Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện gia đình Nam - Bắc
Con gái đất Bắc làm dâu miền Nam trong những ngày đầu mới giải phóng có khó không? Bạn - một tác giả với ý định viết sách về những ngày tháng đặc biệt ấy, đặt câu hỏi cho tôi - một đứa con của mối tình Nam - Bắc.
Ba tôi là người miền Nam, đi tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng là đưa con em cán bộ miền Nam ra Bắc học tập, chuẩn bị cho ngày thống nhất sau này. Cuộc hành trình của ba tôi bắt đầu từ tháng 11/1954, khi ấy chỉ mới 17 tuổi, đi một chuyến mất hơn 20 năm. Học hành rồi làm việc, từ một thiếu niên sống xa gia đình, ba đã trở thành cán bộ khoa học, thành gia lập thất trong sự chở che, đùm bọc của đồng bào miền Bắc và nỗi nhớ cồn cào về miền Nam, nơi còn những người thân ở đó khi chiến sự vẫn còn ác liệt.
Tháng 4/1975, tin chiến thắng dồn dập đưa về từ miền Nam. Không riêng gì ba tôi, những người con miền Nam trên đất Bắc ngày ấy cũng đứng ngồi không yên, ngày đêm mong ngóng hướng về quê hương. Rồi tin toàn thắng đưa về, người đàn ông được rèn luyện mạnh mẽ sau hơn 20 năm xa quê như ba tôi cũng phải rơi nước mắt. Sau vài tháng giải phóng, đến tháng 10/1975, ba đã đưa má trở lại Nam, bắt đầu những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một đại gia đình như bây giờ. Anh em chúng tôi lần lượt ra đời, gia đình chúng tôi theo công việc của ba, lúc thì ở Cần Thơ, rồi dời về Sóc Trăng, sau xuống Cà Mau và cuối cùng là ổn định ở Bạc Liêu. Vì đặc thù công việc, ba đi xa nhà suốt, ở nhà chỉ có má chăm đàn con thơ. Người phụ nữ miền Bắc về làm dâu miền Nam những ngày mới hòa bình lập lại thật sự vất vả và gian khó. Bởi sau thời gian chia cách, lối sống, cách nghĩ của người dân 2 miền đã có sự khác biệt. Trong ký ức mơ hồ của tôi vẫn nhớ mấy người trong xóm gọi má bằng cái tên “bà Năm Bắc Kỳ”, chẳng ác ý gì mà chỉ đơn giản là nhận biết một đặc điểm quan trọng để dễ nhớ, dễ gọi, vậy thôi. Sau này má hay kể, lúc mới vô ở, má đi chợ không phân biệt được cách gọi con tôm - con tép hay cách sơ chế con lươn nấu canh chua với kho sả ớt là thế nào…
Minh họa: V.T
Thời gian trôi qua, như cách mà đồng bào miền Bắc đã che chở, đùm bọc ba tôi suốt 20 năm xa gia đình, má tôi đã được bên nội, làng xóm yêu thương, giúp đỡ, san sẻ yêu thương để đi qua những ngày tháng gian lao ấy. Ba đi làm xa nhà, một tay má vừa đi làm, chăm đàn con rồi còn nuôi thêm bầy heo để cải thiện cuộc sống. May mà nhờ người thân, bà con xóm giềng, má mới vượt qua những vất vả, nhọc nhằn. Còn nhớ lần nghe tin bà ngoại mất, vì đường đi xa xôi, phương tiện cũng khó khăn, má đã khóc vì không về kịp đưa tiễn ngoại lần cuối. Các cô, các dì trong xóm xúm xít, an ủi má rất nhiều.
Anh em tôi lớn lên, chơi với lũ trẻ con trong xóm, nói giọng miền Nam rặt, chẳng phân biệt đâu là dân gốc Bắc, đâu là người miền Nam. Sau những lần về thăm quê ngoại, khi trở về nhà, tôi sẽ bắt chước các chị em họ ngoài ấy mà thắt bím tóc hai bên, thỉnh thoảng đệm vào vài từ phương ngữ Bắc Bộ trong cách nói chuyện. Má thì lâu dần đã nói được giọng Nam chuẩn, biết ăn mấy món đặc sản Nam Bộ và mê cải lương như mê hát chèo… Một gia đình Nam Bắc trong một xóm nhỏ miền Nam, hòa lẫn và tràn đầy tình yêu thương!
Cũng trong cái xóm nhỏ ấy, có nhiều gia đình Nam - Bắc như gia đình tôi. Có người đã có gia đình ở Nam, sau khi đi tập kết về lại mang theo một người vợ cùng đàn con nhỏ. Chuyện tình cảm con người thật khó để nói đúng sai, nhất là trong một chuyến đi dài chưa biết ngày về như lúc ấy. Trong 2 người phụ nữ ấy, đã có một người phải gạt nước mắt, lặng lẽ lùi lại để nhường hạnh phúc cho người kia. Dù ai phải lùi lại, ai được đi tiếp - thì nỗi đau đó vẫn là một vết thương âm thầm từ sự chia cách đất nước trong chiến tranh mà không phải ai trong thời bình cũng có thể thấu hiểu trọn vẹn.
Tâm Ngọc
- Thủ tướng Chính phủ gửi Thư chúc Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Thăm, chúc Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây 2025 tại Bạc Liêu
- 120 thanh thiếu niên, tình nguyện viên được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu
- Hơn 200 vận động viên tranh tài tại Hội thao truyền thống Agribank Bạc Liêu