Văn hóa - Nghệ thuật
“Choáng ngợp” trước Bảo tàng Văn học Việt Nam
Những con đường ngoằn ngoèo, khá chật chội do đang trong quá trình nâng cấp vẫn không làm tụt cảm hứng của cả đoàn, khi chúng tôi biết mình sắp được chiêm ngưỡng Bảo tàng Văn học Việt Nam. Địa chỉ “ngõ 275 đường Âu Cơ, quận Hồ Tây” đã hiện ra trước mắt với một con đường cũng khá quanh co dẫn vào nơi ấy.
Bảo tàng Văn học Việt Nam với những hiện vật quý giá thật sự đã giúp người ta nhìn ngắm lại gia tài “kếch xù” của nền văn học đất nước mình.
Đoàn văn nghệ sĩ Bạc Liêu tham quan gian trưng bày tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Ảnh: C.T
Lưu giữ giá trị đặc biệt
Là những người ở cận cực Nam đất nước, được ra đất thủ đô là niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi. Thật lắng đọng cảm xúc khi được đứng trước Lăng Bác, hay ngắm nhìn Hồ Gươm, Tháp Rùa, Văn miếu Quốc Tử Giám... Lần này, chúng tôi còn được Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu tham quan một nơi vô cùng đặc biệt: Bảo tàng Văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo lời giới thiệu của thuyết minh viên, chúng tôi được biết: Ngày 31/12/1999, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương cho phép xây dựng Bảo tàng. Năm 2005, Bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng trong khuôn viên 3.600m2, trong đó diện tích trưng bày là 2.700m2. Và Bảo tàng đã chính thức khai trương ngày 26/6/2015.
Ngoài 3 tầng trưng bày, Bảo tàng còn có các phòng chức năng và hội trường hơn 200 chỗ ngồi phục vụ sự kiện, hội nghị, lớp học và 30 phòng nghỉ cho các nhà văn tham dự trại sáng tác.
Chị thuyết minh viên giải thích thêm rằng, nơi Bảo tàng được xây dựng từng là khu nhà sáng tác văn học Quảng Bá, quận Hồ Tây. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, trong hoàn cảnh sống và viết hết sức khó khăn, các nhà văn đã “hùn” nhuận bút để mua một mảnh đất làm nơi sáng tác. Đó là những tên tuổi “cây đa cây đề” của văn chương thời ấy như Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ... Đây cũng là nơi mở các khóa viết văn góp phần đào tạo hàng trăm nhà văn trẻ, là nơi nhiều nhà văn đi thẳng vào chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt...
Mang ý nghĩa về một nơi sáng tác văn chương đã góp cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm kiệt tác, mang dấu ấn thời đại; cùng với nhu cầu lưu giữ những giá trị đặc biệt ấy, việc thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam là mong mỏi từ lâu của các thế hệ nhà văn nhằm lưu trữ, cung cấp thông tin chuẩn xác nhất cho bạn đọc về một nền văn học đồ sộ của nước nhà.
Bức tranh 10 thế kỷ văn học
Cùng thời điểm đoàn Bạc Liêu tham quan, còn có đoàn khách là học sinh của một trường THPT thuộc tỉnh Thái Nguyên được giáo viên đưa đến “để các em yêu thêm nền văn học đất nước mình” (theo lời cô giáo ấy bộc bạch). Và theo chúng tôi, đây cũng là dịp quý để các em được cọ xát những giá trị vô cùng độc đáo của 10 thế kỷ văn học Việt Nam một cách súc tích, cô đọng, sinh động nhất!
Đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam, độc giả có cơ hội tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trong từng giai đoạn cũng như tra cứu các tài liệu về kho tàng văn học Việt Nam.
Ngay tầng 1 của Bảo tàng, chúng tôi đã ấn tượng với biểu tượng hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Đền Hùng và dòng chữ “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” của đại thi hào Nguyễn Du. Đây cũng là nơi trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX), lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây.
Tại gian trưng bày ở tầng 1, còn có video clip mô tả bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời…”, cùng âm thanh là tiếng vó ngựa, tiếng quân reo… càng làm bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam hùng hồn hơn, ngút cao niềm tự hào! Và đó chỉ là một lát cắt trong rất nhiều họa tiết đẹp rực rỡ của bức tranh văn học 10 thế kỷ.
Chúng tôi tiếp tục được đưa lên tầng 2 - nơi trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Tản Đà; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn. Đây cũng là nơi tôn vinh các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật như Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức, Chính Hữu, Nguyễn Minh Châu, Văn Cao, Lưu Quang Vũ... Tại đây còn trưng bày mô hình tổ hợp xóm Chòi - là Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tầng 3 mở ra với những khu trưng bày về các nhà văn đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền Bắc, miền Nam; trưng bày tổ hợp Trường Sơn với nhà thơ tiêu biểu Phạm Tiến Duật và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài 3 tầng trên, còn có 2 phòng trưng bày quan hệ giao lưu quốc tế và khám phá nông thôn Việt Nam. Để khách đến có thể tra cứu thêm thông tin, Bảo tàng còn lắp đặt hệ thống máy tính, máy chiếu hiện đại của Nhật Bản.
Bút tích của các nhà văn nhà thơ, những bài thơ đi cùng năm tháng, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, những mô hình từ các tác phẩm văn học kiệt xuất như “Tắt đèn”, “Chí Phèo”; rồi gian trưng bày về tập “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ… Những di sản quý giá của nền văn học nước nhà tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã thật sự làm choáng ngợp những người yêu văn chương.
CẨM THÚY
- Giải bóng đá vô địch sân 7 các Câu lạc bộ miền Tây mở rộng năm 2025: Thành công tốt đẹp
- Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết các đơn vị Biên phòng
- Đoàn đại biểu tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) thăm và chúc Tết tỉnh Bạc Liêu
- Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Hòa Bình: Thăm, chúc Tết Khu căn cứ Đôn Bơ - Cựa Gà
- Tập trung quyết liệt chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng EC