Văn hóa - Nghệ thuật
Có hẹn với mùa nhãn Bạc Liêu
Cứ đến tháng 7 hằng năm, du khách có dịp về vùng đất Bạc Liêu đều không muốn lỡ hẹn với những vườn nhãn đang vào mùa sum sê trái chín. Còn gì tuyệt vời hơn khi được đắm mình trong khung cảnh yên bình, mát lành của vườn nhãn, được thưởng thức và check-in với những chùm nhãn to tròn, thơm ngon đã trở thành đặc sản của đất giồng cát.
Bởi vậy, du khách gần xa còn gọi đây là thời điểm có hẹn với mùa nhãn chín Bạc Liêu.
Du khách tham quan, trải nghiệm hái nhãn tại một vườn nhãn ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).
MÙA NHÃN CHÍN VẪY GỌI
Chị Khương Kim Hoàng (tỉnh Bình Phước) sau khi cùng gia đình đi viếng ở Khu Quán âm Phật đài, ghé qua Khu DL Nhà Mát vui chơi thì điểm đến tiếp theo là thăm vườn nhãn. Dù đã có vài lần đến đây, song cảnh sắc của những cây nhãn đang mùa trái chín luôn có sức hút đặc biệt mà chị không muốn bỏ qua khi về với Bạc Liêu.
Chị Kim Hoàng chia sẻ: “Vài năm gần đây, DL Bạc Liêu đang từng bước đa dạng hóa loại hình dịch vụ, sản phẩm đã mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn hơn để trải nghiệm. Mặc dù, tỉnh có nhiều điểm DL sinh thái đang dần định hình thương hiệu nhưng tôi vẫn thích thưởng lãm vẻ đẹp, cảm nhận sự yên bình dưới những cây nhãn. Ngoài ra, gia đình tôi rất thích thú với trải nghiệm được tự tay hái nhãn và thưởng thức những trái nhãn chín mọng có vị ngọt thanh”.
Không chỉ là điểm đến lý tưởng của du khách ngoài tỉnh, mùa trái ngọt ở những vườn nhãn còn thu hút khách là người địa phương đến đây vui chơi, giải trí vào những ngày cuối tuần. Trong đó, nhóm khách gia đình, các bạn trẻ sống ở thành thị rất hào hứng khi đến đây vì được hòa mình với thiên nhiên trong lành để tạm quên đi tiếng ồn, khói bụi của thành phố.
Chị Nguyễn Kiên Tâm (Phường 8, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Là người Bạc Liêu, tôi tự hào vì quê mình có những vườn nhãn trăm tuổi, nhất là nó mang vẻ đẹp thơ mộng vào mùa trái chín. Bởi thế, vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm, tôi thường cùng gia đình, bạn bè đến đây để vui chơi, thư giãn. Những bức ảnh check-in tại đây được tôi chia sẻ lên mạng xã hội để giới thiệu đến bạn bè, qua đó cũng mời gọi du khách gần xa có về Bạc Liêu hãy ghé thăm vườn nhãn để thưởng thức trái nhãn thơm ngon không giống với những nơi khác”.
Dù từ tháng 8 đến tháng 9 mới là thời điểm nhãn chín rộ nhất, thế nhưng những ngày này, du khách khắp nơi đã dập dìu về với các vườn nhãn Bạc Liêu. Trải dài đến mấy cây số từ phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), nhãn đang thi nhau cho trái chín, tỏa hương thơm ngào ngạt như vẫy gọi du khách phương xa.
Người dân bán nhãn cho du khách.
ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG CỦA NHÃN
Ở đất giồng cát ven biển TP. Bạc Liêu, anh Trương Minh Đức - chủ điểm tham quan Love Garden (xã Hiệp Thành) là một trong những người tiên phong mở cửa vườn nhãn đón du khách. Từ một khu vườn trồng nhãn có cây cối um tùm, anh đã tiến hành cải tạo, trang trí tiểu cảnh, bố trí quầy bán nhãn và phục vụ một số món ăn đậm chất miền Tây.
Anh Minh Đức trải lòng: “Giá nhãn trong những năm gần đây rất bấp bênh, nhiều nhà vườn không thể khá lên nếu trông chờ vào cây nhãn. Để phát huy giá trị của cây nhãn, tôi nghĩ chỉ có làm DL mới giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ các dịch vụ khác như: bán vé, ăn uống, quà lưu niệm… Cũng vì vậy, tôi đã dành nhiều công sức, tâm huyết đầu tư cho vườn nhãn của mình và mong muốn khi mô hình đạt hiệu quả sẽ tạo động lực cho nhiều hộ cùng phát triển”.
Hiện, UBND TP. Bạc Liêu đang lập hồ sơ xây dựng tuyến đường DL bên trong vườn nhãn của các hộ dân xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông. Đến năm 2024, tuyến đường sẽ được mở rộng lên 5m để đưa vào phục vụ xe điện, xe ngựa, xe đạp đôi chở du khách đi tham quan vườn nhãn.
Bà Đỗ Ái Lanh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Bạc Liêu, cho biết: “Song song với xây dựng tuyến đường DL, thành phố còn kết hợp với Sở VH-TT&DL khảo sát lựa chọn những hộ dân đủ điều kiện xây dựng mô hình homestay; củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ khách đến tham quan vườn nhãn. Bên cạnh đó, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhãn Bạc Liêu để nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy người dân tham gia đầu tư các mô hình DL sinh thái với vườn nhãn”.
Đặc biệt, địa phương đang xin ý kiến của tỉnh về việc tổ chức Lễ hội Thanh nhãn TP. Bạc Liêu lần thứ I trong tháng 9 năm nay. Một số hoạt động chính dự kiến sẽ diễn ra trong lễ hội như: Hội thi chế biến các món ăn từ thanh nhãn, tôm Bạc Liêu và các nguyên liệu tại địa phương; trưng bày, quảng bá cây thanh nhãn và các loại nhãn được trồng phổ biến như: nhãn xuồng, nhãn da bò; các gian hàng phục vụ món ăn truyền thống, hiện đại của địa phương và các tỉnh lân cận; cuộc thi leo cây hái trái thanh nhãn và các trò chơi dân gian; liên hoan đờn ca tài tử, lễ hội đường phố, trình diễn nghệ thuật Khmer… Mục tiêu sau sự kiện này là đưa Lễ hội Thanh nhãn trở thành sản phẩm DL định kỳ hằng năm của thành phố nhằm đẩy mạnh phát triển DL, từng bước xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm DL của tỉnh.
Tuyến đường bên trong những vườn nhãn sẽ được xây dựng thành đường chở khách tham quan. Ảnh: H.T
Theo nhận định của các chuyên gia và các doanh nghiệp DL lữ hành trong nước, cây thanh nhãn Bạc Liêu được trồng trên đất giồng cát nên trái có cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, thịt giòn và vị ngọt thanh. Đây cũng là yếu tố lợi thế để Bạc Liêu phát triển các mô hình DL sinh thái so với các tỉnh có cây nhãn. Hy vọng rằng, với việc đã nhận thấy được giá trị của cây nhãn và đưa ra những giải pháp thiết thực, nhãn Bạc Liêu sẽ được đánh thức tiềm năng DL trong một ngày không xa.
HỮU THỌ