Văn hóa - Nghệ thuật
Bánh cam, bánh còng
“… Bánh cam, bánh còng đ…â…y…”. Bà chỉ rao như vậy. Âm tiết cuối ngân dài theo mỗi bước bà đi. Dáng thấp bé, mỗi ngày bà đi ngang khu xóm nó ở một lần. Mỗi lần tiếng rao của bà cất lên là đôi mắt nó sáng rỡ.
Không hiểu những cái bánh cam, bánh còng gói trong chiếc lá lục bình của bà có sức hấp dẫn ra sao mà nó mong, nó ngóng đến vậy. Có lần bà gặp may, cả lũ trẻ khu Đài Phát thanh Minh Hải cũ bỗng dưng bữa ấy lại rủng rỉnh tiền trong túi. Và thế là xúm nhau lại mua bánh của bà. Bán đắt hàng, bà luýnh quýnh kiểm tiền, thối tiền, trao bánh; rồi ngồi nán lại ngó tụi nó nhai bánh. Chắc bà cũng vừa nghỉ mệt vừa có ý đợi đứa háu ăn, sẵn tiền nào mua nữa hay không. Nhưng, tiền nào mà mua hết rổ bánh của bà. Tiếng rao xa dần mà lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn vẫn còn nuối tiếc. Mấy đứa con gái ăn chậm, lâu hết. Đã vậy lại còn cẩn thận mút cho bằng sạch những vệt mật bánh dính đầu các ngón tay, càng khiến tụi nó nổi điên vì thòm thèm.
Gặp hôm bà bánh cam, bánh còng đi ngang mà không có tiền thì đành nhịn vậy. Nhưng, nhịn thèm hoài rồi cũng đến lúc thông minh đột xuất. Nó nghĩ ra “diệu kế”: Xúc gạo của mẹ nó đổi lấy bánh (!!!). Được đôi ba bận, thùng gạo vơi dần. Sợ bị lộ, “thông minh vốn sẵn tính trời”, nó bèn “nghiêng thùng đổ… gạo”, úp cái nón lá xuống đáy thùng rồi trút gạo lên trên cái nón. “Phép lạ Thạch Sanh” ấy đã khiến thùng gạo đầy lên như cũ. Niềm vui của nó như mùa vụ bội thu cùng những chiếc bánh cam, bánh còng. Nhưng rồi gặp “hạn”. Cái tánh ham vui háu ăn có lẽ thường đi đôi với mau quên thì phải. Nó quên béng mất cái “phi vụ nón lá”. Lần nọ, mẹ nó xúc gạo nấu cơm, cái lon đụng nhầm chóp nón lá dưới đáy thùng gạo. Và thế là…
Những lằn roi hằn trên mông khép lại “dự án Thạch Sanh”, nhưng niềm vui bánh cam, bánh còng của nó không vì thế mà đến lúc “lụi tàn”. Ngoài giờ học, nó có nhiệm vụ đi bẻ đọt lục bình về để cha nó bằm ra, trộn cám, nuôi heo. Cái đìa lục bình Trường Công nông (nay là khu nhà ở cao cấp Vinhome) là chốn hàng ngày nó lui tới ngắt lục bình. Hôm bữa trời mưa. Đói bụng và lạnh. Nó leo lên trên cây cho gần những tán lá để đụt mưa. Đang mơ màng nhìn trời, nhìn mưa, nhìn đất… thì tiếng rao quen thuộc cất lên. Bà bán bánh cam, bánh còng vẫn đội mưa đi bán. Nó buột miệng: “Bánh cam!”. Bà đứng sựng, ngó quanh, không thấy ai, toan bước đi thì nó lại kêu bánh. Mấy lần như vậy, bà cất tiếng: “Ai? Ai kêu bánh?”. Không có tiếng trả lời. Bà bỗng quýnh quáng ôm rổ bánh te tái chạy vội trong màn mưa… Sau, cũng có lúc nhớ lại, nó cảm thấy hối hận và thương bà quá. Nếu còn sống, có lẽ bà đã ngoài 90 tuổi rồi.
Đâu cũng băm mấy năm gì rồi nó chưa được cầm trên tay chiếc bánh cam, bánh còng chứa đựng niềm vui tuổi nhỏ. Câu chuyện bánh cam, bánh còng tưởng sẽ ngủ yên trong ký ức tinh nghịch tuổi học trò của nó, một hôm vui câu chuyện, nó kể cho nhóm bạn học trò nghe. Ngờ đâu, một buổi sáng trước “mùa cô-vít thứ tư” này, vừa đến chỗ làm, nó nhận được cuộc gọi của đứa bạn học: “Có ở chỗ làm không?”. “Có”. “Ở đó nhe, lát tới liền”. Đứa bạn xuất hiện cùng bọc bánh cam, bánh còng sau đó khoảng 20 phút. Sáng ấy, hai đứa bạn phổ thông đã có một tiệc bánh cam, bánh còng ngay nơi nó làm việc. Ngoài kia, phượng vĩ đỏ thắm từng chùm. Bạc Liêu mình đang vào hạ.
Vậy đó, cao lương mỹ vị gì thì rồi cũng đâu có qua được những đồng quà, tấm bánh thời xưa bé… Ví như những cái bánh cam, bánh còng tuổi thơ của nó, một thời chưa mấy gì xa.
Tuấn Như
- Nông nghiệp Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất khẩu và xuất siêu
- Tổng kết công tác Hội, phong trào phụ nữ năm 2024
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024