, bởi địa phương này đã đạt các tiêu chí theo quy định.
Giờ đây có ai đi xa, 7 - 8 năm trở lại Bạc Liêu sẽ thấy nông thôn có rất nhiều thay đổi. Đô thị hóa đã tràn về những vùng quê với một bộ mặt đẹp, các dịch vụ phục vụ đời sống con người được nâng cao.
Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Bạc Liêu đã “chuyển trọng tâm” nhưng lại “vừa lo cho nông nghiệp, phát triển nông thôn…”. Sự “vừa lo” ấy thể hiện trong điều hành, lãnh đạo phát triển Bạc Liêu rất quan tâm tới thế mạnh truyền thống nông nghiệp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế biển và vùng Nam Quốc lộ 1A đến năm 2015 và những năm tiếp theo, nghị quyết về phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A và định hướng đến năm 2020, cộng với kết quả mang lại từ sự chỉ đạo kỳ quyết của Đại hội XIII mà lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Bạc Liêu đã chuyển mình rõ nét. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đánh giá nghiêm túc, nhìn nhận lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và trước đó như sau: Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển mới. Đã đầu tư thực hiện có hiệu quả việc kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: lúa gạo, tôm sú, tôm thẻ, cua biển… và từng bước thực hiện chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, sản xuất có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng 15.000ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp được thực hiện mang lại hiệu quả quan trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác thủy hải sản phát triển khá, số lượng phương tiện tàu đánh bắt cá tăng nhanh; đánh bắt xa bờ được đầu tư và định hướng rõ.
Việc xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ cao có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có hàng chục ngàn héc-ta lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hợp tác, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Đặc biệt là xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, chất lượng cao theo mô hình gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, chế biến gạo xuất khẩu tại các huyện trong tỉnh. Mô hình này đã mở ra hướng sản xuất bền vững và đem lại hiệu quả cao cho người trồng lúa. Hiện nay, có trên 90% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh được trồng các giống lúa chất lượng cao và giống lúa đặc sản địa phương như: Tài nguyên, Một bụi đỏ. Doanh thu bình quân của người sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/năm.
Bạc Liêu cũng đã nghiên cứu, chuyển giao thành công một số quy trình sản xuất. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các cơ sở thực nghiệm và chuyển giao công nghệ ở các huyện, thị xã cũng được hình thành.
Ngoài ra, tỉnh còn xác lập một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao, như: nuôi tôm thẻ siêu thâm canh; nuôi tôm trong nhà kính năng suất gấp 20 lần so với nuôi công nghiệp bình thường; nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn Global GAP; nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ bền vững theo hướng VietGAP; nuôi cua lột xuất khẩu; sản xuất tổng hợp như: tôm sú - lúa, tôm sú - lúa - tôm càng xanh, tăng lợi nhuận từ 5 - 20 triệu đồng/ha so với sản xuất chuyên lúa. Đặc biệt là đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với đối tượng ứng dụng là lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, các loại cua biển, tôm sú, tôm thẻ, cá chình xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng các quy trình kỹ thuật và mô hình quản lý dinh dưỡng, quản lý rầy nâu, tiết kiệm nước tưới. Tập đoàn Việt - Úc đã ứng dụng thành công khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tôm giống, là đơn vị duy nhất tại thời điểm này ở Việt Nam được phép sản xuất tôm giống bố mẹ, góp phần cho Bạc Liêu chiếm 55% thị phần tôm giống trên cả nước.

Có thể nói, giai đoạn từ cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đến nay, nông nghiệp, thủy sản đã có nhiều tiến bộ, mặc dù đường lối phát triển của tỉnh có chuyển trọng tâm đầu tư. Điều đó cho thấy, nông nghiệp, nông thôn vẫn được quan tâm đặc biệt. Và như thế nó chứng minh sự “chuyển trọng tâm” chính là để các lĩnh vực phát triển đồng bộ. Xin nêu một vài số liệu minh chứng nông nghiệp, nông thôn không hề tụt giảm mà vẫn chuyển động tích cực. Hiện tỉnh có 18.000ha đạt doanh thu từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Sản xuất lúa tăng nhanh trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, sản lượng. Sản lượng lúa tăng từ 809.512 tấn năm 2010 lên hơn 1 triệu tấn năm 2015, tăng 25,85%; sản lượng thủy sản từ 241.044 tấn năm 2010 lên 290.000 tấn năm 2015, tăng 20,31%.
Quan tâm, chú trọng đến nông nghiệp, nông thôn còn thể hiện trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long và các huyện, thị xã khác. Phước Long là 1 trong 5 huyện của cả nước thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Bộ Chính trị đã đạt 19 tiêu chí sớm hơn thời gian dự kiến.
