Văn hóa - Nghệ thuật
Cải lương lên sóng truyền hình trực tiếp
Đứng trên sân khấu cải lương, diễn trước ống kính máy quay đã rất nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu (CVL) diễn để phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Ngoài “đài nhà”, chương trình còn được 4 đài tỉnh bạn tiếp sóng, gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang và tỉnh kết nghĩa Ninh Bình.
Hai cặp đôi nghệ sĩ Hoàng Dững - Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hạnh và nghệ sĩ Như Huỳnh - Nghệ sĩ ưu tú Giang Tuấn lần lượt vào vai chính Tần Lĩnh Sơn và Hồ Bảo Xuyên trong vở “Đêm lạnh chùa hoang”. Ảnh: C.T
Mùa dịch, ở nhà xem cải lương
“Rất thích xem cải lương ở Nhà hát CVL nhưng mùa dịch này thì đành chịu. Cho nên khi nghe nhà hát trực tiếp cải lương trên sóng truyền hình, gia đình tôi thích lắm và xem cả vở, lại đúng vở cả nhà mê! Dịch bệnh ở nhà thưởng thức cải lương đảm bảo an toàn. Mong là sẽ còn nhiều vở cải lương như vậy phục vụ công chúng”, chị Bích Khởi (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) chia sẻ. Rất nhiều khán giả cũng có chung ý kiến như chị Bích Khởi.
“Không để đứt gãy nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân trong mùa dịch này, đây là cách làm quá tuyệt vời của Bạc Liêu”, một khán giả miền Bắc đã nhận định như thế khi được thưởng thức chương trình cải lương trực tiếp trên sóng truyền hình (được tiếp sóng trên Đài PT-TH tỉnh Ninh Bình). Và đó cũng chính là mục đích của Nhà hát CVL khi đề xuất việc phối hợp với đài truyền hình địa phương dàn dựng và phát trực tiếp cải lương trên sóng truyền hình trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn căng thẳng. Một cách xoay trở để cải lương có đất diễn mới, duy trì sức sống, tiếp tục chặng đường phát triển, và nhất là không làm gián đoạn nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của Nhân dân. Đề xuất đầy tâm huyết đó đã nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo tỉnh. Và thế là cải lương lên sóng trực tiếp, kỳ đầu tiên vào tối 27/11 với vở “Đêm lạnh chùa hoang”. Theo kế hoạch của Nhà hát CVL thì 2 kỳ tiếp theo sẽ diễn ra lần lượt vào tối 25/12 và 22/1 với hai vở “Bên cầu dệt lụa” (soạn giả Thế Châu) và “Đường gươm Nguyên Bá” (soạn giả Hoa Phượng).
Khẳng định bước tiến
Được hỏi cảm nhận khi diễn cải lương với hình thức này, “Hoa hậu cải lương” Như Huỳnh chia sẻ: “Vui, vinh dự và cũng khá áp lực! Vở “Đêm lạnh chùa hoang” đã được Nhà hát CVL diễn phục vụ khán giả tại rạp rồi, diễn phát sóng trực tiếp ít nhiều cũng tạo áp lực cho chúng tôi. Tuy nhiên, giữa lúc dịch bệnh vẫn đang phức tạp, lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT-TT&DL đã tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát CVL được đứng trên sân khấu phục vụ khán giả bằng hình thức mới mẻ này thật sự là nguồn động viên, khích lệ đầy ý nghĩa. Với niềm vui đó, ê-kíp đã diễn hết mình trên sân khấu để mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho quý khán giả. Việc được các đài tiếp sóng, đặc biệt là đài tỉnh kết nghĩa Ninh Bình cũng sẽ giúp cải lương Nam Bộ nói chung, cải lương Bạc Liêu lan tỏa xa hơn”.
“Đêm lạnh chùa hoang” của soạn giả Yên Lang là một trong những vở cải lương kinh điển của sân khấu cải lương Nam Bộ. Tuy không thể so sánh với dàn nghệ sĩ gạo cội trước đây nhưng các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát CVL với thanh - sắc khá vẹn toàn đã bước lên một bước tiến mới, tạo không gian nghệ thuật mới cho cải lương kinh điển thời hiện đại. Việc sắp xếp 4 nghệ sĩ thủ 2 vai chính Tần Lĩnh Sơn và Hồ Bảo Xuyên trong vở (Giang Tuấn - Như Huỳnh, Hoàng Dững - Mỹ Hạnh), theo đạo diễn Quốc Khánh là để phát huy tối đa nguồn lực trẻ của đoàn, để các nghệ sĩ có đất diễn trong một vở đã được khán giả nhiều lứa tuổi yêu thích. Ngoài năng lực diễn xuất còn phải kể đến khâu kỹ xảo, kỹ thuật, âm thanh, màn hình led với cảnh trí sống động, đạo cụ được đầu tư công phu.
Xem cải lương trên sóng truyền hình, nhạc sĩ Thế Long nhận xét: “Vở diễn rất hay, nghệ sĩ ca diễn khá đồng đều. Ngoài ra, âm nhạc và dàn nhạc cổ phục vụ vở rất tốt”. Về phần mình, đạo diễn Quốc Khánh tự nhận xét: “Anh em đã nỗ lực rất lớn để tạo thành công bước đầu cho hình thức này, tuy nhiên do lần đầu tiên phát sóng trực tiếp, chương trình không tránh khỏi một số sơ suất nhỏ về kỹ thuật. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để 2 kỳ sau chỉn chu hơn”.
Kinh nghiệm rút ra được từ mỗi vở diễn, nhận xét của giới chuyên môn và trước sự đón nhận nhiệt tình của khán giả mộ điệu cải lương khắp nơi chính là động lực để Nhà hát CVL tiếp tục hành trình vun bồi, phát triển nghệ thuật cải lương trên đất Bạc Liêu trong thời gian tới.
CẨM THÚY
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh