Văn hóa - Nghệ thuật
Cây me mà biết nói...
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc 4 gốc me cổ thụ bị di dời. Vì có cây nằm lọt xuống lòng đường gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Bốn gốc me này nằm hai bên đường Bà Triệu, thuộc Phường 3 (TP. Bạc Liêu).
Nghe nói trước khi dời, chính quyền TP. Bạc Liêu đã thăm dò dư luận rồi họp dân trưng cầu ý kiến. Đa số người dân thành phố được tham khảo ý kiến đều nhất trí trong nuối tiếc, trong trạng thái “chẳng đặng đừng”. Những người lớn tuổi bảo rằng, ngay từ bé họ đã nhìn thấy những gốc me này, nó như một nhân chứng, một ghi dấu về thành phố thân yêu của họ.
Theo đó, nhiều tờ báo cũng thông tin về sự kiện này. Thông tin theo kiểu đưa sự kiện. Và tất cả đều cho rằng những gốc me già ấy đã có hơn trăm năm. Cả hai luồng dư luận đều không nói được những gốc me này là do ai trồng, trồng lúc nào, ý đồ gì?
Tôi không có tài liệu bằng giấy trắng mực đen, nhưng tôi có lý để nói rằng những gốc me ấy và nhiều cây cổ thụ ở TP. Bạc Liêu, có nhiều cây chỉ còn nằm trong ký ức người thành phố là do chính quyền Pháp chủ trương trồng sau khi họ thành lập tỉnh Bạc Liêu vào năm 1882.
Năm 1873 khi bắt đầu chiếm đóng Hà Nội, người Pháp có kế hoạch đô thị hóa Hà Nội bằng những công trình xây dựng đồ sộ. Và trong kế hoạch ấy họ rất chú trọng việc trồng cây xanh đô thị, ngoài việc giữ lại và phát triển vườn cây cổ thụ Bách Thảo của Hà Nội, người Pháp đã cho trồng rất nhiều cây trên đường phố theo hàng lối ngay ngắn. Song song đó, các vườn hoa cũng được trồng mới. Các kỹ sư Pháp đến Đông Dương với nhiều ý tưởng canh tân và họ chọn Hà Nội là nơi thực nghiệm “Thành phố - Vườn cây”. Từ đó Hà Nội mới có nhiều cây xanh cổ thụ như bây giờ.
Một gốc me tàn tạ, khô héo ở góc đường Hà Huy Tập tiếp giáp đường Bà Triệu (Phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T
Tương tự như thế, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay), sau khi chiếm từ năm 1863 - 1865, người Pháp tiến hành xây dựng đô thị rất chú trọng đến việc trồng cây xanh với mục đích chống cái nắng chói chang của xứ nhiệt đới. Năm 1863 - 1870 vườn Bách Thảo (Thảo Cầm Viên ngày nay) được quy hoạch phát triển thành vườn cây có chức năng ươm giống không chỉ cho Sài Gòn mà còn cho lục tỉnh. Nhiều con đường làm mới được trồng cây, đường Sương Nguyệt Anh và nhiều tuyến đường khác ngày nay giăng giăng những hàng cây cổ thụ cây sao, cây dầu rất to tỏa bóng mát ra đời từ đó.
Theo đó, các tỉnh cũng được xây dựng và trồng cây xanh như Sài Gòn, Hà Nội. Năm 1882, tỉnh Bạc Liêu được thành lập, người Pháp tiến hành xây dựng nhiều công trình trọng điểm, tiêu biểu là Tòa bố (cơ quan hành chính tỉnh, tọa lạc trên đường Trần Phú, ngang UBND TP. Bạc Liêu ngày nay) và Dinh Tỉnh trưởng (trụ sở Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu ngày nay)… Song song đó, chính quyền Pháp quy hoạch, sửa chữa và làm đường cho đô thành Bạc Liêu. Theo phong cách hay nói một cách khác là mô-típ của họ rất chú trọng đến việc trồng cây xanh trên các tuyến đường đô thị. Có một điều lạ là cũng trong thời gian này ở Trà Vinh, Sóc Trăng… chính quyền Pháp cho trồng rất nhiều cây sao, cây dầu và cả Sài Gòn cũng thế. Nhưng ở Bạc Liêu thì tuyệt nhiên ít thấy hai loại cây này. Phần lớn hiện nay chúng ta còn thấy là tuyến đường Trần Phú, Bà Triệu thì trồng me, tuyến thuộc khu vực Chợ đêm ngày nay thì trồng điệp vàng. Ở Sài Gòn khi bố trí hệ thống cây trồng theo các tuyến đường thì các kỹ sư người Pháp có chủ trương ưu tiên trồng cây me vì tán lớn, bóng mát nhiều và không rụng lá làm xả rác đường phố, vỉa hè. Từ đây ta suy luận rằng ở Bạc Liêu chắc cũng thế, cộng thêm thổ nhưỡng Bạc Liêu là vùng đất nhiễm mặn, cây me rất thích hợp.