Xin nói thêm, thời kỳ “chuyển trọng tâm” để mở rộng phạm vi phát triển Bạc Liêu còn đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khác. Trước tiên là việc xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại. Chỉ tính từ năm 2011 - 2015, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 12.118 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hơn 3.130 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng 5.072km kênh thủy lợi và thủy nông nội đồng; hệ thống điện cũng được quan tâm đầu tư, đến nay tỷ lệ hộ dùng điện đã đạt 97,5%; mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trong tỉnh; hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư, trang bị, từng bước đáp ứng yêu cầu khám, điều trị bệnh của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra thực tế xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tôm nuôi ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Khi kinh tế phát triển thì Bạc Liêu đặc biệt chú trọng đến công tác đền ơn đáp nghĩa và giảm nghèo, như một động thái văn hóa trong thời kỳ Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển văn hóa. Đó là những giải pháp cụ thể chỉ đạo thực hiện công tác an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo. Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,3%; tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; các loại hình bảo hiểm xã hội, y tế được triển khai thực hiện tốt; đặc biệt, tỉnh vận dụng cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định Trung ương chỉ hỗ trợ 70%); trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp thường xuyên cho 22.000 người. Công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội được chú trọng đặc biệt. Chỉ tính trong 5 năm (từ 2010 - 2014), tỉnh đã vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội lên đến 700 tỷ đồng. Duy trì thực hiện tốt chủ trương đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, bình quân mỗi năm có hơn 6.500 hộ nghèo và 3.200 hộ cận nghèo được thoát nghèo.
Đối với người có công, Bạc Liêu có nhiều chủ trương, việc làm cụ thể nhằm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa để nâng cao chất lượng cuộc sống những người có công. Hiện nay, toàn tỉnh không còn gia đình chính sách nghèo, 100% gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bạc Liêu thường xuyên chăm lo xây dựng, trùng tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và huyện, thị xã khang trang, sạch đẹp; xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhằm góp phần giáo dục truyền thống.
Nếu giai đoạn 2005 - 2010 tốc độ tăng trưởng của Bạc Liêu là 11,51%, thu nhập bình quân đầu người 1.047USD/năm, thì giai đoạn 2010 - 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,1%, thu nhập đầu người đạt gấp đôi (2.013USD/năm). 12,1% là mức tăng trưởng cao hơn sự tăng trưởng của cả nước, nhưng so với giai đoạn 2005 - 2010 của Bạc Liêu thì mức tăng trưởng ấy cao hơn không nhiều. Tuy nhiên, cái nhiều hơn nằm trong giá trị vật chất lẫn giá trị vô hình mà chúng ta chưa thể đo đếm được của giai đoạn Bạc Liêu “chuyển trọng tâm” để mở rộng phạm vi phát triển. Nó nằm trong các dự án động lực hiện chưa hoặc đã đi vào sản xuất giai đoạn đầu chưa phát huy hết công suất nên chưa góp phần đúng mức vào sự tăng trưởng của Bạc Liêu; nó nằm trong các công trình văn hóa, lịch sử với vai trò là động lực cho phát triển không thể tính một ngày một bữa mà phải tính đến cả thế hệ, nhiều thế hệ; nó nằm trong thành tựu phát triển văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu đạt được trong thời gian qua cũng có sức mạnh kích hoạt sự phát triển. Và cuối cùng nó nằm cả trong tư duy phát triển, phương pháp lãnh đạo, điều hành.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã trải qua gần 1 năm, tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, Bạc Liêu có thêm niềm vui, đó là mới đây khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Bạc Liêu đã tìm ra lối đi, cách làm, định hướng khá rõ nét để phát triển. Phấn đấu trở thành địa phương có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước; bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm; có dự án điện gió công suất gần 100MW; kêu gọi xúc tiến đầu tư với 15 dự án FDI. Bạc Liêu cũng là địa phương phát triển du lịch tiêu biểu của vùng, với sản phẩm văn hóa đặc thù địa phương… Thủ tướng cũng nhất trí và hoan nghênh đề xuất của Bạc Liêu là xây dựng trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam ở Bạc Liêu, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các bộ, ngành liên quan và địa phương quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu...
Và mới đây, ngày 27/10/2016, Chính phủ cũng đã đồng ý “nâng cấp đô thị Việt Nam” cho Bạc Liêu cùng với 6 tỉnh trong cả nước.
20 năm nhìn lại, chúng ta có một hành trang quý báu cho Bạc Liêu tiếp tục hướng đến tương lai, đó là cơ sở hạ tầng, thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội mà biết bao đồng bào, đồng chí đã đổ mồ hôi, tâm huyết chắt chiu gầy dựng. Trong đó phải kể đến tư duy phát triển, phương pháp lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ Bạc Liêu qua 5 nhiệm kỳ Đại hội.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.