Văn hóa - Nghệ thuật
Cưới vợ cho ai?
Thế là hai đứa nhỏ chia tay nhau sau chưa tròn một năm đám cưới. Dĩ nhiên, dù ở nông thôn, hai đứa vẫn biết phải ra tòa án huyện giải quyết các thủ tục ly hôn hẳn hoi, để sau này, mỗi đứa sẽ có quyền tự do đi tìm cuộc hôn nhân đúng nghĩa của mình.
Chắc cả hai cũng chưa hiểu thế nào là hôn nhân đúng nghĩa. Vội vàng về chung một nhà rồi đường ai nấy bước khi chưa kịp kỷ niệm một năm ngày cưới. Đầu trên xóm dưới đều biết rằng cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ bắt nguồn từ mong muốn của… hai bên cha mẹ. Đàng trai chỉ có đứa con trai độc nhất, lại mới ra trường rồi xin việc làm xa nhà, hai chị gái thì đã có gia đình ra riêng, nên cha mẹ mong cậu trai út cưới vợ sớm để đỡ đần công việc đồng áng, chăn nuôi của gia đình. Đàng gái thì có đứa con gái đầu lòng, học xong lớp 12 thì cho nghỉ vì không có điều kiện học tiếp. Thời buổi này mà nhà gái vẫn còn quan niệm “có con gái trong nhà như hũ mắm treo đầu giường” nên đợi có mối là gả cho… an tâm!
Có được ông mai bà mối “mát tay”, đám cưới diễn ra không đầy 2 tháng sau khi đàng trai đi coi mắt cô dâu. Cô dâu mới tròn 20 tuổi, không đẹp sắc sảo nhưng nét duyên con gái quê cũng làm vừa mắt chàng trai. Chưa kịp tìm hiểu nhau, hai trẻ cũng răm rắp nghe theo khi hai bên sui gia đều mong ngóng. Thế là tiến hành các nghi thức cưới xin.
Không hiểu tính ý nhau cho nên sự mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ cũng chóng vánh như lúc mới biết nhau, thích nhau bằng mắt rồi cưới vội vàng. Cách ăn nếp ở mỗi nhà mỗi khác. Đúng nghĩa là cưới dâu về để phụ hợ bếp núc nên đòi hỏi của mẹ chồng cũng hơi nhiều, lại gặp phải đứa con gái khi ở nhà cha mẹ ruột chỉ lo chuyện học hành, cơm canh đều do mẹ nấu nướng nên chuyện bếp núc còn vụng về lắm! Thế là con dâu và mẹ chồng chung sống không lâu đã “cơm không lành, canh không ngọt”. Anh chồng trẻ suốt ngày đi làm, có thêm những mối quan hệ mới, vắng nhà nhiều hơn, rồi nhiều khi phải đứng giữa một bên là mẹ, bên kia là vợ… Những rạn nứt đã bắt đầu.
Quan niệm “áo mặc sao qua khỏi đầu” của người xưa dạy con cái phải biết nghe theo lời cha mẹ, kể cả việc dựng vợ gả chồng, vẫn còn tồn tại ở một số gia đình. Thực tế mà nói, vẫn có những cuộc hôn nhân vợ chồng sống với nhau đến “răng long đầu bạc” khi được cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó! Nhưng, hoàn cảnh dẫn đến quan niệm mỗi thời mỗi khác. Quan niệm về hạnh phúc, về gia đình ở giới trẻ ngày nay đôi khi không giống ngày xưa nữa. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở quê tôi cưới nhau theo kiểu cha mẹ nhờ ông mai bà mối gán ghép, hoặc đôi trẻ cưới do sui gia thích nhau rồi không bao lâu thì… nhà ai nấy về.
Những chàng trai khi bị ép cưới người mình không muốn cưới thường dùng luận điệu: “Cha mẹ cưới vợ cho ai? Nếu cưới vợ cho con thì hãy để con tự quyết định”. Câu hỏi đó cũng là một câu hỏi hay để những bậc làm cha mẹ tìm câu trả lời. Hạnh phúc của mỗi người thường phải do chính người đó định đoạt (và tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình). Mọi lời khuyên của cha mẹ tất nhiên đều mong con mình hạnh phúc nhưng hãy khuyên chứ đừng đặt để con mình vào một cuộc hôn nhân vội vã để rồi hạnh phúc chênh vênh, nhân duyên dang dở…
Nhật Quỳnh
- Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 8 nghị quyết quan trọng
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 11 dự thảo văn bản
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ 3 tàu tàng trữ, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu khác
- 100 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố lần thứ XII - năm 2025
- Ban tổ chức trao giải cho các đôi VĐV đoạt giải nội dung hạng A.