Bảo tồn và phát huy giá trị điệu nói thơ Bạc Liêu: Việc cấp thiết

Thứ Tư, 27/08/2014 | 16:18

Cùng với đờn ca tài tử, điệu nói thơ Bạc Liêu là một trong những “báu vật” văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, cho đến nay việc làm này vẫn chưa được chú trọng, trong khi số người hiểu và biết về điệu nói thơ không nhiều mà tuổi đã xế chiều, lớp trẻ thì đại đa số chưa từng biết đến điệu nói thơ Bạc Liêu đã từng vang bóng một thời…

Ra đời trong thời kỳ kháng chien, điệu nói thơ Bạc Liêu từng là loại hình nghệ thuật độc đáo của người Bạc Liêu. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của Nam bộ xuất hiện vào đầu thế kỷ XX…

Một thời vang bóng

Làn điệu nói thơ Bạc Liêu được nghệ nhân Thái Đắc Hàng chế tác vào năm 1946, có sự hiệp lực của ông Nguyễn Phi Bằng trong việc hoàn thành phần lời bài thơ “Lấy chồng chiến sĩ” (sau này khi lưu truyền rộng rãi, trong dân gian còn gọi là bài “Mười thương”). Nói thơ Bạc Liêu ra đời để thay chỗ cho vọng cổ thời ấy bị coi là ủy mị, không phù hợp với tinh thần chiến đấu của cách mạng. “Má ơi! con chửa muốn chồng/ Con chờ chiến sĩ thành công đón chàng/ Đời nay chiến sĩ hiên ngang/ Đánh Tây giỏi quá nghĩ càng thêm thương”. Đó là giai điệu quen thuộc một thời trong các vùng kháng chiến cách mạng ở Bạc Liêu.

Cô Phạm Thu Ba, người được báo giới đánh giá là một trong những “báu vật sống” của văn hóa ĐBSCL. Ảnh: C.T

Ngay khi vừa ra đời, điệu nói thơ Bạc Liêu trở thành phương tiện nghệ thuật hữu hiệu trong công tác tuyên truyền để đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính quyền cách mạng đến với đồng bào, chiến sĩ. Chủ đề của các bài nói thơ phản ánh tinh thần yêu nước, lên án hành động ngang ngược của giặc, động viên đồng bào, chiến sĩ… Chính vì nội dung gần gũi, nên điệu nói thơ Bạc Liêu đã tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ trong lòng quần chúng nhân dân.

Sau khi đất nước thống nhất, nhiều ca khúc mang âm hưởng của nói thơ Bạc Liêu tiếp tục ra đời như ca khúc “Trên quê hương Minh Hải”, “Bông điên điển”, “Trở lại Bạc Liêu”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…

Năm 1988, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang đã đưa điệu nói thơ Bạc Liêu lên phim “Phạm Công - Cúc Hoa”. Sau đó, phim “Đất phương Nam” cũng đã mượn giai điệu của nói thơ Bạc Liêu để mở màn qua ca khúc cùng tên. Phim “Đồng Nọc Nạng” cũng mượn giai điệu này để tạo nền nhạc minh họa cho cảnh anh em Mười Chức bị giết hại…

Bảo tồn và phát huy giá trị: Việc cấp thiết

Điệu nói thơ Bạc Liêu ngày nay đang mai một, làn điệu này chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người già; còn giới trẻ gần như không biết đến. Cô Phạm Thu Ba, thành viên Câu lạc bộ Người cao tuổi (Trung tâm Văn hóa tỉnh) là một trong số ít người ở Bạc Liêu hiểu rõ về giá trị nghệ thuật của điệu nói thơ Bạc Liêu và cũng là người nặng lòng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này trong cuộc sống đương đại. Theo cô Thu Ba: “Vốn được sinh ra trong vùng đất Bạc Liêu giàu truyền thống nghệ thuật, nên điệu nói thơ Bạc Liêu cần được tiếp tục bảo tồn, nuôi dưỡng. Quan trọng là có giải pháp cách tân để tồn tại và lớn lên theo các dòng nhạc khác của dân tộc”. Theo chúng tôi, tâm huyết đó không chỉ là trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa của cha ông ta đã từng lao tâm khổ trí tạo nên, mà còn là tình yêu quê hương của mỗi người dân Bạc Liêu.

Với tâm huyết cháy bỏng đó, cô Thu Ba đã tập hợp được nhiều bài nói thơ Bạc Liêu và nhiều lần thông qua các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh bày tỏ nguyện vọng bảo tồn và phát huy giá trị của điệu nói thơ Bạc Liêu. Chúng tôi nghĩ rằng, giải pháp cấp bách hiện nay đối với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm của tỉnh là cần nhanh chóng tìm gặp những nghệ nhân còn sống để sưu tầm, ghi chép, ghi âm, ghi hình giai điệu nói thơ để kịp thời bảo tồn, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Bên cạnh việc bảo tồn, ngành Văn hóa cần nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để bảo tồn, phát huy nghệ thuật nói thơ Bạc Liêu, mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động sáng tác, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn…; hoặc khai thác điệu nói thơ vào trong công tác tuyên truyền cổ động, vì nói thơ Bạc Liêu vốn có tính cổ động rất cao…

Những người hiểu và nắm giữ “linh hồn” của điệu nói thơ Bạc Liêu hiện không còn nhiều, tuổi cao sức yếu, vì vậy những giải pháp bảo tồn trên đây thiết nghĩ ngành Văn hóa nên đặt là nhiệm vụ cấp thiết. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ, lưu truyền những “báu vật” của văn hóa Bạc Liêu.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.