Bữa cơm gia đình và những... thách thức

Thứ Sáu, 11/11/2022 | 16:51

Bữa cơm gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ lửa ấm, vì đó là một trong những lúc thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống như hiện nay, guồng quay tất bật của công việc, học hành... thì việc duy trì bữa cơm gia đình đôi khi là cả một thách thức lớn trong nhiều gia đình.

Bữa cơm - nếp nhà

Bình gas của nhà chị M. đã gần nửa năm nay vẫn chưa… hết gas. Đó là hệ quả tất yếu khi bữa ăn trưa của các thành viên trong gia đình toàn là cơm hộp, xôi gà, phở…, còn bữa chiều thì thường là ở các quán ăn, tiệm ăn vặt. Chồng công tác ở cơ sở, xa nhà, thi thoảng mới về ăn cơm cùng mấy mẹ con. Công việc khá nhiều lại chạy ngược xuôi đưa đón hai đứa con nên chị M. “chủ trương” cơm hộp, cơm phần cho tiện, đỡ mất thời gian nấu nướng lại không phải rửa chén, dọn dẹp vất vả, vì thời gian nghỉ trưa quá ít ỏi, rồi lại đi làm, đi học. Dẫu biết rằng bữa cơm gia đình đóng vai trò quan trọng trong một mái ấm nhưng chị M. vẫn “lực bất tòng tâm”, chỉ có thể tranh thủ tổ chức bữa cơm thịnh soạn hơn tại nhà vào mỗi cuối tuần mà thôi.

Trái quan điểm với chị M., anh Q. - đồng nghiệp của chị thì cho rằng làm được hay không là do mình biết cách sắp xếp. Anh quan niệm rằng, bận bịu như thế nào thì cũng phải duy trì bữa cơm gia đình. Để cân bằng thời gian, công việc chế biến bữa cơm được vợ chồng anh phân công nhiệm vụ rõ ràng. Chị phụ trách đi chợ, còn anh phụ hợ việc lặt rau, sơ chế; chị nấu ăn thì anh rửa chén... Thế là dù buổi trưa ngắn ngủi nhưng vợ chồng và hai đứa con anh vẫn có bữa trưa quây quần bên nhau. Bữa cơm chiều thì ăn hơi muộn nhưng vẫn đảm bảo là có, để không thiếu không khí sum họp gia đình mỗi cuối ngày. Anh Q. bộc bạch: “Bữa cơm gia đình theo tôi không nên thiếu, đó là dịp để từng thành viên thể hiện sự quan tâm chăm sóc dành cho nhau. Mấy đứa trẻ nhà tôi cũng hay kể chuyện lớp, chuyện trường trong giờ ăn nên không khí rất vui vầy, ấm áp. Đó cũng là lúc để cha mẹ dạy con nữa”.

Thật vậy, ông bà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn cũng cần phải học! Vậy học gì từ việc ăn? Thì đây: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”, “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”… Có biết bao bài học về ứng xử giữa người lớn và trẻ nhỏ, giữa những thành viên trong gia đình lẫn nhau trên mâm cơm. Những bài học về cuộc sống, về ứng xử hay đơn giản chỉ là để vợ chồng kể nhau nghe những áp lực của công việc hôm nay, thành tích công tác hôm nọ... Từ đó, những căng thẳng, mệt mỏi có thể vơi đi, còn niềm vui thì được nhân lên.

Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi để ăn, chính là vì những bài học ứng xử, dạy điều hay lẽ phải dành cho nhau, những san sẻ cùng nhau trong mâm cơm ngon ấm áp đó.

Bữa cơm gia đình với sự tham gia của tất cả các thành viên là thông điệp mà các hội thi ẩm thực tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam luôn hướng đến. Ảnh: C.T

Để có bữa cơm gia đình

Thời đại của “fastfood” (thức ăn nhanh) đang lấn át và làm mai một những bữa cơm gia đình. Nhiều người do quá tất bật với công việc nên không sắp xếp được thời khóa biểu hằng ngày dành cho việc nấu nướng. Và bên cạnh đó cũng không ít người chưa nhận ra tầm quan trọng, giá trị của bữa cơm gia đình nên thờ ơ với chuyện thiết kế những bữa ăn ngon trong gia đình mình... Đây là những thách thức của bữa cơm gia đình.

Những thách thức đó thường đặt lên đôi vai phụ nữ (PN) - người nội tướng trong gia đình. Nhưng, nhắc đến câu chuyện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của PN thì vai trò của người chồng cũng không thể không đề cập. Từ xưa đến nay, vai trò bếp núc luôn đòi hỏi sự vén khéo của người PN, từ việc thiết kế bữa ăn ngon để tất cả các thành viên đều thích, chế biến sao cho đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cả nhà, rồi lại còn đảm bảo hợp khẩu vị từng người. Ở nhiệm vụ này, người PN như một bếp trưởng phải “làm dâu trăm họ”. Không ai bắt buộc PN phải thế này thế khác để tạo bữa cơm gia đình nhưng chính bản chất vén khéo, nết chăm lo chu đáo cho gia đình đã tự bắt người PN phải làm tốt nhiệm vụ này. Chỉ cần lên mâm cơm, ai đó có biểu hiện thái độ không muốn ăn món này, món nọ thì tự khắc người nội trợ thấy mình chưa làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy vậy, cuộc sống hiện nay, việc xây nhà, xây tổ ấm đều phải do cả hai phía đảm đương. Cho nên đàn bà xây nhà được, thì đàn ông cũng phải biết giúp vợ mình tạo lập một tổ ấm đúng nghĩa là nơi để đi là muốn về, là nơi để yêu thương. Trong đó, bữa cơm gia đình cần phải có sự hỗ trợ, giúp sức của cánh mày râu. Tại mỗi hội thi ẩm thực trong các dịp Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), hình ảnh vợ chồng, con cái cùng nhau vào bếp luôn tạo nên bức tranh đẹp về gia đình. Bức tranh đó sẽ có thật trong cuộc sống hiện nay nhiều hơn nếu mỗi thành viên biết san sẻ công việc trong nhà với nhau. Suy nghĩ của anh Q. về vai trò của bữa cơm gia đình đã khiến anh không ngại những công việc mà nhiều người vẫn đùn đẩy, thậm chí là định kiến đó là việc của... đàn bà! Vào bếp vo gạo, rửa chén, nấu ăn, lau nhà... cùng nhau, gian bếp sẽ bớt đi những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người PN. Tình cảm vợ chồng sẽ bền chặt, gắn bó hơn từ những san sẻ này.

Mâm cơm gia đình với những nét đẹp văn hóa vốn có của truyền thống gia đình Việt dẫu đứng trước nhiều thách thức, nhưng tin rằng sẽ duy trì được nếu mỗi người đều hiểu được giá trị của giây phút quây quần bên nhau thưởng thức những món ngon mà “fastfood” không thể nào bằng. Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương - hãy hiểu và cố tạo những bữa cơm bên nhau để tổ ấm thật sự ấm áp, yêu thương.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.