Cải lương vào mùa hội

Thứ Tư, 30/10/2024 | 16:14

Hơn 1.200 nghệ sĩ, diễn viên của 30 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đang dệt nên mùa hội cải lương làm say lòng giới mộ điệu. Gần 1/3 hành trình của Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đã chứng minh điều đó.

Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ mỗi ngày 2 lượt sáng - tối sáng đèn với những vở cải lương đủ thể tài. Tâm huyết của từng nghệ sĩ và những ánh mắt dõi theo từ hàng ghế khán giả khẳng định rằng, đây vẫn là sân chơi nghệ thuật gợi cảm xúc đối với những người trong nghề cũng như hun đúc tình yêu sân khấu cải lương cho khán giả thời hiện tại.

Nghệ sĩ ưu tú Giang Tuấn trong vở cải lương “Trước bình minh” (vở dự Liên hoan năm nay của Hội Sân khấu Bạc Liêu).  Ảnh: Đăng Huỳnh

Sức lan tỏa của cải lương

“Những vở diễn kinh điển của cải lương cách đây mấy mươi năm vẫn còn được giới mộ điệu “đào xới” trên các nền tảng mạng xã hội thời công nghệ số thì tại sao người mê cải lương lại không muốn đến sân khấu để trực tiếp thưởng thức sự “lột xác” và những giá trị bất biến của loại hình này. Cải lương vẫn còn gợi nhiều cảm xúc cho người xem lắm”, một khán giả ở Bạc Liêu chuẩn bị hành trang lên đường đến xứ sở “gạo trắng nước trong” để trực tiếp xem vở cải lương dự thi của Bạc Liêu, bày tỏ.

Chính vì cải lương vẫn còn đó sức cuốn hút khán giả nên việc tổ chức liên hoan định kỳ chính là nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển cho phù hợp là trách nhiệm đặt ra cho các cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật qua mỗi mùa liên hoan. Dù ở tuyến vai chính hay phụ thì đây đều là cơ hội cho mỗi nghệ sĩ báo công với Tổ nghiệp những gì mình lĩnh hội, tiếp thu, đem tài năng góp nên luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSND Trần Ly Ly: “Liên hoan không chỉ là cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, mà còn là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật từng bước định hướng về tiêu chí nghệ thuật, xây dựng lực lượng kế thừa có đầy đủ năng lực, giữ gìn phong cách sân khấu riêng của mình; đồng thời phát huy sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương trong việc gắn kết phục vụ nhiệm vụ chính trị với phục vụ công chúng”.

Bạc Liêu - Góp hương sắc cho ngày hội

Vở “Trước bình minh” của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu “tái xuất” sáng 28/10 đã chiếm trọn cảm tình của người xem. Nói tái xuất là vì, cách đây gần 40 năm, tại Hội diễn Sân khấu cải lương toàn quốc năm 1985, “Trước bình minh” (kịch bản của cố soạn giả Hữu Nghĩa - Anh Đạo) do Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải cũ) dự thi đã gặt hái “mưa thành tích”: 12 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc cho vở diễn, diễn viên, âm nhạc, kịch bản, đạo diễn…

Thời khắc Bạc Liêu giải phóng không nổ súng nhờ sự đấu trí tài tình và dũng cảm của những nhân vật lịch sử có thật đã được các nghệ sĩ trẻ tái hiện sinh động, thuyết phục. Đó là Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Giang Tuấn tròn vai diễn Mười Hùng - là phiên bản của đồng chí Lê Quân, một trong 3 nhân vật lịch sử tham gia phái đoàn thương lượng với Tỉnh trưởng Bạc Liêu; là Đại tá Điệp qua phần thể hiện xuất sắc của nghệ sĩ Khánh Hòa, sự hung tợn, xảo quyệt của Mã Thành Nghĩa qua diễn xuất xuất thần của nghệ sĩ Vĩnh Sơn, hay gây xúc động cho khán giả hơn cả là nghệ sĩ Hồng Nhiên khi hóa thân nhân vật Hai Ngọc, vợ Mười Hùng...

NSƯT Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, đạo diễn vở cho biết với nội dung tái hiện thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 của Bạc Liêu, đây là vở được dàn dựng để phục vụ ngày truyền thống cách mạng của tỉnh vào năm 2025 sắp tới.

Sáng 31/10, “Giọt máu oan cừu”- một trong nhiều vở cải lương nổi tiếng của cố soạn giả Trọng Nguyễn sẽ được Hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu “trình làng”. NSƯT Khưu Minh Chiến, một đàn anh kỳ cựu từng góp mặt trong vở, nay đảm nhận vai trò đạo diễn. Những nhân vật quen thuộc mà giới mộ điệu chưa thể quên tên như Đại úy Hoàng Anh, Bảy Thép, địa chủ Yên... sẽ được “sống lại” sinh động để công chúng, khán giả hôm nay hiểu về sự cùng khổ của những người dân dưới sự bóc lột áp bức của địa chủ, cường hào ác bá và tinh thần yêu quê hương, đất nước đã dệt thành trang lịch sử cách mạng hào hùng một thời của thế hệ đi trước.

Lịch sử về các thời vua chúa của Việt Nam vẫn là mảng không thể vắng bóng trong tất cả các liên hoan, hội diễn cải lương, bởi đó là “đất vàng” để nghệ sĩ, diễn viên trẻ thử sức mình trong tuyến vai nhân vật lịch sử. Vì vậy, “Sáng mãi vầng nhật nguyệt” đã được Nhà hát Cao Văn Lầu chọn để tung quân trong sân chơi lần này (diễn đêm 1/11).

Sẽ khá căng thẳng nếu đặt nặng thành tích, nhưng sẽ là đợt tập dượt quy mô để cùng nhau nâng lên tay nghề và giữ mãi ngọn lửa đam mê ca diễn cho các “thí sinh”, trong đó không ít gương mặt đã là những anh tài, là NSƯT của cải lương toàn quốc. Các NSƯT của Bạc Liêu như: Giang Tuấn, Anh Chàng, Như Huỳnh, cùng các nghệ sĩ: Diễm My, Hoàng Dững, Hồng Nhiên, Hải Đăng, Hoài Thương, Minh Nghiêm... bước vào mùa hội với đam mê, nhiệt huyết và dĩ nhiên cả hy vọng!

Từ sân chơi lớn đang tưng bừng này, tin rằng cải lương sẽ mở ra những trang mới thật sự thích ứng với thời hiện đại. Một đội ngũ nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, những vở diễn mang hơi thở thời đại, kể cả lịch sử xa xưa cũng phải gợi lên những bài học cho hiện tại, khi ấy cải lương mới đem lại luồng gió mới thật dễ chịu cho sân khấu hôm nay.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.