Văn hóa - Nghệ thuật
Có những tháng Ba…
“Tháng Ba về, đã thấy hạt mưa rơi/ Gội ướt niềm vui những lão nông tri điền đã một đời lam lũ/ Gội cả những nhành hoa vừa đâm chồi, hé nụ/ Mà một nửa nhân loại này sẽ hái tặng một nửa nhân loại kia trong cái ngày đẹp nhất tháng Ba/ Tháng Ba ơi, mãi là bản tình ca…”.
Tháng Ba của một ngày chưa gọi là xa lắm. Lúc đó nó mới chỉ lớp 3. Tan học, cô dặn sáng mai mỗi em đem một bông hoa đến lớp. Vì phải ghé nhà bác Cả xin hoa, sáng hôm sau nó đi học trễ. Ngập ngừng bước vào lớp, nó vụng về cắm 5 nhành thược dược còn ướt sương sớm vào lọ hoa trên bàn cô giáo. Cô nhìn nó trìu mến. Tuy đến trễ, nhưng bữa đó nó là đứa duy nhất có hoa đem vào lớp. Ý niệm về tặng hoa nhen trong tâm thằng nhỏ lớp 3 từ ngày ấy…
Tháng Ba, của những ngày chưa gọi là xa gì cho lắm. Những cuộc hành quân của những sắc áo thanh niên trong nắng gắt triền cát trắng Cam Ranh; những đêm mỗi người một gốc thông, ba-lô kê làm bàn, đèn pin rọi lấy ánh sáng, miệt mài luyện phát morse, thắt gút dây, dịch mật thư… trong cái lạnh kéo dài trên đồi thông Dinh 2 - Đà Lạt; chuyến công tác đầy kỷ niệm giữa rừng U Minh trắng những bông tràm, hay cái lạnh run người hằng buổi trời, không áo mưa, ngồi xuồng ba lá, cùng anh em xã đoàn đi tìm nhà bí thư chi đoàn ấp trong tầm tã của mùa mưa đến sớm vùng Biển Bạch - Thới Bình; ánh lửa trại bập bùng những đêm hoạt động kỹ năng ở Cái Nước, Trần Văn Thời; những chuyến vượt biển ra Hòn Khoai, hay vượt đường đất gồ ghề hành quân về Đầm Dơi, Ngọc Hiển; những bữa cơm với nấm tràm luộc chấm mắm kho ở Huyện đoàn Thới Bình, bữa tiệc đọt choại nhúng lẩu mắm ở Huyện đoàn U Minh không bao giờ quên được...
Tháng Ba, có những đêm không sao ngủ được. Nó trở dậy, lật tìm từng tấm ảnh, giở từng mảnh giấy con con, để rồi nhớ thiệt nhớ những “mùa” tháng Ba tất bật lo cho các hoạt động sinh nhật Đoàn. “Tháng Ba là tháng tung hoành/ Dọc ngang, lên xuống, loanh quanh, lòng vòng”. Nhớ. Nhớ quay nhớ quắt những đêm lửa trại bập bùng, hóa trang thành Thần lửa, Thần bóng đêm, nắm tay nhau mà hò băng reo, mà hát đến khô cả cổ: “Hòn bi xanh trong đôi mắt anh, hòn bi đen trong đôi mắt em, dẫu biết rằng chưa quen thì lạ, dẫu biết rằng không lạ thì quen”. Nó, đã có bận lặng người chứng kiến đồng nghiệp tuyên thệ đón nhận trọng trách người huấn luyện viên kỹ năng thanh niên trong ánh lửa trại bập bùng, bên lá Quốc kỳ thắm đỏ. Giây phút ấy, cảm nhận điều gì thiêng liêng lắm. Nhớ lắm những lần hoạt động tập thể ngoài bãi biển Bạc Liêu ngày tỉnh vừa tái lập. Biển thì nâu, và trời thì nắng... Bọn cá thòi lòi con cứ giương đôi mắt tròn mà ngơ ngác nhìn. Ta thì vô tư đến không thể vô tư hơn được nữa.
Lửa trại. Ảnh: C.T
Có một tháng Ba, mẹ sinh nó trong đau, trong đạn nổ bom rơi tàu bay Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc; cha thì đi biền biệt, chiến tranh. Bom kéo vệt dài từ nhà thờ đá Phát Diệm đến tận nhà dòng, nơi khoa sản bệnh viện huyện sơ tán… Người chết. Nhà cháy. Bến nước tan hoang. Xóm đạo tiêu điều… Nó được 2 ngày tuổi, bác Thọ và bác Đắc lấy một cây tre, mắc hai đầu võng, phủ lên thân tre một chiếc chiếu (chịu khó hình dung, sẽ thấy rất giống cái lều chữ A của thanh thiếu niên cắm trại). Mẹ và nó nằm trong võng ấy; hai bác gánh hai đầu, đi bộ dọc Đường Mười, từ Phát Diệm về quê nội nó trên Tuần Lễ - Như Hòa; vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ suốt hơn 5 cây số, để mọi người đi đường biết rằng trong võng chiếu đây là một sản phụ 24 tuổi và một thằng cu con vừa ngoe ngoe chào đời, chứ không phải tang thương chết chóc gì đâu nhé bà con cô bác! Bởi, những người chết bom cũng đang được võng về bằng những tre chiếu ấy, trên con đường ấy!
Thằng cu con ấy lớn lên, không tự tổ chức sinh nhật, cũng không để ai tổ chức sinh nhật cho mình. Một lẵng hoa nhỏ; có năm, thay cho hoa là một con gà luộc - món mà mẹ thích, tặng mẹ; có năm, chỉ một câu chúc mẹ. Vậy là “kết hợp” cả “ngày Tám tháng Ba”, cả chúc mừng ngày này năm ấy mẹ vượt cạn thành công!!!
Có một tháng Ba, nó có một cuộc cả tháng trời Hà Nội, ngày tròn 50 tuổi lại đúng vào ngày nghỉ. Đón xe khách về quê, nó lang thang mọi xó xỉnh, ngóc ngách ở cái thị trấn nhỏ thân yêu ấy, nơi ngày xưa từng trốn học, lang thang; rồi tìm đến mộ ông bà nội, ông bà ngoại… Không ai biết có một gã xồn xồn, vào cái ngày tròn tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” (như người xưa nói, không phải là tự nói), sau hơn 40 năm xa xứ, đang trở về quê nhà, lang thang trong cái thế giới của riêng gã; trở về dòng sông tuổi thơ của riêng gã. “Mà trở về với quê nhà có nghĩa là trở về tìm lại chính mình” (Vũ Đức Sao Biển).
Tháng Ba về, ngân dài câu hát/ Bài hát âm ỉ câu sinh nhật/ Chẳng thành vần, thành điệu, thành lời/ Nốt bổng nốt trầm là cuộc sống khi vui, khi khó/ Dấu lặng là khi không sóng gió/ Tiết tấu dập dồn là lúc con tim rộn trong lồng ngực, khi em nghiêng vai tưới tóc vào tôi/ Luyến láy hoài, là tiếng mẹ... À ơi.
Tùy Duyên
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh