Văn hóa - Nghệ thuật
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách Việt Nam
Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa là một trong những quan điểm chủ đạo. Chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, giàu lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù sáng tạo là góp phần kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giới thiệu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các bé mầm non trong một giờ học của Trường mầm non Tâm Tâm. Ảnh: C.T
“Dạy con từ thuở còn thơ”
Bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, bắt đầu từ đâu? Ông bà xưa từng khuyên nên “dạy con từ thuở còn thơ”, lời khuyên này chưa bao giờ cũ, bởi khoa học đã chứng minh rằng nhân cách của con người hình thành và phát triển ngay từ thuở nằm nôi, và môi trường để đứa trẻ lớn lên quyết định rất nhiều đến việc hình thành nhân cách một con người. Các nghiên cứu khoa học cho rằng, nhân cách của bất kỳ ai cũng được hình thành và phát triển dưới sự tác động của các yếu tố: di truyền bẩm sinh, hoàn cảnh sống (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội), nhân tố giáo dục, nhân tố hoạt động, và yếu tố giao tiếp.
Những người làm cha mẹ có phẩm chất, đạo đức tốt ít nhiều đã truyền cho con mình nhân tố bẩm sinh đó từ khi đứa bé mới hình thành trong bụng mẹ. Bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách cho trẻ bắt đầu từ những lời ru trên nôi, từ sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, sự yêu thương của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Nếu một đứa trẻ chứng kiến cha mẹ bất hòa, hay anh chị em tranh giành, đánh nhau vì những món đồ chơi mà người lớn chẳng khuyên ngăn, dạy bảo điều hay lẽ phải, thì đứa trẻ đó lớn lên, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều không hay nêu trên.
Phó mặc việc học hành cho nhà trường, không dành thời gian quan tâm việc học của con, không làm bạn và chơi với con, những đứa trẻ chỉ chơi với máy vi tính, điện thoại… trẻ sẽ phát triển với sự thiếu định hướng. Các thầy cô không thể chăm lo tốt cho từng học sinh, khi mỗi lớp học có tới 30 - 40 học sinh! Môi trường mạng không chỉ có những bộ phim hoạt hình phù hợp lứa tuổi, mà nhiều hơn là những phim mang tính bạo lực, ma quái, kể cả hình ảnh thuộc phạm vi người lớn… Những đứa trẻ ấy sẽ hình thành nhân cách như thế nào trong một môi trường sống thực tế thiếu sự quan tâm, còn môi trường mạng thì không thể ngày một ngày hai được “dọn dẹp” trong lành, phù hợp cho trẻ phát triển như những kế hoạch đề ra.
Tạo môi trường lành mạnh
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách” .
Đề cập đến môi trường văn hóa lành mạnh, nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung đóng vai trò khá quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Trong bài thơ “Đất nước đàn bầu”, cố thi sĩ Lưu Quang Vũ miêu tả hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam thế này: “Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu/ Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước/ Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích/ Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…”, “Sao bà hát những lời da diết/ Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ thương liền với chữ yêu/ Chữ thương đi cùng chữ nhớ/ Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời”. Chỉ là một đoạn thơ nhưng có khả năng lay động tâm hồn, cho ta yêu thêm dân tộc biết thương nhau, đất nước tươi đẹp của mình. Những bài ca chống dịch, điệu nhảy mang thông điệp “5K” phòng chống COVID -19, những hình ảnh “biết nói” chia sẻ trên các trang mạng xã hội cũng chính là phát huy vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.
Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững… cần rất nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, khởi nguồn vẫn là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh để đó là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; xây dựng mỗi trường học phải thật sự là môi trường văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa…
Bồi dưỡng tâm hồn Việt Nam, nhân cách con người Việt Nam sẽ tạo nên bản lĩnh Việt Nam vượt mọi chông gai, khó khăn để tiến bước.
CẨM THÚY
- Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Ngành Y tế cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, y đức tốt
- Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng
- Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau - điểm tựa của người cao tuổi