Cùng nói chuyện văn chương

Thứ Tư, 17/05/2023 | 15:17

Lần đầu tiên cũng là dịp hết sức đặc biệt, các thầy cô cùng hàng trăm học sinh - sinh viên (HS-SV) Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu được diện kiến, trò chuyện và nghe các nhà văn, nhà thơ Việt Nam kể chuyện văn chương.

Nói chuyện văn thơ cùng “cây đa, cây đề” - những tên tuổi tiền bối trong sự nghiệp văn chương đương đại, đó là dấu ấn và kỷ niệm sâu sắc đối với những ai được dự buổi giao lưu hôm ấy...

Các nhà thơ, nhà văn giao lưu với học sinh - sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu.

Diện kiến thần tượng thơ văn

Cầm trên tay những tấm biểu trưng thiết kế hình ảnh của 3 trong số những nhà văn, nhà thơ đến giao lưu hôm ấy, các bạn xếp thành hàng dọc hai bên đón khách vào trường với thái độ trân trọng và không giấu được sự phấn khích! Đó là hình ảnh của 3 vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội, cùng 2 Phó Chủ tịch Hội - nhà thơ Trần Đăng Khoa, “thần đồng” của thi ca Việt Nam và nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn quân đội với nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang như “Vào cõi”, “Những đứa trẻ chết già”, “Người đi vắng”…

Nếu niềm vui của thầy trò của trường là được diện kiến thần tượng văn chương của mình thì ngược lại, phía khách mời - các nhà văn, nhà thơ đến từ Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng xúc động khi được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình! Bởi đây là những trái tim dễ rung động trước những gì thuộc về mỹ cảm. Một trong những điều ấy có thể nói là gác Khuê Văn BTEC của ngôi trường mới xây này. Nhà văn Vũ Hồng - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách khu vực ĐBSCL, chia sẻ: Điều gây bất ngờ khi đến Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu là nơi đây, khi bước vào cổng là thấy ngay gác Khuê Văn BTEC. Sao Khuê là biểu tượng của khoa bảng, của thái bình, của văn trị, của văn chương, của giáo hóa để nhắc nhở các thế hệ sinh viên ở lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật về tự rèn luyện nhân cách sống trong xã hội, đem tài năng của mình phục vụ đất nước”.

Và, một ngôi trường chuyên về kinh tế - kỹ thuật, mà từ lãnh đạo trường (qua thái độ trân trọng văn nghệ sĩ và bài phát nhiều cảm xúc của Hiệu trưởng - Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Trần Công Chánh) cho đến các giảng viên, HS-SV, hầu như đều yêu văn thơ bằng tâm hồn lai láng, tất cả đã tạo nên sự bất ngờ đến xúc động đối với các nhà văn, nhà thơ...

Các giảng viên, học sinh - sinh viên đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.​ Ảnh: C.T

Truyền cảm hứng cho bạn trẻ

Cô Vương Trần Bảo Hà muốn được nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết bắt nguồn từ cảm xúc gì, trong hoàn cảnh nào đã viết tập thơ “Cây ánh sáng” gây cảm xúc mạnh với những câu thơ đầy ấn tượng. Bằng cách nói chuyện gần gũi mà thâm thúy, nhà thơ phúc đáp rằng: “Có những câu hỏi tôi trả lời được, có câu mang theo suốt đời, không trả lời được. Mỗi bài thơ đều có lịch sử, có văn hóa, địa lý, tâm trạng riêng. Mỗi bài thơ đều có bóng tối, hoặc ánh sáng bên trong con người tôi, và tôi trung thực mang những điều đó “ập” lên trang giấy. Tôi chỉ biết nói rằng bản thân rất vui khi xa xôi ở Bạc Liêu có người đọc được thơ tôi và có cảm xúc mạnh như vậy”.

Với câu hỏi của một giảng viên khác, “nguồn cảm hứng, năng lượng nào để có thể sáng tác dồi dào?”, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể dí dỏm: “Xin thưa, không có ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng... tôi đâu, lão Khoa không có tài cán gì cả, chỉ mỗi kinh nghiệm, mẹo là chịu đọc sách! Thời tôi, sách giáo khoa không nhiều, không hay như bây giờ nhưng tôi thuộc lòng sách giáo khoa đấy (nhà thơ minh họa bằng một đoạn văn xuôi, bài “Con chim chích chòe”. Nhiều sách lúc đó bị cấm nhưng tôi cứ lén mà coi. Những quyển sách đó rất hay. Chịu khó đọc sách là kinh nghiệm”. Và câu chuyện mới học lớp 2 đã biết làm thơ tặng cô bạn mình thích của nhà thơ này cũng làm nên những trận cười thú vị cho cả khán phòng!

Với câu hỏi của Lương Thị Cẩm Tú (lớp kế toán): “Hiện nay giới trẻ đang bị lu mờ về văn hóa đọc, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nên ít tiếp cận thơ ca. Các nhà văn suy nghĩ thế nào về tình trạng này và có lời khuyên nào cho vấn đề này?”, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã truyền đi thông điệp văn học chân chính đủ sức mạnh gieo cảm hứng cho con người! Nhà văn chia sẻ: “Văn chương đang chịu sức ép lớn từ nhiều ngành giải trí khác nhau, lựa chọn đọc sách là quyền của mỗi người, văn học càng là lựa chọn của cá nhân. Nếu yêu văn học thật sự sẽ tự cầm một quyển sách, và nếu biết tự đặt câu hỏi văn học có giá trị gì với cuộc sống thì sẽ không có gì tác động đến văn hóa đọc. Nếu thấy được tầm quan trọng của văn học thì ngành giải trí khác sẽ đứng phía sau. Với tôi, khi đọc sách văn học là ta đang kéo dài tuổi thọ con người”.

Rất nhiều câu hỏi dành cho các nhà văn, nhà thơ, và khi trả lời, các đại biểu văn chương thật sự đã truyền cảm hứng cho bạn trẻ về tinh thần lạc quan, yêu đời mà sống. Như chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Khi sáng tác luôn có một chàng trai 18 tuổi trong tôi, một chàng trai liều lĩnh, đam mê, ngây thơ, dại dột, không bao giờ mệt mỏi! Chúng ta hãy biết làm sống lại những gì đã chết, làm mới lại những gì đã cũ, làm cho ngôi nhà mình sống mới hơn trong từng ngóc ngách, trong chính sự cảm nhận của mình”.

 “Yêu văn, yêu thơ” là một trong những slogan các bạn gắn vào hình ảnh 3 thần tượng văn thơ của mình trong biểu trưng cầm tay để đón khách quý. Thực tế, buổi giao lưu với nhiều tình cảm dành cho các tác giả của văn chương Việt Nam đã chứng minh, văn thơ vẫn là tình yêu đặc biệt đối với các bạn. Và những thông điệp của các nhà văn, nhà thơ mang lại cho các bạn càng thổi lên ngọn lửa âm ỉ đó. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng: trong thế giới có quá nhiều hình thức giải trí như hiện nay, văn chương với những giá trị vốn dĩ, vẫn có chỗ đứng không gì thay thế!

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.