Văn hóa - Nghệ thuật
Cà-ri vịt, bánh củ cải “lên ngôi”
“Hổng ngờ cà-ri vịt, món ăn dân dã vậy mà thành đặc sản nổi tiếng của Bạc Liêu được cả nước biết hen”. Khi tôi đem câu chuyện cà-ri vịt trở thành món ăn lọt vào tốp 100 món ăn đặc sản của Việt Nam thì mấy dì, mấy cô ở quê đều bàn luận rôm rả đại ý như vậy.
Cà-ri vịt và bánh củ cải của Bạc Liêu được vào tốp 100 món ăn đặc sản nổi bật của Việt Nam. Ảnh: M.Đ
Từ tiệc cúng cơm đến quán ăn
Cà-ri vịt từ lâu đã là món ăn đặc trưng trên bàn tiệc mỗi khi giỗ quảy ở nông thôn. Có 2 cách nấu cà-ri vịt thường thấy, đó là cà-ri vịt nấu theo phong cách truyền thống (dùng những nguyên liệu như bột cà-ri, sa-tế, các loại gia vị như sả, ớt, tỏi, củ hành...) và cách khác là cà-ri nấu với nước cốt dừa. Nếu loại truyền thống hấp dẫn người thưởng thức bởi vị cà-ri đậm đà ăn cay đến hít hà mà thật thơm ngon, thì cà-ri nước cốt dừa lại lôi cuốn bởi vị béo ngầy ngậy. Trên bàn tiệc của đám giỗ, đi cùng món cà-ri là bánh mì xắt khoanh hoặc bún cuộn thành lọn nhỏ đủ để vào chén, rồi chan nước cà-ri vào ăn. Nếu đã từng dự đám tiệc ở nông thôn, tôi tin rằng bạn sẽ thấy 9/10 nhà có sử dụng món cà-ri vịt để đãi khách.
Còn trên bàn của quán ăn, cà-ri vịt thu hút ngay từ đầu bởi cách bài trí món ăn: một đĩa giá, quế tươi xanh, sạch sẽ được bưng ra trước kèm theo là chén muối ớt chanh, rồi sau đó tô cà-ri nghi ngút khói thơm lừng sẽ được bày trước mặt khách. Hít hà một hơi cay nồng mùi cà-ri hòa quyện cùng quế, giá, chanh, muối ớt lại với nhau thì ăn một lần nhớ mãi!
Cà-ri vịt dân dã từ bàn tiệc đám giỗ đến quán ăn giờ đã bước vào tốp 100 món ăn đặc sản của Việt Nam thì tương lai khi du khách đến với Bạc Liêu sẽ tìm thưởng thức cà-ri vịt cho bằng được! Chuyện phải làm của những người làm du lịch là “chưng diện” cho món ẩm thực này một dung mạo đẹp hơn. Nghĩa là, món ăn ngon ta đã có, đã được xác lập là đặc sản, giờ phải bài trí như thế nào để bên cạnh món ăn ngon là thái độ phục vụ lịch sự, quán ăn văn minh, sạch đẹp hơn. Vì thưởng thức ẩm thực, người ta đâu chỉ vào ăn mà còn nhìn phong cách phục vụ, cách bài trí để món ăn ngon phải sạch, đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tôm khô đất Đa Giàu là một trong 2 đặc sản quà tặng của Bạc Liêu trong tốp 100 đặc sản quà tặng của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.
“Ai ăn bánh củ cải hôn...”
Tiếng rao này tôi nghe hồi còn học tiểu học, chừng 5 - 7 tuổi gì đó từ một quang gánh bán dạo, tôi còn nhớ người bán là một người phụ nữ tên Út. Sau mấy mươi năm, chị đổi quang gánh trên vai thành xe đẩy. Dẫu có đổi thay cách thức bán buôn, và tuổi đời người bán già đi theo năm tháng thì hương vị của cái bánh củ cải ấy vẫn nguyên vẹn và... mãi đỉnh để giờ đây, bánh củ cải cùng cà-ri vịt lên ngôi thành 2 trong tốp 100 món ăn đặc sản của Việt Nam. Cái bánh có lớp vỏ tráng mỏng với độ dai, mềm rất đặc trưng bao lấy lớp nhưn gồm củ cải xắt sợi, tép hoặc tôm khô và thịt bằm nêm gia vị vừa ăn. Ăn kèm bánh củ cải không thể thiếu là giá, rau húng lủi, rau thơm, xà lách.
Bánh củ cải là món ẩm thực đặc trưng của người Hoa ở Bạc Liêu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chỉ người Hoa mới biết ăn món này. Bởi ở Bạc Liêu, sự giao thoa văn hóa đã diễn ra như một dòng chảy xuyên suốt, thẩm thấu, hòa quyện với nhau, trong đó tất nhiên có văn hóa ẩm thực. Tuy xuất phát điểm có thể từ dân tộc này, dân tộc khác nhưng khi đã đến đây thì ăn cùng, ở cùng và đoàn kết với nhau thành cộng đồng người Bạc Liêu từ trong sinh hoạt đến cách thức ăn uống.
Tốp 100 món ăn đặc sản nổi bật và tốp 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam (năm 2021 - 2022) là kết quả hành trình tìm kiếm và quảng bá các món ăn đặc sản của 63 tỉnh, thành Việt Nam của Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings). Hành trình này nhằm tìm kiếm và giới thiệu các món ăn, quà tặng đặc sản đặc sắc, độc đáo, mới lạ, mang hơi thở vùng miền trên khắp cả nước. Từ kết quả được công bố, Bạc Liêu có 2 món ăn đặc sản nổi bật là bánh củ cải và cà-ri vịt, 2 đặc sản quà tặng nổi bật là mắm cá chốt và tôm khô đất Đa Giàu.
Như vậy, cùng với món ăn cà-ri vịt, bánh củ cải, Bạc Liêu còn có 2 đặc sản quà tặng để du khách đến Bạc Liêu có thể mang về, đó là mắm cá chốt và tôm khô đất Đa Giàu. Điểm sơ 4 tên tuổi của các món ăn và quà tặng này, Bạc Liêu có đủ phong vị của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa gửi vào từng món (nếu bánh củ cải có “xuất thân” từ người Hoa thì mắm có thể coi là đặc sản của đồng bào Khmer).Việc 4 món ăn này được vào tốp đặc sản ẩm thực và quà tặng chắc chắn là điểm cộng để du lịch Bạc Liêu có thêm sắc màu cuốn hút từ văn hóa ẩm thực.
CẨM THÚY
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác