Văn hóa - Nghệ thuật
Cô gái 9X giúp trẻ em thỏa thích sáng tạo mỹ thuật
Chủ nhật hàng tuần, lớp dạy vẽ “dã chiến” của bạn Cao Yến Nhi (sinh năm 1991) được dựng lên ở một góc nhỏ của quán cà phê nhằm tạo sân chơi cho trẻ em. Dõi theo cách cô gái này say sưa dạy các em từng nét vẽ, chơi đùa với màu sắc, sẽ cảm nhận rõ đam mê truyền cảm hứng sáng tạo mỹ thuật đến với các em nhỏ.
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội biến TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch của cả nước nên Nhi tạm thời về quê và dự định sẽ trở lại đây làm việc khi mọi thứ ổn định. Gần một năm ở nhà, Nhi thường vẽ để giết thời gian và trong lòng luôn ấp ủ sẽ thực hiện một mô hình gì đó liên quan đến mỹ thuật. Được bạn bè động viên, cô gái 9X mạnh dạn tổ chức hoạt động workshop vẽ (tạm hiểu là hướng dẫn vẽ) căn bản tại một quán cà phê. Chính Nhi cũng không ngờ, buổi dạy vẽ đầu tiên của mình lại có đến hơn 20 người đăng ký tham gia.
Bạn Cao Yến Nhi trong một buổi dạy vẽ và tác phẩm của các em sau khi hoàn thành. Ảnh: P.A
Yến Nhi nhớ lại: “Ban đầu, tôi lo là hoạt động này sẽ không có ai quan tâm nhưng thật vui vì được nhiều người ủng hộ. Do là buổi dạy đầu tiên nên vẫn có sự lúng túng về cách tổ chức, thiếu dụng cụ vẽ nhưng sau cùng hoạt động đã mang đến cảm giác thích thú cho những người yêu vẽ”.
Tín hiệu tốt từ hoạt động mở màn giúp Yến Nhi tự tin tổ chức workshop vẽ vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Đối tượng được hướng tới là những em học sinh yêu thích, có năng khiếu mỹ thuật nhưng chưa được học vẽ bài bản. Nhi cho rằng: “Trẻ em luôn có nhiều sự sáng tạo, nếu không có môi trường thích hợp thì khó bộc lộ hết. Vì vậy, những buổi dạy vẽ của tôi giúp các em khơi dậy nhiều hơn niềm đam mê mà các em đã có từ trước đó”.
Với ý nghĩa học mà chơi, chơi mà học nên cô Nhi không đặt nặng yêu cầu vẽ đẹp, vẽ giống nhất với chủ đề của buổi học. Nếu những em không thích vẽ theo chủ đề mà cô đưa ra thì vẫn có thể vẽ những thứ mình thích. Khi đó, cô Nhi sẽ là người định hình bố cục, đường nét, còn việc vẽ như thế nào, màu sắc ra sao là do các em. Đã có phụ huynh từng thắc mắc: “Sao cô không dạy cho bé khi vẽ mây phải tô màu trắng, bầu trời phải màu xanh?”. Còn quan điểm của Nhi thì không muốn áp đặt hình ảnh này nhất định phải gắn với màu sắc đó, mà cô cho các em tự do sáng tạo bằng những suy nghĩ ngây ngô và đáng yêu.
Dự một buổi workshop vẽ của Nhi, tôi cảm nhận được không khí vui tươi, các em rất say mê với khoảng thời gian được thư giãn cùng chiếc cọ, hộp màu. Vui hơn nữa là sau khi hoàn thành bức tranh, các em sẽ mang về nhà treo ở góc học tập hoặc có thể tặng cha mẹ, bạn bè.
Yến Nhi cho hay, cô không lên TP. Hồ Chí Minh như dự tính ban đầu, mà sẽ ở lại Bạc Liêu để tiếp tục mở những lớp workshop vẽ và những lúc rảnh thì làm thêm công việc vẽ triển khai thi công qua online. Kế hoạch của “cô giáo” dạy vẽ là đi học chứng chỉ sư phạm, có một chỗ nho nhỏ của riêng mình để truyền đam mê mỹ thuật cho các em.
“Mỗi buổi dạy vẽ, thu nhập của tôi khoảng 400.000 đồng, nhưng mà niềm vui là chính. Số tiến kiếm được, tôi dùng mua họa cụ để tiếp tục dạy vẽ”, Yến Nhi chia sẻ. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Nhi cho tôi thấy hình ảnh của một người trẻ nhiệt huyết, không ngại thất bại để vượt qua giới hạn của chính mình.
PHƯƠNG ANH
- Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Thăm, chúc Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây 2025 tại Bạc Liêu
- 120 thanh thiếu niên, tình nguyện viên được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu
- Hơn 200 vận động viên tranh tài tại Hội thao truyền thống Agribank Bạc Liêu
- Ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững nghề nuôi chim yến
- Triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại