Cúng Thanh minh: Mỹ tục của người Hoa ở Bạc Liêu

Thứ Hai, 03/04/2017 | 16:51

Về Bạc Liêu trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí nhộp nhịp của việc cúng Thanh minh. Vâng, đó chính là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu.

Nhớ ơn người khuất
Thường thì tết Thanh minh của người Hoa bắt đầu từ tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch và thời gian diễn ra trong vòng 1 tháng (tùy theo năm). Tết Thanh minh còn được gọi là tết của những người đã khuất. Do vậy, trong tháng này con cháu dù ở đâu xa cũng tụ họp về làm mả (mộ) cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ cho thật đẹp, rồi quay heo, làm gà, mua bánh trái... để cúng kiến. Người ta tổ chức cúng mả và chiêu đãi bà con, người thân, xóm giềng tại mả. Có người còn rước cả đội nhạc, kéo điện thắp sáng ra mả để vui với ông bà. Tục cúng mả này không chỉ giáo dục cái đạo hiếu hạnh đối với tổ tiên, ông bà, nhắc nhở mọi người không quên nguồn cội, mà còn là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình lại với nhau. Mỗi năm cứ vào dịp Thanh minh là con cháu lại sum họp về, những người thân trong gia đình lại cùng nhau chuyện trò, san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. 
Cúng Thanh minh của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu còn có tục cúng mả tập thể - vốn là một nét văn hóa thể hiện tính cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái, hay dân gian còn gọi là cúng mả hội. Vì ngoài các mả đã có người thân được tổ chức đắp mả và cúng hàng năm, vẫn có những ngôi mộ không có người thân như: chết do chiến tranh, người thân di cư ra nước ngoài sinh sống... Chẳng hạn như tại nghĩa địa Triều Châu (chùa Sùng Thiện Đường, phường 1, TP. Bạc Liêu), hàng chục năm qua vẫn duy trì hình thức đắp và cúng mả tập thể, không cần biết là ngôi mộ đó có người thân hay không. Việc làm mang tính nhân văn này đã giúp những ngôi mả không có thân nhân không bị lạn hay vùi mất cũng như “ấm cúng” hơn trong mùa Thanh minh. Riêng mả hội là mả chôn nhiều người và chiếm phần lớn là các chiến sĩ tử nạn do chiến tranh không nhận dạng, không biết người thân, hay các hài cốt sau khi được lấy không có thân nhân đều đem về mả hội để chôn cùng. Vì vậy, mả hội còn được coi là “ngôi nhà chung” của người mất không có thân nhân. Xuất phát từ lý do này mà mả hội được tổ chức cúng với nhiều lễ vật như: cúng 3 - 4 con heo quay, bánh bò, trái cây... Và sau khi cúng thì mời tất cả mọi người tham dự cùng ăn và vui với người mất.
Chính việc giữ gìn mồ mả này mà nhiều gia đình xa xứ hàng chục năm khi về Việt Nam vẫn còn có thể tìm thấy mồ mả ông bà, do được gìn giữ và tên họ còn khắc trên bia mộ. Còn nếu như không tìm thấy mồ mả thì họ tập trung về mả hội để cúng, vì ông bà mình đã được lấy cốt chôn ở đây. Từ đó có thể thấy, tết Thanh minh đã trở thành một trong những cái tết quan trọng của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu. 

Một gia đình người Hoa tổ chức cúng Thanh minh cho ông bà tại nghĩa địa Triều Châu (phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.H

Cúng mả cho người sống
Có một điều khá thú vị là tết Thanh minh của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu không chỉ có cúng cho người chết mà còn cúng cho người… còn sống. Đó là trường hợp những người chưa chết, nhưng đã xây mả trước nên đến Thanh minh họ cũng tổ chức cúng mả cho chính mình. 
Dấu hiệu nhận biết rất đơn giản, trên bia mộ của người sống toàn bộ chữ đều được viết bằng màu chữ đỏ và giấy dán trên mộ cũng toàn màu đỏ thay vì dùng giấy ngũ sắc, hoặc toàn giấy màu trắng dùng cho người mới mất. Bên cạnh đó, khi tổ chức cúng không có cúng lễ vật trước mả (vì trong mả không có người chết), mà chỉ có cúng thổ địa được xây dựng kế bên mả với trái cây, bộ tam sanh và giấy vàng mả...
Những ngôi mộ của người sống này còn được gọi là “mả trường thọ” và năm nào con cháu cũng mong muốn được dán giấy đỏ trên đó để ông bà, cha mẹ được sống lâu với con cháu. Hoặc có những mả, phân nửa dán giấy đỏ, còn phân nữa kia dán giấy ngũ sắc thì thể hiện đã có một người đã mất và một người còn sống.
Với những phong tục ý nghĩa mang lại từ tết Thanh minh mà năm nay có nhiều du khách nước ngoài đến khu vực nghĩa địa Triều Châu tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Nét văn hóa này cần được khai thác cho phát triển du lịch văn hóa và lễ hội.
Lâm Hỷ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.