Ghi chép

Chất “thép” trong nhà báo Bảy Minh...

Thứ Tư, 18/09/2024 | 16:41

Dấu ấn của chú Bảy Minh (tức nhà báo Phạm Văn Tri - nguyên Quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải giai đoạn 1984 - 1990, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau từ năm 1990 - 2010) để lại trong lòng nhiều thế hệ làm báo 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu là tinh thần quả cảm, đầy chất thép của một nhà báo dám đương đầu với cam go, quyết tâm đứng về phía công lý.

Từ những cuộc thăm hỏi xúc động

Lâu lắm rồi chú Bảy Minh mới có một chuyến đi dài ngày như thế. Bởi nghe đâu, vì tuổi cao nên thím Bảy “giữ” chú rất kỹ, không cho chú đi xa, đi nhiều như vậy! Từ Cà Mau, chú Bảy Minh cùng với một số đồng nghiệp là “lính” của mình  năm xưa từ TP. Cần Thơ xuống hội tụ tại  Bạc Liêu 2 ngày để thăm lại nhiều anh em đồng chí, đồng nghiệp đã “nếm mật nằm gai” với chú trong những năm tháng chiến tranh, cũng như trong những ngày đầu giải phóng đất nước với đầy những khó khăn. Chuyến đi này nằm trong chương trình làm phim tài liệu 100 năm báo chí Cà Mau - Bạc Liêu do Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau đang thực hiện.

Đã có những cuộc hội ngộ với biết bao câu chuyện, kỷ niệm về đời, về nghề cách đây 40 - 50 năm được nhắc lại. Nhà vườn của nhà báo - nhà văn Phan Trung Nghĩa chứng kiến một trong những cuộc hội ngộ ấy với rôm rả tiếng cười, đong đầy cả những cảm xúc khi cùng ngồi ôn lại hồi ức xưa. Đó là cuộc gặp gỡ của những nhà báo lão thành, nguyên lãnh đạo của Báo Minh Hải và Báo Cà Mau, Bạc Liêu nhiều thời kỳ, gồm các nhà báo: Bảy Minh, Nguyễn Bé, Nguyễn Minh Chánh, Phi Thường, Kiến Quốc, Đoàn Hùng...

Dẫu tuổi cao, sức yếu, đôi chân đi dễ mỏi, thế nhưng chú Bảy Minh nhất định phải đi cho bằng được để đến từng nhà thắp nhang cho những đồng nghiệp đã yên nghỉ, như chú Tư Thủ (nhà báo Nguyễn Khánh Hồng), nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh; chú Sáu Kiên (nhà báo Nguyễn Kiên Định). Đến nhà riêng của nhà báo Năm Đoàn (nhà báo Trần Nam Đoàn), hai nhà báo kỳ cựu đã dành hơn một giờ đồng hồ để cùng ôn lại hồi cùng gánh vác nhiệm vụ tuyên huấn, báo chí thời gian khó. Những câu chuyện thời làm báo trong chiến tranh, thời mới giải phóng với biết bao khó khăn, thách thức được các chú nhắc lại trong những hồi tưởng khó phai...

Ê-kíp thực hiện bộ phim đặc biệt này cho biết, những thước phim ảnh quý mà anh em thu thập lần này không chỉ phục vụ cho phim 100 năm báo chí 2 tỉnh, mà còn mang tính tư liệu “để dành” về sau. Những cuộc gặp gỡ của những nhân vật đặc biệt của báo chí 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau kể về một thời làm báo gian khó nhưng cũng thể hiện chất thép trong nghề của những nhà báo kỳ cựu vùng đất cực Nam Tổ quốc này!

Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu - Hàn Ái Tiến tặng quà lưu niệm cho nhà báo Phạm Văn Tri trong buổi họp mặt các nhà báo lão thành nguyên là lãnh đạo của các cơ quan báo chí 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Đến bài học về “chất thép” trong người làm báo

Tôi gọi chú Bảy Minh là người truyền thép cho thế hệ sau, bởi chỉ nhắc lại riêng “Vụ án Lữ Anh Dồi” thôi, đã quá đủ để thấy rõ điều đó. Ngày ấy, Quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải - Phạm Văn Tri đã trực tiếp chỉ đạo phóng viên viết bài phản ánh về nỗi oan khuất của Thiếu úy Lữ Anh Dồi (sau này đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ) - một vụ án nổi tiếng kéo dài gần cả chục năm trời! Thiếu úy Lữ Anh Dồi bị bắn chết năm 1979, mãi đến năm 1988, bà Nguyễn Thị Mai (vợ Thiếu úy Lữ Anh Dồi) gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một lần về tỉnh Minh Hải, thì những khuất tất mới dần được phơi bày. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ thị lập ban chuyên án cấp Trung ương trực tiếp điều tra làm rõ sự thật. Chỉ thời gian ngắn sau đó, phiên tòa xét xử hai đồng đội biến chất lập mưu sát hại Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã diễn ra.

Trong vụ án này, Báo Minh Hải đã có loạt bài phóng sự điều tra góp phần phơi bày tội ác và mạnh dạn tố cáo sự biến chất của những người đứng trong hàng ngũ của ngành Công an thời ấy!

Nhắc lại vụ này, chú Bảy Minh kể một chi tiết, tôi cho rằng vô cùng đắt giá, cho thấy bản lĩnh của người làm báo, dám đương đầu với thách thức để đứng về phía ánh sáng công lý. Chú kể: Vụ Lữ Anh Dồi khi xảy ra cho đến khi được thông tin trên báo chí đầu tiên là đúng 8 năm. 8 năm vụ án trong ngành Công an lại bị ém nhẹm. Hồ sơ lúc đó tại tỉnh không còn, chúng tôi phải cử phóng viên lên Viện Kiểm sát Quân khu 9 để nắm toàn bộ tài liệu. Tổng cộng báo có đến 7 - 8 kỳ phóng sự đăng vụ này. Trên trang “Diễn đàn Nhân dân” của tờ báo lúc đó ý kiến tràn ngập, dân ủng hộ, dư luận rất tốt. Thế nhưng, cũng có người không muốn báo chí thông tin. Có lần, khi chuẩn bị phát hành báo thì tôi nhận được lệnh “ngưng”. Khi nghe tin này, tôi đã cho nhà in tiến hành in trong đêm đó và phát hành ngay sáng sớm hôm sau. Sáng đó, tôi phải tránh mặt, để tờ báo được phát hành mà không bị ngăn cấm...

Đi tìm tư liệu về chú Bảy Minh, tôi đọc được bài báo “Nhà báo Phạm Văn Tri luôn tin sự thật - chân lý - lẽ phải” của nhà báo Lê Ngọc Diễm, đăng trên báo Cà Mau (năm 2015). Nhờ thông tin từ đây, lớp hậu bối như tôi càng kính phục một người đứng đầu cơ quan báo chí như ông: “Hàng loạt vụ bê bối trong tỉnh được Báo Minh Hải phanh phui như: chủ nhiệm lộng quyền tước đoạt thành quả lao động của xã viên, hủ hóa, mất đạo đức ở Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Thuận; tham ô ở các công ty lương thực, vật liệu xây dựng, chất đốt…; khuất tất ở Ty Thương nghiệp; tiêu cực tại HTX 1/5, HTX 30/4 ở huyện Vĩnh Lợi; vụ án Lữ Anh Dồi 8 năm chưa truy tố hung thủ; chuyện xe, nhà, vuông tôm ở Ðầm Dơi… và rất nhiều vụ tiêu cực khác”.

Kể về những chỉ đạo đầy thép của mình trong nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, nhất là những bài viết có vấn đề, nhạy cảm chính trị, nhà báo Bảy Minh gửi gắm cho những nhà báo hôm nay rằng: “Bảo vệ Đảng không có nghĩa là lúc nào cũng nói theo, mà phải mạnh dạn góp ý, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đối với những vấn đề chưa phù hợp để chủ trương, chính sách ngày càng tốt hơn, để cho quần chúng tin Đảng hơn”.

TỪ CẨM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.