Đặc sắc văn hóa các dân tộc ở Bạc Liêu

Thứ Sáu, 17/04/2020 | 16:14

Bạc Liêu không chỉ là quê hương giàu truyền thống cách mạng, mà còn là mảnh đất hội tụ của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa. Dù mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng nhưng theo dòng chảy của thời gian, tất cả đã giao thoa, hòa hợp thành thứ văn hóa rất đặc trưng và đặc sắc cho xứ Bạc Liêu.

Giải đua ghe Ngo mừng tết Chôl-chnăm-thmây năm 2019 của đồng bào Khmer tổ chức tại huyện Hồng Dân. Ảnh: H.T

Nếu đã một lần ghé thăm đất Bạc Liêu, chắc hẳn du khách sẽ dành cho nơi này những ấn tượng, tình cảm sâu sắc. Không chỉ được yêu mến vì tính cách hào hiệp và nghĩa tình, người dân Bạc Liêu còn làm xao xuyến bước chân du khách với bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Trải dài suốt các tháng trong năm, sắc màu từ lễ hội: Dạ cổ hoài lang, Nghinh Ông, Chôl-chnăm-thmây, Oóc-om-bóc, Kỳ yên… của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa làm cho Bạc Liêu luôn hấp dẫn, cuốn hút trong mắt bạn bè phương xa. Điều đặc biệt ở văn hóa của Bạc Liêu là lễ hội của dân tộc này luôn có sự góp mặt, chung vui của anh em dân tộc khác. Chính vì vậy, văn hóa Bạc Liêu là kết tinh của sự giao thoa và hòa quyện từ những nét văn hóa riêng biệt.

Những năm gần đây, ngoài tập trung cho phát triển kinh tế, Bạc Liêu còn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Nhiều chủ trương, chính sách được tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời đã góp phần giúp những nét đẹp văn hóa của các dân tộc ngày càng lan tỏa và thăng hoa trong đời sống xã hội.

Ông Văn Công Diệp, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Thông tin và Gia đình (Sở VH-TT-TT&DL), cho biết: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ được tỉnh thực hiện thường xuyên, hiệu quả bằng nhiều quyết sách. Điển hình là tổ chức các cuộc liên hoan, chương trình giao lưu nghệ thuật 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Riêng đồng bào dân tộc Khmer, UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận điệu múa Rom-vong là di sản văn hóa quốc gia; hỗ trợ kinh phí đầu tư mới, sửa chữa dàn nhạc ngũ âm, ghe Ngo cho các chùa Khmer trong tỉnh… Thông qua những quyết sách này đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân, nâng cao ý thức gìn giữ những lễ hội truyền thống và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ở Bạc Liêu”.

Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa các dân tộc trên quê hương mình, Bạc Liêu còn gắng sức kết nối tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của Bạc Liêu cũng vì thế ngày càng vang xa khi tổ chức thành công các sự kiện, lễ hội văn hóa cấp khu vực và quốc gia. Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019 với chủ đề “Dạ cổ hoài lang với các miền di sản” là sự kiện mang niềm tự hào, khi bản sắc văn hóa Bạc Liêu được hòa quyện trong “vườn hoa” của di sản văn hóa Việt Nam. Hội tụ về đất tài tử, các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh đã cùng với văn hóa các dân tộc Bạc Liêu mở ra một không gian thật đặc biệt để cùng nhau thưởng thức, làm sáng rực “những viên ngọc quý” của văn hóa Việt Nam. Trước đó, Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ tại Bạc Liêu cũng đã diễn ra tưng bừng, rộn ràng sắc màu văn hóa, góp phần đưa những nét đẹp của văn hóa Khmer đến gần hơn với cộng đồng các dân tộc trong nước và du khách quốc tế. 

Với những nét đẹp văn hóa đặc trưng, tuy không quá đa sắc màu như các địa phương có đông dân tộc cộng cư, song văn hóa Bạc Liêu vẫn nhẹ nhàng tạo ấn tượng, gây nhớ thương với bạn bè theo cách của riêng mình. Và văn hóa bản địa Bạc Liêu cũng đã và đang hòa vào dòng chảy chung, góp thêm hương sắc cho “vườn hoa” văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng rực rỡ.

Hữu Thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.