Chùa Giác Hoa: Nơi lưu giữ nhiều cổ vật độc đáo

Thứ Tư, 07/07/2021 | 15:39

Tọa lạc tại cửa ngõ của tỉnh, được xây dựng vào năm 1919 với quy mô đồ sộ, chùa Giác Hoa (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) từng là ngôi chùa thờ Phật Thích Ca lớn nhất Bạc Liêu, được xem là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo ở địa phương đầu thế kỷ 20.

Chùa Giác Hoa đón khá nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: M.Đ

Bạc Liêu vào những năm đầu thế kỷ 20, ngoài một số trụ sở của chính quyền thuộc địa thì đây là ngôi chùa đồ sộ nhất. Các chùa chiền còn lại thời bấy giờ đều có quy mô nhỏ được làm bằng cây lá địa phương. Mãi đến 1938, Bạc Liêu mới có ngôi miếu khá lớn tại chợ Bạc Liêu, do các chủ tiệm buôn bán ở chợ Bạc Liêu đóng góp xây dựng, đó là miếu Quan Đế, dân gian thường gọi là chùa Ông (nhưng ngôi chùa này lúc bấy giờ chỉ có quy mô bằng 1/3 chùa Giác Hoa).

Chùa Giác Hoa do cô Hai Ngó chủ công xây dựng trong 18 tháng, trên diện tích hơn 700m2,  kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói, được thiết kế theo lối kiến trúc phương Đông với cửa sổ mái vòm, phía trên trang trí phù điêu, dây leo uốn lượn rất mềm mại kết hợp với nhiều chỉ viền nổi và hồ lô men ngọc. Ngay sau cửa tam quan là chánh điện được kết cấu thành 3 gian rõ rệt, mái được lợp ngói. Trên các góc mái của chánh điện đều trang trí hoa văn dây leo, cuộn tròn cách điệu hình rồng cuộn rất mềm mại và thanh thoát.

Chùa Giác Hoa ngoài kiến trúc gỗ độc đáo - có thể gọi là độc nhất vô nhị ở Nam Bộ, bên trong còn chứa đựng nhiều hiện vật cổ có giá trị mỹ thuật cao, có niên đại từ năm 1919 trở về trước. Điển hình là bức hoành phi (nặng khoảng 800kg) trên bàn thờ Phật ở Chánh điện được chạm nổi song long và hoa văn dây leo sơn son thếp vàng rất tinh tế. Trên bàn thờ chính của chánh điện còn có nhiều tượng, đặc biệt nhất là bức tượng đồng đúc lộng bộ Cửu Long (chín con rồng) với đường nét sắc sảo. Phía dưới bức tượng này là năm bức tranh phù điêu gốm thể hiện năm vị Bồ Tát đang cưỡi các linh vật. Trong chánh điện, ngoài bàn thờ Phật ở giữa, hai bên còn có bàn thờ các vị Bồ Tát. Phía sau các bàn thờ này trang trí 6 bộ tranh thiên thủ thiên nhãn vẽ ngược trên kiếng rất có giá trị - có thể nói đây là bộ tranh cổ duy nhất của Nam Bộ. Mỗi bộ gồm 9 bức thể hiện nhiều tư thế của các vị Bồ Tát với đường nét thanh thoát, màu sắc hài hòa. Ở nhà hậu tổ cũng có nhiều cổ vật giá trị, nổi bật nhất là tấm hoành phi khắc lộng bộ Ngũ long sơn son thếp vàng và chiếc khánh thờ chạm lộng năm lớp với đường nét tinh vi, sắc sảo.

Vào những năm giữa thế kỷ 20, chùa Giác Hoa đã là nơi đông đảo phật tử đến chiêm bái và hành hương, nơi đây cũng là trụ sở trường Phật học tăng ni lớn nhất ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Và hiện vật đặc biệt liên quan đến sự kiện này là bộ mộc bản dùng để in sách bằng tiếng Hán còn lưu giữ nơi đây. Vào khoảng năm 2006, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đến khảo sát và phát hiện ra các mộc bản bằng tiếng Hán này. Cho đến nay, đây là mộc bản in sách về vấn đề gì, lịch sử địa phương, hay kinh Phật, có giá trị ra sao vẫn chưa được khẳng định.

Để làm rõ được giá trị lịch sử văn hóa của bộ mộc bản và các cổ vật ở chùa Giác Hoa, thiết nghĩ Bảo tàng tỉnh cần kết hợp với các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Hội Phật giáo Bạc Liêu đầu tư nghiên cứu. Làm rõ giá trị của bộ mộc bản và các hiện vật cổ nơi đây là việc làm rất cần thiết nhằm bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của Bạc Liêu, đây cũng là việc làm có ý nghĩa để phát huy giá trị của chùa Giác Hoa trong phục vụ du lịch tín ngưỡng - một mảng du lịch khá quan trọng ở Bạc Liêu.

Lê Long

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.