Văn hóa - Nghệ thuật
Chùa Khmer ở Bạc Liêu: Chiều sâu văn hóa - điểm đến du lịch
Từ lâu trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, chùa chiền là một thiết chế văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ. Ở Bạc Liêu, chùa Khmer cũng đóng vai trò quan trọng, vừa thể hiện chiều sâu văn hóa của đồng bào dân tộc, vừa là điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Đậm đà bản sắc văn hóa
Có thể thấy được những sinh hoạt văn hóa độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Khmer ngay chính ở những ngôi chùa. Bạc Liêu có 22 ngôi chùa Khmer, tuy quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng chung quy lại, đó là nơi thể hiện đức tin của họ vào cuộc sống. Có thể, những ngôi nhà của đồng bào trong từng phum sóc chưa khang trang lắm, nhưng những ngôi chùa mọc lên giữa phum sóc luôn bề thế, được đồng bào quan tâm góp công góp sức xây dựng, bảo vệ và giữ gìn những giá trị vật thể lẫn phi vật thể để chùa thể hiện nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của họ.
Đồng bào Khmer đến chùa vào những dịp lễ hội. Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc… là những lễ hội lớn để các chùa đón phật tử về. Những lễ vật cúng được bà con chuẩn bị chu tất mang đến dâng chùa, những nghi thức cúng bái trang trọng được thực hiện cho phần lễ và sau đó là những trò chơi dân gian, những tiết mục văn nghệ, múa hát rộn rã nơi sân chùa để phục vụ phần hội… Văn hóa tín ngưỡng và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Khmer thể hiện đậm nét nhất vào những dịp lễ hội và nơi để họ sinh hoạt, giao lưu gìn giữ những đặc điểm văn hóa ấy chính là tại các chùa chiền. Theo tiến sĩ sử học Trần Thuận, giảng viên Trường đại học KHXH&NV TP. HCM thì: “Người dân Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng nhất mà họ hướng tới với tất cả niềm tin sâu sắc của mình. Họ dành một phần lớn của cải gia đình cúng vào việc xây dựng và trùng tu ngôi chùa nơi họ sinh sống (các phum sóc). Nơi đó những người con trai Khmer từ 11 tuổi trở lên vào tu học một thời gian để trở thành người tốt giúp ích cho đời cũng như báo hiếu cho ông bà, cha mẹ… Người Khmer mỗi tháng đến chùa 4 lần để lễ Phật, tụng kinh tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc. Người Khmer coi trọng ngôi chùa còn hơn cả ngôi nhà của mình…”.
Chùa Xiêm Cán (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Điểm đến hấp dẫn
Là những ngôi chùa gìn giữ và thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ ở Bạc Liêu, hơn nữa những thiết chế văn hóa đặc biệt này đa số đều có “tuổi thọ” khá cao cùng với những hiện vật quý giá, chùa Khmer ở Bạc Liêu đồng thời cũng là những điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến xứ Công tử Bạc Liêu! Trong số đó, điểm đến độc đáo không thể bỏ qua là chùa Xiêm Cán. Nằm trong “quần thể” những điểm đến của TP. Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán là một điểm đến lý thú cho những ai muốn khám phá nét đẹp văn hóa cổ kính và những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ. Chùa Xiêm Cán được xây dựng từ năm 1887, tọa lạc tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 15km về hướng Đông Nam. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho những ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu. Trong khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông. Chùa hiện có đến hơn 100 pho tượng các loại, một quả chuông có từ năm 1887. Độc đáo nhất là những bức tranh trên trần và các vách tường trong chánh điện mô tả cuộc đời đức Phật. Những chiếc đuôi rồng trên đỉnh tháp của chùa Xiêm Cán được đánh giá là “chiếc Chivia được tạo dáng dẹp nhất ở các chùa Khmer ĐBSCL”.
Chứa đựng những nét đẹp văn hóa đặc thù của dân tộc Khmer, đồng thời chính bằng những giá trị văn hóa vật thể được trùng tu, tôn tạo, những giá trị phi vật thể được đồng bào gìn giữ và phát huy, những ngôi chùa Khmer ở Nam bộ nói chung và nói riêng ở Bạc Liêu đã trở thành những thiết chế văn hóa đặc biệt trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Chùa thiêng liêng như một đấng cứu tinh và cần thiết như hơi thở trong đời sống của bà con. Những ngôi chùa đặc biệt như thế đã được gìn giữ và phát huy giá trị, được bọc thêm nét đẹp bên ngoài lộng lẫy nữa, cho nên cũng đã trở thành những điểm đến thu hút khách du lịch gần xa. Nhân dịp lần đầu tiên Bạc Liêu đăng cai tổ chức Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII, tin rằng những ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu sẽ đón du khách đến chiêm bái những giá trị vô giá của mình.
Cẩm Thúy
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc hơn 200 cử tri TX. Giá Rai
- Từ ngày 25/4 - 2/5/2025 xuất hiện đợt triều cường mới
- Tổng duyệt chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- TP. Bạc Liêu: Mở cao điểm chỉnh trang đô thị từ ngày 27 đến nghỉ lễ 30/4
- Khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở