Báo Minh Hải - Niềm tự hào của các thế hệ nhà báo

Thứ Hai, 17/06/2024 | 14:57

LTS: Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu và Báo Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động (1976 - 1997), Báo Minh Hải là “chiếc nôi” nuôi dưỡng nhiều thế hệ nhà báo sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học - nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo nổi danh trong lĩnh vực báo chí, văn chương. Tiến tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chúng tôi trân trọng giới thiệu hồi ký của nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa về tờ báo đã tồn tại trong lòng yêu mến trọn vẹn của bạn đọc.

Bài 1: Những người từ trong chiến khu ra làm báo

Báo Minh Hải là tờ báo Đảng của Đảng bộ tỉnh Minh Hải - một tỉnh rộng lớn của cả vùng Bạc Liêu - Cà Mau ngày nay. Năm 1973, tỉnh Bạc Liêu tái lập thì một bộ phận nhỏ cán bộ, phóng viên của Báo Sóc Trăng được phân công về Bạc Liêu để làm báo cho tỉnh mới với những cán bộ tiêu biểu lúc đó là chú Ba Chiến, anh Đoàn Hùng… Cho nên có thể nói, về mặt lực lượng, cơ quan Báo Minh Hải là nơi quy tụ cán bộ báo chí của 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Họ là những nhà báo được rèn luyện từ trong gian khổ, hy sinh của cuộc chiến tranh đánh Mỹ, nhân cách được hình thành từ văn hóa kháng chiến nên rất dễ gần và giản dị. Một anh Bảy Minh (đồng chí Phạm Văn Trị - quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Minh Hải) rất cẩn ngôn, mỗi lần phát biểu trong các cuộc họp hay nói những câu chữ đầy văn chương, hồn phách. Anh Bảy viết báo hay mà còn có thế mạnh viết văn, đặc biệt là thể ký. Cuộc đời làm nghề báo của tôi, đi đâu, lúc nào tôi cũng xem anh Bảy là ông thầy đầu tiên của mình. Thoạt nhìn anh Bảy nho nhã, hiền lành, thế nhưng đó là một nhà báo tâm huyết, một lãnh đạo báo chí có tầm và có tâm, bản lĩnh, vượt qua nhiều áp lực lẫn đe dọa để Báo Minh Hải nói được tiếng nói chống tiêu cực. Anh chỉ đạo Báo Minh Hải ủng hộ cho chị Mai - vợ Trung úy Lữ Anh Dồi kêu oan cho chồng (lúc đó vụ án đã xảy ra 8 - 9 năm rồi).

Lãnh đạo Báo Bạc Liêu qua các thời kỳ. Ảnh: T.L

Kế đến là chú Chín Tửng (Tạ Việt Hoa), nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Minh Hải. Chú Chín viết báo không hay nhưng nói chuyện thì rất hay, do chú là báo cáo viên của tỉnh thời đó. Kế đến nữa là các anh: Phan Anh Tuấn (Tổng Biên tập Báo Cà Mau); anh Hà Phương Dũng (Trưởng phòng Kinh tế), thủ trưởng trực tiếp của tôi, viết báo hay, người đa tình, đa cảm. Kế nữa anh là Tô Đoàn Hùng, là người kỹ tính đến thái quá. Anh viết chữ đẹp, ngay ngắn, đến bột ngọt, đường, nước mắm ăn hằng ngày anh cũng cho vào lọ để trên kệ ngăn nắp, trong phòng ngủ, như những vật trang trí. Ngoài ra còn có chị Bích Liên, anh Tám Phượng (Phạm Minh Phượng, đã mất), anh Tấn Sĩ (đã mất), anh Mười Đại - một cây nhiếp ảnh có tiếng lúc bấy giờ. Tôi còn muốn kể anh Nguyễn Thanh Sơn (đã mất) với chức vụ cuối cùng là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, một người gắn bó suốt đời cho báo chí, từ trong kháng chiến đi ra.

Đội ngũ những người từ chiến khu ra thành làm báo sau này, lần lượt được bổ sung như anh Sáu Thi, từ Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được điều về làm Tổng Biên tập Báo Minh Hải. Đó là một ông già nghiêm cẩn, đức hạnh, cả một đời sống thanh bạch, liêm chính vô cùng. Chính vì thế mà thời làm Tổng Biên tập, dù ít nói, không la rầy, nóng nảy mà ai cũng sợ - sợ cái nghiêm cẩn, sự đức độ của ông.

 Người về cùng lúc với anh Sáu là anh Bảy Chánh (Nguyễn Minh Chánh) - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, về Báo Minh Hải làm Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập và sau này là Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu khi chia tách tỉnh, cũng là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu. Với tôi, anh Bảy là một thủ trưởng rất đặc biệt. Trưởng thành từ các cơ quan “ăn nói” nên anh nói rất hay, thế nhưng kỹ năng viết báo thì không hay. Ông trời cũng công bằng, lại cho anh cái đầu và tư chất của một người có tầm nhìn xa, cực kỳ nhạy cảm chính trị và do đó anh phát hiện được những vấn đề mà báo chí cần. Những năm anh cầm quân Báo Minh Hải, rồi Báo Bạc Liêu, tờ báo trở nên đầy sức sống. Còn nhớ vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, Báo Minh Hải phát hành đến hơn trăm ngàn bản, đó là thời kỳ tờ báo vận động theo quỹ đạo đổi mới đất nước, của Đảng. Đó cũng là giai đoạn mà anh Bảy làm Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập.

Anh Bảy Chánh còn một điều đặc biệt nữa, nếu không nói rõ cuộc đời sẽ không công bằng với anh. Anh quý trọng và có trách nhiệm với văn hóa. Còn nhớ những năm Báo Minh Hải còn ở Cà Mau, tranh thủ vị thế của báo chí anh đã đề xuất rồi tổ chức giải cấp tỉnh trò chơi dân gian đua xuồng ba lá, khi về Bạc Liêu thì anh đề xuất “Ngày Hội báo Xuân”, Tết quê giữa lòng thành phố, để khôi phục, giữ gìn phong tục Tết. Những thứ này bây giờ trở thành hoạt động truyền thống hằng năm ở Bạc Liêu, nhưng chắc là ít người còn nhớ đến người phát kiến ra nó!

Do khuôn khổ bài báo nên tôi chỉ xin kể vài khuôn mặt tiêu biểu như thế. Họ là lực lượng từ trong chiến khu ra và được Đảng giao nhiệm vụ xây dựng tờ Báo Minh Hải đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới. Đó là làm nhiệm vụ tuyên truyền và xây dựng cơ sở vật chất, vừa đào tạo nguồn nhân lực.

(còn tiếp)

PHAN TRUNG NGHĨA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.