Văn hóa - Nghệ thuật
Chùa Khmer làm du lịch
Lối kiến trúc đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và là một nét đẹp văn hóa độc đáo góp thành nét đặc trưng Bạc Liêu nói riêng, lại gắn với những lễ hội được tổ chức định kỳ…, các ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu hoàn toàn có khả năng thu hút khách du lịch (DL).
Đoàn du khách các tỉnh ĐBSCL tham quan, tìm hiểu giá trị chùa Xiêm Cán. Ảnh: H.T
Thiết kế tiểu cảnh cho chùa
Trong một chuyến tháp tùng cùng đoàn cán bộ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tặng quà cho chùa Soryaram (chùa Cái Giá giữa (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) nhân dịp tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây 2022, chúng tôi được thưởng ngoạn không gian rộng rãi, thoáng đẹp, và đặc biệt là những tiểu cảnh như hang đá, hồ bơi thiên nga, ao sen, vườn hoa hướng dương do chùa thiết kế. Thượng tọa Lý Quang Long - Trụ trì chùa vừa dẫn đoàn tham quan vừa giải thích những tiểu cảnh đang được tiếp tục hoàn thiện để sắp tới đưa vào phục vụ DL. Theo Thượng tọa, trước mắt là phục vụ nhu cầu tham quan, đến viếng chùa của người địa phương, sau này sẽ nâng tầm để phục vụ du khách ngoài tỉnh. Người con của quê hương Hưng Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Trần Thị Hoa Ry khi tiếp thu trình bày của vị Thượng tọa đã ủng hộ ý tưởng này và đề nghị chùa sớm xúc tiến hoàn thiện cảnh quan cũng như các khâu liên quan để đưa vào mục tiêu phục vụ DL.
Cùng với hệ thống đình chùa, miếu mạo ở Bạc Liêu, những ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khmer đã góp phần kiến tạo diện mạo đặc trưng cho vùng đất này. Vì vậy, việc phát huy thế mạnh để phục vụ DL là hoàn toàn khả thi. Ở Bạc Liêu hiện có 22 ngôi chùa người Khmer, trong đó có những ngôi chùa cổ đã có hàng trăm năm tuổi như: chùa Hòa Bình cũ (ấp Thị Trấn A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình); chùa Cái Giá chót (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi); chùa Costhum (ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân); đặc biệt là chùa Xiêm Cán (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP. Bạc Liêu 15km về hướng Đông Nam) - ngôi chùa tiêu biểu cho các ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu thu hút đông đảo du khách tham quan.
Nhiều ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu hiện lưu giữ các hiện vật cổ xưa, cộng với việc được trùng tu, tôn tạo theo hướng trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt cho người dân sở tại, cũng đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn cho du khách hành hương.
Vườn hoa hướng dương được chùa Cái Giá giữa trồng để phục vụ phật tử, khách tham quan. Ảnh: C.T
Phát huy văn hóa lễ hội
Từ những ngày mở đất, cộng đồng cư dân Kinh - Khmer - Hoa đã cùng đoàn kết trong phát triển kinh tế lẫn gìn giữ nét đẹp văn hóa để tạo nên một Bạc Liêu mang tính đặc trưng. Trong nền văn hóa cộng cư của ba dân tộc anh em, Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer đã góp phần tạo nên những sắc màu độc đáo mà thể hiện trước hết ở những ngôi chùa. Người Khmer coi trọng ngôi chùa còn hơn cả ngôi nhà của mình. Những ngôi chùa khang trang, lộng lẫy giữa phum sóc luôn gây hấp dẫn khách tham quan bởi vẻ đẹp bề ngoài cũng như chiều sâu văn hóa ở mỗi công trình. Những bức ảnh nghệ thuật độc đáo của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước ít nhiều đều có sự hiện diện của những ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu, đó cũng là cách tạo hiệu ứng, sức hút để chùa Khmer thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái. Đi DL, người ta còn muốn khám phá, tìm hiểu văn hóa địa phương, nên thiết nghĩ việc phát huy văn hóa lễ hội cũng là điều mà ngành chức năng nên tính đến.
Các lễ hội truyền thống Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc, Dâng y... nếu được tổ chức với phong phú các hoạt động văn hóa - văn nghệ mang bản sắc văn hóa truyền thống như múa rom-vong, lâm-thôn, múa khỉ ngựa, biểu diễn sân khấu dù kê được đầu tư bài bản, kể cả việc tổ chức đua ghe Ngo hàng năm... cũng chính là cách tạo sức hấp dẫn để các chùa làm DL hiệu quả nhất.
Nhật Quỳnh