Văn hóa - Nghệ thuật
Bên nhau là Tết!
“Mình còn thanh xuân, còn nhiều ngày để đi. Nhưng ai bên ta mãi mãi, trở về nhà thôi, mang Tết về nhà thôi. Rồi mai ta bước tiếp giấc mơ…” (ca khúc “Đi để trở về 5”).
… Và thế là hết Tết! Nhiều người trong chúng ta lại khăn gói hành trang ra đi để “bước tiếp giấc mơ”, hoặc trở lại guồng quay công việc, học hành sau những ngày đoàn viên bên gia đình đón một cái tết sum vầy.
Tết để đoàn viên
Nhạc xuân là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Bên cạnh những ca khúc đã trở thành bộ sưu tập nhạc xuân truyền thống thì cũng có nhiều ca khúc hiện đại được các nhạc sĩ trẻ sáng tác nghe rất chất và đầy ý nghĩa. Trong số đó, “Đi để trở về” đã có đến 6 phiên bản! Ca từ của những phiên bản này tuy có khác nhau nhưng thông điệp chung nhắc chúng ta rằng, đi đâu rồi cũng nên trở về, vì bên nhau mới thật sự là Tết, mới thật sự có Tết trong nhà!
Những ca từ nghe mà thấm: “Ngày xuân thời gian để bên ông bà, càng khi già nua chỉ mong thấy bây tới thăm...”, “ở chỗ quê ta hăm ba là đã thấy Tết với những gánh hàng ngập đường, nào hoa nào hương người mua kẻ bán. Và đêm ba mươi chị em giành nhau thức canh Giao thừa…”. Cái tết truyền thống trở về thăm ông bà, mừng tuổi mẹ cha, quây quần bên nhau như thế chính là nét đẹp muôn đời của Tết cổ truyền Việt Nam.
Bác sĩ Hải Đăng năm nay có lịch trực Tết tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) ngay từ mùng 1 Tết cho nên anh phải đón Giao thừa trên… xe khách. Đối với anh đây là chuyến xe chuyển giao thời khắc năm cũ sang năm mới rất đặc biệt bởi từ lâu, anh luôn dành trọn vẹn những ngày Tết ở quê nhà Bạc Liêu. Dù vậy, trước đó anh vẫn tranh thủ để có một cái tết sớm với gia đình. Từ 28 Tết, ngay khi đặt chân về đến nhà, anh đã lên lịch để làm hết mọi nhiệm vụ của một người con trở về chúc Tết cha mẹ, thắp nhang cho ông bà tổ tiên, họp mặt bạn bè… Về lại TP. Hồ Chí Minh để trực, mùng 1 Tết, anh vẫn gọi Zalo video để chúc Tết online cho cả nhà, không khí đoàn viên, sum họp của gia đình như tiếp thêm động lực để anh hoàn thành nhiệm vụ một bác sĩ: ăn Tết vẫn lo cho bệnh nhân của mình.
Gia đình anh Thanh Tú (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) tề tựu đông đủ trong mùng 1 Tết. Ảnh: C.T
Ấm áp những chuyến về
“Con còn nhỏ là còn trong vòng tay mình, được lo cho con là hạnh phúc”, có một người mẹ đã chia sẻ như thế trong những ngày tất bật sắm áo quần cho con đón Tết. Tuy bận bịu, mệt nhoài nhưng đó là hạnh phúc của những người lớn khi sắm sanh Tết cho con cháu.
Cho nên khi con lớn lên, xa vòng tay cha mẹ thì ấm áp biết mấy những chuyến trở về. Gia đình anh Thanh Tú (khóm 1, phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) trong mùng 1 Tết năm nay, con cháu tụ về đếm có hơn 40 người! Người thì ở TP. Hồ Chí Minh, người ở TP. Bạc Liêu hay Cà Mau…, tất cả đều về đây để trước là thắp nhang bàn thờ tổ tiên, sau là cùng nhau ăn bữa cơm đại gia đình mà cả năm mới có dịp đông đủ. Ngày giỗ thì cũng có về nhưng không đông đủ được, chỉ kỳ nghỉ Tết dài ngày mới là dịp đặc biệt nhất để sum họp đại gia đình.
“Ra đi là để trở về, dù bằng mọi giá nào, sao lại không nỡ về? Không tin là mình lỡ tàu, tại mình đấy thôi…”.
Tết đến, người ta sẽ bằng mọi cách để thu xếp trở về cho dù có đông đúc, chen lấn nhau đến mệt nhoài! Những chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay luôn tấp nập hành khách, để lại phía sau sự trầm lắng, vắng tanh ở những thành phố thường ngày luôn đông đúc người, xe. “Chạy xe băng băng giữa phố thênh thang mà không sợ va chạm” là sờ-ta-tút của một Facebooker khi Tết này phải ở lại TP. Hồ Chí Minh trực Tết. Quả thật, không gì buồn bằng những ngày Tết ở nơi mà người ta đã tạm rời khỏi để trở về quê nhà.
Ăn Tết ở quê mình, những chuyến trở về ấy ấm áp biết bao sau bao tháng ngày bôn ba. Đó là chuyện giáp Tết. Ngược lại, những ngày hậu Tết này cũng là bối cảnh kẹt xe, kẹt đường vì những chuyến xe đưa người ta đi, trở lại với công việc của mình. Bên nhau chính là Tết, đó là cái Tết đoàn viên chúng ta đã có với nhau những ngày qua để đầy hứng khởi bước tiếp hành trình năm mới!
CẨM THÚY