Để gia đình là nơi “Kết nối yêu thương”

Thứ Tư, 26/06/2013 | 19:28

Không chỉ là Ngày Gia đình Việt Nam truyền thống như hàng năm, mà ngày 28/6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn đây là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề “Kết nối yêu thương”. “Kết nối yêu thương” để mỗi gia đình là mái ấm yên lành, là “nơi ấm áp trái tim quay về”… Đây là điều mà mỗi người cần quan tâm, mỗi cá nhân cần hoàn thiện chính mình trong việc vun đắp, dựng xây gia đình trở thành tổ ấm.

Có một nhận định sâu sắc và hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “gia đình”: Gia đình là tế bào xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là nơi gìn giữ, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc - đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù trong lao động, ý chí vượt khó vươn lên, kiên cường, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc... Hai chữ “gia đình”, vì vậy, thiêng liêng vô cùng nếu chúng ta hiểu đúng chân giá trị của nó.

Gia đình hạnh phúc. Ảnh: T.L

Gia đình là tổ ấm nếu mỗi thành viên biết vun đắp, chắt chiu, san sẻ cùng nhau những niềm vui, hạnh phúc của riêng mình. Đằng sau thành công của người chồng có bóng dáng của người vợ; còn thành công của người vợ có sự hỗ trợ, ủng hộ của người chồng; con cái hiếu thảo, chăm ngoan; anh em thuận hòa… vậy là đã có một mẫu hình gia đình ví như “tổ ấm”. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng cuộc sống vốn dĩ muôn màu muôn vẻ, có muôn ngàn lý do và những tác nhân khiến cho nền móng gia đình tưởng chừng vững chãi lại dễ dàng sụp đổ. Đó là khi “cái tôi” trong mỗi con người quá lớn, chỉ cần một chút “quá đà” của người chồng, hay một chút vô tâm của người vợ cũng dễ dàng làm lung lay cuộc hôn nhân; hay khi thiếu sự dạy dỗ tận tâm của cha mẹ thì trong gia đình ấy, cha mẹ chỉ có công sinh thành mà thiếu đi trọng trách dưỡng dục để giáo dưỡng nên những mầm non có nhân cách cao đẹp.

Hiện nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã cho ra đời những con số “tăng dần đều” các gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (GĐVH). Xây dựng GĐVH tức là xây dựng một mẫu hình gia đình Việt Nam chuẩn mực. Nhưng liệu chất lượng văn hóa ở những nơi được công nhận có đảm bảo chuẩn mực của một gia đình Việt Nam?! Vẫn có những gia đình “trên không thuận dưới không hòa”, vợ chồng sống trong… “chiến tranh lạnh”, cha mẹ không dạy bảo được con cái, ruột rà máu mủ sẵn sàng ví như “nước lã, người dưng” khi đụng chạm đến vấn đề chia chác, thừa kế đất đai, gia sản. Tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng chỉ một “con sâu” cũng đủ làm “rầu nồi canh”! Làm sao để có một GĐVH đúng chuẩn mực của gia đình Việt Nam? Làm sao để hướng đến lý tưởng mỗi tổ ấm là nơi “kết nối yêu thương”, để tất cả mọi tổ ấm “kết nối yêu thương” đến một đại gia đình Việt Nam? Bởi suy cho cùng, người Việt có chung một nơi khởi nguồn, đều là con Lạc, cháu Hồng.

“Kết nối yêu thương” để mỗi gia đình trở thành tổ ấm, là chốn bình yên nhất để ta tìm về sau bao lo toan, vất vả, điều đó đòi hỏi ý thức chung của từng cá nhân. Chỉ khi mỗi người biết quý trọng hạnh phúc gia đình thì mới biết ra sức bảo vệ, vun đắp. Mỗi thành viên trong gia đình hãy là những ngọn nến lung linh để thắp sáng lửa ấm thiêng liêng trong chính gia đình mình. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và đặc biệt Năm Gia đình Việt Nam 2013 chính là dịp để mỗi người suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc hơn chân giá trị của hai chữ “gia đình”!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.