Cà phê đèn mờ

Thứ Sáu, 03/05/2013 | 16:31

Ánh đèn màu nhấp nháy càng làm cho bầu trời đêm thêm phần huyễn hoặc. Những đôi tình nhân sánh bước đi vào quán rồi mất hút sau những lùm cây. Chốc chốc, những tiếng cười khúc khích, những lời thủ thỉ tâm tình, hay những tiếng động “lạ”… lại vang lên. Đó chính là không gian mở của những quán cà phê đèn mờ - nơi được xem là “thiên đường tình yêu” của các cặp đôi và cũng là nơi khiến các ngành chức năng phải đau đầu!

Bài 1: Mục kích

Hơn một tuần rảo quanh các “thiên đường tình yêu” được nhiều bạn trẻ lui tới, chúng tôi ngoài việc được mục kích những câu chuyện hay, còn đúc kết được rằng, dù bình dân hay cao cấp thì tất cả các quán cà phê đèn mờ đều giống nhau ở một điểm chung, đó là quy tắc “3 không”: không hỏi, không biết và không quan tâm!

Từ bình dân…

“Văn hóa cà phê” ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của mỗi người. Dù công việc có tất bật đến đâu, người ta vẫn có thể dành ra hàng giờ để thư giãn, hoặc hẹn hò, tiếp khách, tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp… ở các quán cà phê. Nắm bắt được nhu cầu thực tế này, các quán cà phê đua nhau mọc lên như nấm và kéo theo đó là hàng loạt các chiêu thức cạnh tranh như: đầu tư, trang trí cho không gian quán, đến việc tuyển chọn tiếp viên nữ có ngoại hình đẹp…

Chỉ tính riêng địa bàn thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), đã có hơn 10 địa chỉ cà phê “có vấn đề”. Mặc dù chỉ là các quán tầm tầm bậc trung, nhưng chủ quán vẫn rất chịu chi cho việc thuê mướn tiếp viên nữ. Quần áo ngắn cũn cỡn khoe da thịt, những khuôn mặt suốt ngày bôi son trét phấn được phối với những kiểu tóc dị hợm càng làm cho họ thêm phần lố lăng, kệch cỡm! Thế nhưng ở thị trấn miền biển này, họ thuộc dạng hàng “độc”, “lạ” mang lại nhiều thu nhập cho chủ quán.

Không gian cà phê có văn hóa sẽ giúp các bạn trẻ bồi đắp tâm hồn. Trong ảnh: Một góc ở quán cà phê Sài Gòn nhỏ. Ảnh: K.C

Không riêng gì thị trấn Gành Hào, tại các xã vùng ven địa bàn các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai… vẫn nhan nhản các quán cà phê đèn mờ theo kiểu trá hình, “núp” dưới danh nghĩa cà phê võng, cà phê sân vườn. Hoạt động của các quán cà phê này rất tinh vi, bề ngoài là các quán cà phê sân vườn đậm chất thôn dã, không gian thư giãn miệt vườn… nhưng nếu khách hàng có “nhu cầu”, chủ quán và nhân viên sẽ “chìu tới bến”. Mặc dù, ngành chức năng các huyện đã vào cuộc, liên tục truy quét nhưng vẫn khó ngăn chặn một cách triệt để. Bên cạnh đó, do được sự hậu thuẫn của hệ thống nhà nghỉ, khách sạn… các chủ quán cà phê đèn mờ chẳng dại gì chứa chấp khách và nhân viên tại các tum, lều hay các “buồng dã chiến” tại gia như trước đây; mà họ chỉ việc móc nối, thỏa thuận giá cả, xin địa chỉ và điều “đào” đến đúng điểm hẹn. Nếu như bị phát hiện, bắt quả tang thì chỉ có tiếp viên, khách và chủ các nhà nghỉ chịu trách nhiệm, còn họ thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì chẳng có tiếp viên nào dám “đập bể nồi cơm” của mình, còn các thượng đế cũng ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua vì sợ đổ bể sẽ ê mặt.

…Đến cao cấp

Còn ở ngoại ô TP. Bạc Liêu thì tình hình diễn biến phức tạp hơn. Chỉ tính riêng tuyến đường ngoại ô từ Cao Văn Lầu chạy dài đến Nhà Mát, khu du lịch sinh thái Vườn chim, khu du lịch Giồng Nhãn đã có hơn 50 quán cà phê hoạt động theo kiểu cà phê đèn mờ nhưng quy mô và mức độ chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Qua ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các quán cà phê dạng này đều nép sau những con hẻm sâu được cây cối um tùm bao bọc và tất cả đều trương cao bảng hiệu: Cà phê sân vườn - góc thư giãn dành cho mọi lứa tuổi. Các quán sân vườn nằm ngoài mặt tiền cũng không khác xa là mấy, bên ngoài nhìn vào là một khung cảnh thâm u, cây cối rậm rạp, xung quanh là các hàng rào bê-tông kiên cố, kín cổng cao tường; phía ngoài là đội ngũ nhân viên bảo vệ khá hùng hậu, tuy mang danh nghĩa giữ xe, hướng dẫn khách nhưng xem ra có lẽ họ được bố trí để “canh gác” và thám thính tình hình.

Hầu hết các quán cà phê này đều có một lối đi chính dẫn đến quầy, nếu là khách quen sẽ tự ý chọn địa điểm, còn nếu là khách mới đến một lần sẽ được nhân viên hướng dẫn rất tận tình. Đó là nơi đặt những bộ bàn ghế, những chiếc võng chỉ dành riêng cho 2 người khuất sau những lùm, tán cây rất khó phát hiện nếu nhìn từ bên ngoài vào. Nhiều ngày quan sát tại các quán HQ, SV, TG… chúng tôi nhận thấy rằng, họ chia khách thành 2 nhóm đối tượng để phục vụ. Nhóm 1 - những cặp đôi tình nhân và nhóm 2 - những vị khách đến một mình. Nhắc lại quy tắc “3 không” được đề cập ở trên, với nhóm 1 thì nhân viên phục vụ chỉ lẳng lặng mang cà phê đến, thu tiền và rút lui; riêng nhóm 2, chủ quán sẽ đặc biệt lưu tâm, bố trí tiếp viên đến phục vụ và nếu khách có nhu cầu họ cũng “chìu tới bến”. Ở đây, giữa chủ - khách, khách - khách cư xử với nhau theo quy tắc “3 không”, người nào việc nấy, chẳng ai quan tâm đến ai.

Điều đáng nói nữa là, tại các quán cà phê đèn mờ hiện vẫn phát các bản nhạc cấm lưu hành như: “Sương trắng miền quê ngoại”, “Tình lính”, “Những đêm chờ sáng”, “Có những người anh”, “7.000 đêm góp lại”… Khi được hỏi, thì chủ quán chỉ cười: “Đây là nhạc xưa, giai điệu du dương và được nhiều người yêu thích nên tụi tôi phát để phục vụ khách chứ có biết cấm đoán gì đâu! Vì nhiều lúc mở nhạc trẻ thì khách phàn nàn, yêu cầu được nghe những bài hát cũ…”. Vào nội ô, tình hình cũng chẳng được cải thiện là mấy, tiếng nhạc được khuếch đại bằng dàn loa khủng, bên trong là ánh đèn màu lập lòe trong không gian tranh sáng tranh tối và những cặp đôi ẩn hiện dưới làn khói thuốc!

Kim Trúc

Bài 2: Xây dựng không gian cà phê có văn hóa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.