Chương trình Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống: Trần Thị Mỹ Dung đoạt ngôi vị quán quân

Thứ Hai, 10/08/2015 | 17:04

Chặng đường cuối của chương trình Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống đã khép lại và tìm ra được gương mặt xuất sắc nhất: Trần Thị Mỹ Dung đến từ tỉnh Long An. Tạm biệt “ngôi nhà chung”, các thí sinh nhí sẽ có những cuộc hành trình mới trên “con đường tài tử” đã chọn.

Trao giải cho các thí sinh giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống. Ảnh: N.V

Chương trình truyền hình thực tế Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống dành cho thiếu nhi hát dòng nhạc dân tộc đã hấp dẫn ngay từ tên gọi. Sau hơn 4 tháng diễn ra, chương trình đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người mộ điệu bởi những gì mà các thí sinh nhí thể hiện. Cuộc so tài kết thúc, “ngôi nhà chung” - Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - không còn những buổi luyện tập tất bật, hăng say, không còn chứng kiến sự vui buồn của những thiếu nhi hồn nhiên, trong sáng. Đến với cuộc thi khi giọng ca còn non nớt, chưa trọn vẹn, nhưng qua các vòng tranh tài, các em dần dần trưởng thành hơn. Các em đâu hay chính niềm đam mê cùng với nỗ lực của bản thân trong thời gian qua đã làm nên câu chuyện thật ý nghĩa: bảo tồn, phát huy và quảng bá một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hàng trăm thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố Nam bộ cùng bước vào cuộc thi, rồi đến vòng chung kết xếp hạng vừa diễn ra, chỉ còn 5 gương mặt ưu tú nhất. Và cuối cùng ngôi vị cao nhất đã thuộc về thí sinh Trần Thị Mỹ Dung. “Con thấy chương trình rất bổ ích vì giúp chúng con biết thêm nhiều kiến thức về ĐCTT. Con rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nên sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong thời gian tới. Với phần thưởng nhận được, con sẽ trích một phần để học sâu hơn về ĐCTT”, Mỹ Dung bộc bạch. Giải Nhì của chương trình thuộc về cô bé đến từ tỉnh Sóc Trăng nhưng lại rất có duyên với những bài ca viết về Bạc Liêu - Đỗ Thị Ngọc Gấm. Lâm Thanh Tùng ấn tượng với 2 lần đạt số điểm cao nhất ở vòng Bản Nam và vòng Vọng cổ, nhưng em đã để vuột mất ngôi vị quán quân vì mắc một vài lỗi nhỏ ở vòng chung kết xếp hạng. Đồng hạng Ba với Thanh Tùng là thí sinh Phan Thị Thúy Duy (tỉnh Kiên Giang) và cô bé có ước mơ kiếm tiền xây lại mái nhà cho cha mẹ - Đào Thị Tú Sương (tỉnh Bạc Liêu).

Hành trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dân tộc đã khép lại với những dư vị khó quên đối với giới mộ điệu tài tử ở khắp mọi miền. Thạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc - Nhạc viện TP. HCM), Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận xét: “Chương trình đã tạo điều kiện cho chúng ta tìm được những giọng ca nhí đặc biệt, có năng khiếu về ĐCTT. Bởi vậy, ý nghĩa của chương trình chính là ĐCTT không chỉ dành riêng cho người lớn tuổi, mà còn cả những thiếu nhi. Các em là những người có thể kế thừa và phát huy dòng nhạc dân tộc”. Nhà báo Nguyễn Thanh Hiệp (phụ trách mảng sân khấu, báo Người Lao Động), thành viên Hội đồng bình luận, cũng chia sẻ: “Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Thị Ái Nam đã từng tâm sự với tôi rằng, mong muốn của Bạc Liêu là làm sao triển khai 7 chương trình hành động sau khi ĐCTT được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Một trong những chương trình đó là cấp tốc phổ biến, đưa ĐCTT đến với giới trẻ. Tôi rất vui và xúc động khi được đến Bạc Liêu để góp sức trong cuộc thi ý nghĩa này”.

Những cung bậc cảm xúc, thể điệu của âm nhạc tài tử được các thí sinh nhí chinh phục một cách trọn vẹn. Bước ra từ “ngôi nhà chung”, các em đã có thêm hành trang để bước vào tương lai. Qua các vòng thi, Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống chứng tỏ rằng, đây đúng là nơi ươm mầm âm sắc Việt. Chương trình do Đài PT-TH Bạc Liêu chủ công tổ chức đã mở ra một hướng mới trong hành trình bảo tồn dòng nhạc độc đáo này.

NGỌC TRÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.