Văn hóa - Nghệ thuật
Đặc sắc các điệu múa Khmer
Người Khmer Nam bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng vốn có nền văn hóa - nghệ thuật phong phú, nhưng nổi bật nhất là sự đa dạng và độc đáo của các điệu múa. Múa đã trở thành nét đẹp văn hóa, “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc…
Đa dạng các điệu múa
Nghệ thuật múa Khmer xuất hiện từ rất sớm. Bên cạnh những điệu múa quen thuộc gắn bó với sinh hoạt cộng đồng như múa Lâm thôn, múa Dù kê… thì mang tính nghệ thuật cao hơn phải kể đến loại hình kịch múa Rô băm với động tác vũ đạo khá đẹp mắt. Múa Rô băm sử dụng động tác tay, chân và đạo cụ để thay thế cho lời nói nhằm diễn tả tâm trạng nhân vật một cách rõ nét. Do phần lớn cốt truyện của kịch múa mang đậm tính truyền thuyết, thần thoại nên múa càng có điều kiện phát huy ở loại hình sân khấu này. Cái hay của điệu múa này nằm ở chỗ làm người xem hiểu được nội dung, ý nghĩa của câu chuyện thông qua diễn xuất tài tình của các diễn viên.
![]() |
Điệu múa Apsara của người Khmer. Ảnh: Phan Thanh Cường |
Nếu như múa cung đình mang tính trang trọng, cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian lại thoải mái, lạc quan và hóm hỉnh bấy nhiêu. Múa Răm vông, Chây dăm là những điệu múa phổ biến, vì có tiết tấu nhanh, vui nhộn nên được người dân biểu diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan hay bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn, trống nổi lên là ta sẽ thấy ngay những điệu múa này…
Cần được giữ gìn và phát huy
Hiện nay, múa Khmer đã phát triển mạnh mẽ cả về thể loại lẫn chất lượng. Và nó hiển nhiên không dừng ở những hoạt cảnh, cốt truyện ngắn, mà đã được các biên đạo múa người Khmer nâng lên thành những cốt truyện dài. Tuy nhiên, đứng trước việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Khmer vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, ông Lâm Thế Hiệp, Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu cho biết: “Đối với các loại hình nghệ thuật Khmer nói chung, múa nói riêng vẫn chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Bởi hiện nay, vấn đề kinh phí hoạt động và sự xuống cấp của trang thiết bị là vấn đề nan giải. Mặt khác, không gian của nghệ thuật múa Khmer còn “bó hẹp” ở các chùa chiền, phum sóc, chứ chưa được phổ biến rộng rãi nên chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của người dân cũng như phát huy hết tiềm năng của nó”.
Trước thực tế trên, đòi hỏi ngành chức năng cần phải xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ giữa các loại hình nghệ thuật để nghệ thuật múa Khmer có cơ hội kết hợp, phát huy hết khả năng phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ diễn viên múa ở cơ sở để phục vụ một cách nhanh chóng, kịp thời nhu cầu thưởng thức của người dân địa phương; giúp người dân sau thời gian lao động, sản xuất có điều kiện tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật và thừa hưởng thành quả, giá trị nghệ thuật do chính họ tạo ra… Đối với người biên đạo, trước khi tham gia dàn dựng tiết mục cần tìm hiểu, nắm được quy trình, thời gian diễn ra loại hình nghệ thuật để phối hợp dàn dựng cho phù hợp. Đặc biệt, cần phổ biến, truyền dạy, thổi vào lòng các thế hệ kế thừa niềm đam mê nghệ thuật theo đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình để góp phần gìn giữ và đưa nghệ thuật múa Khmer của tỉnh nhà trở thành sản phẩm phục vụ du lịch mang lại hiệu quả cao.
HUỲNH HIẾU
- Tỉnh đoàn: Tuyên dương 30 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025
- Huyện Vĩnh Lợi tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025
- Hơn 400 cán bộ Đoàn, đoàn viên - thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
- Gặp lại những nhân chứng lịch sử trước ngày 30/4/1975
- Những anh hùng làm rạng rỡ đất Bạc Liêu