“Chiếc nôi”ấm nuôi dưỡng nghệ thuật Khmer

Thứ Hai, 13/01/2025 | 15:03

Nếu chùa Khmer là thiết chế sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thì gia đình là “chiếc nôi” để nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu nghệ thuật dân tộc. Chính truyền thống gia đình đã tạo dưỡng chất để nghệ thuật truyền thống Khmer giữ được sức sống bền bỉ, qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn được kế thừa và tỏa sáng.

Vợ chồng anh Danh Suộl - chị Na Uy (thứ hai và ba từ phải sang) biểu diễn trong một tiết mục nghệ thuật. Ảnh: H.T

HỒN DÂN TỘC DƯỚI NHỮNG MÁI NHÀ

Đến nhà nghệ nhân Danh Sậm (ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), tôi ngỡ như đang bước vào một nhà trưng bày về nhạc cụ dân tộc. Trong ngôi nhà cấp 4 khá nhỏ, là nơi sinh hoạt của gia đình 3 thế hệ, có rất nhiều loại nhạc cụ Khmer do ông chế tác. Đến nay, ông là người Khmer duy nhất được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian ở Bạc Liêu.

Dưới mái nhà nhuốm màu rêu phong, ông Sậm đã thắp lên “ngọn lửa” tình yêu văn hóa dân tộc bằng cách chỉ dạy cho con trai út - anh Danh Tuôl cách chơi từng loại nhạc cụ. Giai điệu của âm nhạc Khmer ngày ngày vang vọng ở nơi này!

Không chỉ dạy cách chơi nhạc cụ, ông Sậm còn truyền cho con tài nghệ chế tác nhạc cụ. Ông trui rèn cho anh Tuôl cảm âm, sự khéo léo để biến những chất liệu bằng gỗ, da, đồng, sắt tưởng chừng vô hồn trở thành nhạc cụ có giai điệu hết sức độc đáo. Thừa hưởng tài hoa của cha, anh Danh Tuôl giờ đây đã là một nghệ nhân chế tác nhạc cụ nổi tiếng. Nhiều nhạc cụ do anh sáng tạo đã được dùng phục vụ trong các lễ hội ở chùa Khmer. Cứ mỗi lần gia đình có dịp sum họp đông đủ, nghệ nhân Danh Sậm và các con cháu lại cùng nhau hòa tấu nhạc cụ để lưu giữ tình yêu văn hóa dân tộc.

Có một nơi mà nhiều gia đình đã, đang giữ hồn dân tộc là tại Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Đó là gia đình anh Thạch Thiệu - chị Hiệu Thị Liên, gia đình anh Danh Suộl - chị Na Uy, gia đình anh Tha Va Ry - chị Lắc Kha Na, gia đình anh Lý On - chị Thu Hương. Họ đã yêu nhau từ xuất phát điểm là tình yêu nghệ thuật Khmer, rồi cùng nhau giữ gìn những điệu múa, lời ca và đang trao truyền tình yêu đó cho con mình.

Nghệ nhân Danh Sậm dạy cháu ngoại chơi nhạc cụ Khmer.

TỎA SẮC HƯƠNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Không chỉ gìn giữ nghệ thuật như một truyền thống tốt đẹp của gia đình, nhiều người còn mang tinh hoa văn hóa dân tộc lan tỏa trong cộng đồng. Tuy không còn được thực hiện đam mê điêu khắc do mắc bệnh tim, nhưng ông Danh Tài (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) vẫn thường đến chùa Hộ Phòng cũ để tư vấn việc xây dựng chính điện. Đây là công trình do ông tự tay thiết kế, xây dựng lúc còn khỏe. Dắt tôi đi một vòng ngôi chùa, ông chỉ những công trình, hoa văn tinh xảo được tạo nên từ bàn tay, óc sáng tạo của ông.

Ngoài truyền tài vẽ họa tiết lại cho các con, ông Danh Tài còn là thầy của nhiều thanh niên Khmer trong tỉnh có đam mê với nghệ thuật điêu khắc. Dạy nghề miễn phí, nuôi cơm, cho tiền đi lại cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn…, ông đã đào tạo ra nhiều nghệ nhân trẻ. Nhiều người giờ đây đã đi làm nghề, có cuộc sống ổn định và nhất là góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Khmer truyền thống.

Còn nghệ nhân Danh Sậm thì đã gần 80 tuổi vẫn tận tình đào tạo các thành viên trong đội nhạc ngũ âm chùa Đầu Sấu (xã Lộc Ninh) - đội do ông đề xuất với Trụ trì, Ban quản trị chùa để thành lập. Những cây đàn Chùm Riêng, đàn Chpay… được trưng bày tại chùa cũng là của nghệ nhân này trao tặng như một minh chứng cho cả cuộc đời dành trọn đam mê cho âm nhạc Khmer.

Về phum sóc trong những ngày xuân chạm ngõ, nghe chuyện những gia đình Khmer nuôi dưỡng, phát huy giá trị nghệ thuật, càng cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt của văn hóa Khmer. Mỗi gia đình như một đóa hoa sala tỏa sắc hương giữa đời thường.

NGỌC ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.