Tòa bố Bạc Liêu từ năm 1982 - 1986 được phân cho Báo Minh Hải làm trụ sở. Cho nên tôi ở đây thời gian khá dài. Hồi đó trước mặt Báo Minh Hải nối dài đến ngã tư Quốc tế, giáp lộ Trần Phú là một dãy me cổ thụ thật to một người ôm không hết, và rất dài. Chiều ngang được bố trí 2 gốc me cổ thụ giáp với đường Trần Phú, nó như một khu vườn, rộng đến 40 - 50m và dài mấy trăm mét. Đã có thời tỉnh Minh Hải sử dụng khu vực này xây dựng khu vui chơi sinh thái, đây là công trình vui chơi - giải trí công cộng đầu tiên của tỉnh. Dân Bạc Liêu gọi là công viên hàng me. Công viên xây dựng xong thì hàng quán mở ra dày đặc, cũng từ đó nó biến thành một khu vui chơi sầm uất, mỗi dịp lễ hội hay tết nhất là chen chân không lọt. Là dấu ấn không phải của người thành phố bây giờ nhìn lại tôi phát hiện một điều là hàng me ấy thưa đi rất nhiều và những cây me cổ thụ bỗng nhỏ lại, tán hẹp lại chứ không phát triển theo quy luật tự nhiên của nó. Có lẽ việc này là do những bàn tay vô cảm cắt đi hoặc lấn át nó trong quá trình làm đường, làm điện, xây dựng khu trung tâm thương mại… Một thời sống và vui với vườn me cổ thụ ấy tôi bỗng thấy ngậm ngùi, bỗng tiếc nuối rồi bật thốt: Thời gian thật nghiệt ngã!
Phía sau trụ sở Báo Minh Hải cho đến Dinh Tỉnh trưởng (trụ sở Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu ngày nay) là một khu đất trống rất rộng, tôi nghĩ lúc thành lập tỉnh, người Pháp đã bố trí nơi đây làm một vườn cây. Khi Tỉnh ủy Minh Hải xây cất lên, chặt hạ rất nhiều cây xanh ở đây. Thế nhưng, thời tôi ở vẫn còn rất nhiều cây cổ thụ. Phía trái cơ quan Báo có mấy cây cọ rất to, có một cây cổ thụ mà trái nó giống trứng dái ngựa, vì thế bọn tôi thường gọi là cây dái ngựa. Sau lưng trụ sở Tỉnh ủy vẫn còn một cụm cây sao, cây dầu rất to. Đến thời Tỉnh ủy chuyển giao cho Trường đại học Bạc Liêu thì cụm cây này vẫn còn và bây giờ thì chúng “bốc hơi”. Xung quanh Tỉnh ủy cho đến Liên hiệp hội có nhiều cây cọ, cây thốt nốt to… Và giờ không biết vì sao chúng cũng biến mất.
Người Pháp khi đến xứ mình họ rêu rao rằng đi khai hóa văn minh. Và để chứng minh cho chủ thuyết của mình họ đã xây dựng đô thị, làm đường, trồng cây, làm thủy lợi với chi phí lớn nhằm thuyết phục dân bản xứ tin vào điều đó để củng cố nền cai trị mà vơ vét của cải của thuộc địa. Thế nhưng, cây di sản của họ là tài sản của Nhân dân ta khi đất nước ta được độc lập dân tộc và dĩ nhiên nó là cây của con dân TP. Bạc Liêu.
Tôi sống ở TP. Bạc Liêu gần trọn một đời người. Tôi hay nói thầm thành phố Bạc Liêu là thành phố tình yêu của mình, vì nó chất chứa trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Mỗi lần nhìn thấy hàng me cổ thụ là ký ức của tôi được khơi dòng, được ôn lại những vui buồn thời trai trẻ của mình. Những gốc cây không biết nói ấy mà lại biết nhắc nhớ, khơi gợi, biết sưởi ấm một tình yêu thành phố cho người thành phố. Chính vì lẽ đó nó nghiễm nhiên kết tinh thành văn hóa.
Đường thì có thể làm trong một sớm một chiều và muốn nằm ngang, xẻ dọc gì cũng được, còn cây thì không. Một “cây văn hóa” có được phải tích tụ cả mấy đời người. Một thành phố hiện đại trong cái vị thế thành phố phát triển là thành phố chứa nhiều hàm lượng văn hóa, khi đó nó trở thành một thành phố đầy nhân văn để rồi nó không chỉ có công năng cho người thành phố sống, đi lại mà còn sưởi ấm, ấp ủ tâm hồn cho họ.
Và quan điểm xây dựng thành phố của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới là: Đường né cây cổ thụ, chứ cây không “né” đường. Chuyện xảy ra thì đã xảy ra, cái mà chúng ta ray rứt là những cây còn lại. Các công dân thành phố hãy đi một vài tuyến đường mà xem, chúng ta sẽ thấy những cây me tàn tạ, không còn sức sống bởi bàn tay vô cảm của nếp sống văn minh tấn công cây xanh cổ thụ.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024