Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục của đồng bào Khmer
Sau tỉnh Hậu Giang với Festival Áo bà ba, TP. Cần Thơ vừa tạo ấn tượng khi xác lập kỷ lục có hàng ngàn phụ nữ tham gia trình diễn áo bà ba, áo dài. Cũng xuất phát từ mục đích tôn vinh nét đẹp trang phục truyền thống, đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều nơi đã tổ chức các lễ hội để giữ gìn văn hóa dân tộc.
Nhìn từ sức lan tỏa của các hoạt động này để thấy rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu cần quan tâm đúng mức, kịp thời.
Trình diễn trang phục Khmer trên sân khấu Nhà hát Cao Văn Lầu cũng là cách để bảo tồn, phát triển du lịch. Ảnh: H.T
THIẾU MẶN MÀ VỚI TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG
Đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng có trang phục truyền thống đa dạng về chất liệu, thiết kế cầu kỳ, màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh tế. Người Khmer sử dụng từng loại trang phục khác nhau khi lao động, đi chùa, lễ hội, lễ cưới… Với người Khmer, trang phục không chỉ chứa đựng giá trị đặc sắc của nghề dệt thủ công, giúp tôn thêm vẻ đẹp cho người mặc mà còn thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Độc đáo là vậy, song trang phục của người Khmer đang ngày càng ít được sử dụng trong đời sống hiện đại. Về các chùa Khmer vào dịp lễ hội, chúng tôi ít bắt gặp những bộ trang phục truyền thống được người dân mặc đi dự lễ. Thay vì xà-rông và áo tầm-vông, nhiều người, nhất là các bạn trẻ chọn những bộ quần áo mang phong cách thời trang hiện đại, sành điệu. Điều này không chỉ làm giảm đi giá trị, nét đẹp của lễ hội mà lâu dài còn dẫn đến nguy cơ bị quên lãng, mai một văn hóa dân tộc.
Bạn Sơn Phương Thảo (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Những năm học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, mỗi khi mặc xà-rông khi đến lớp, tôi cảm thấy tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, với sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa trong đời sống hiện đại đã khiến nhiều người, nhất là các bạn trẻ thiếu mặn mà với việc mặc trang phục Khmer. Thực trạng này đặt ra thử thách lớn trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, nhất là trong thế hệ trẻ”.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền về tình yêu, niềm tự hào về trang phục truyền thống Khmer cho các bạn trẻ.
GẮN BẢO TỒN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Để bảo tồn và lan tỏa sức sống cho trang phục của đồng bào Khmer, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành với những giải pháp thiết thực, căn cơ. Gắn bảo tồn nét văn hóa này với khai thác du lịch là một trong những cách làm đang được các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống triển khai, mang lại hiệu quả tích cực.
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm DL cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa Khmer tại vườn nhãn và chùa Xiêm Cán. Theo Sở VH-TT&DL, tỉnh đang kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, người dân đầu tư các mô hình DL cộng đồng tại khu vực này. Trong đó, khuyến khích đồng bào Khmer khai thác các sản phẩm, dịch vụ như: trình diễn nghệ thuật, xây dựng gian hàng cho thuê trang phục… để quảng bá nét văn hóa độc đáo đến du khách.
Dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh đang được triển khai thực hiện tại 2 khối nhà B, C của Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu khi đưa vào hoạt động cũng sẽ là nơi bảo tồn, phát huy giá trị trang phục Khmer. Trong số các chủ đề được tái hiện, Bảo tàng tỉnh dành không gian để trưng bày, giới thiệu về trang phục của đồng bào Khmer.
Ông Lê Thanh Tự - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Ngoài trưng bày hiện vật, Bảo tàng tổng hợp tỉnh sẽ số hóa những tư liệu về trang phục truyền thống của người Kinh - Khmer - Hoa ở Bạc Liêu. Việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ tăng hiệu quả, tính hấp dẫn cho trang phục truyền thống Khmer để thu hút du khách, cũng như góp phần giáo dục các bạn trẻ Khmer về tình yêu, niềm tự hào đối với trang phục dân tộc”.
Ngoài sự tiếp sức của các cấp và các ngành, việc bảo tồn trang phục Khmer trong đời sống hiện đại rất cần sự tự nỗ lực từ chính đồng bào Khmer. Nếu phát huy giá trị đúng cách, trang phục truyền thống Khmer hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm DL hấp dẫn với du khách.
HỮU THỌ
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”