Văn hóa - Nghệ thuật
Để trường học là nhà
Ngay trong câu chữ, trường học đã có gắn từ “nhà” - là nhà trường. Từ “nhà” ở đây không chỉ diễn tả ở khía cạnh cơ sở vật chất, mà còn là góc độ tinh thần: nhà là nơi có tình thương yêu, sự quan tâm.
Nhà trường đúng nghĩa là thế, phải xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm để thầy cô trao truyền kỹ năng sống, kiến thức cho mỗi học trò; để những học sinh với nhau đã là bạn thì phải “bè”, phải hỗ trợ nhau cùng tiến.
Mái nhà thứ hai
Mỗi sáng sớm thức dậy, những trò nhỏ lại rời chiếc tổ ấm của nhà mình để đến trường học. Ở nhà mình, các em được chăm lo bởi tình thương yêu, sự đùm bọc của cha mẹ, anh chị em mình. Khi đến nhà trường, các em được thầy cô truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống và được vui chơi, trao đổi cùng bè bạn. Tuy mỗi nơi có khác nhau về sinh hoạt, thói quen, ứng xử, nhưng đều có điểm chung là giúp các em mỗi ngày một trưởng thành hơn về mọi mặt, từ thể lực đến trí lực, dưỡng nuôi nhân cách, tâm hồn các em để trở thành những công dân ưu tú trong tương lai.
Thế mà, ở mái nhà thứ hai ấy, gần đây dấy lên một nỗi bất an mang tên bạo lực học đường. Ngày xưa chỉ là những cái xô ngã nhau trong lúc chơi đùa làm bạn khóc rồi thì đứa méc thầy cô, đứa bị khẻ tay, đánh vào mông như một hình phạt chiếu lệ để học trò không đánh nhau nữa. Nhưng nay thì không dừng lại ở đó! Mà là những vụ đánh bạn gây thương tích, đánh có “kế hoạch”, đánh hội đồng... Bài viết này xin không cận cảnh vào những vụ bạo lực học đường để làm nặng thêm nỗi bất an cho từng bậc làm cha mẹ khi năm học mới vừa bắt đầu, chỉ xin điểm lại để chúng ta cùng chung tay giải quyết nỗi lo chung này.
Trong một bài phát biểu gây xúc động của thầy Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội - Nguyễn Văn Minh được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều thời gian gần đây, mỗi lời gửi gắm đáng để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô, mỗi gia đình, mỗi người làm cha, làm mẹ phải suy ngẫm: “Giáo dục trước hết và trên hết là hướng con người sống tử tế, sống có trách nhiệm, sống bằng tình yêu thương, bằng bao dung và độ lượng... Giáo dục bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ, phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha thương mẹ, giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa để mỗi em thơ không mặc cảm giàu hay nghèo. Cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra những chuyên gia giỏi giang mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng”.
Nhà trường nên là môi trường thân thiện để các em học tập và trưởng thành về mọi mặt. Ảnh: C.T
Nơi nuôi dưỡng ước mơ
Làm sao để trường học là nhà? Những gửi gắm trong bài phát biểu “lay động nền giáo dục nước ta và mỗi gia đình” (là cách cộng đồng mạng nhận định) trên đây thật sự đáng để cùng suy ngẫm! Trường học trước hết phải là nơi bình yên thì mới có thể là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho mỗi mầm non của đất nước!
Mỗi cha mẹ hãy dạy con ngay từ nhà mình, ngay từ khi các cháu còn bé thơ để hình thành sớm trong đầu óc các cháu những điều thiện lành. Nhiều người vẫn hay than thở đại loại rằng xã hội bây giờ quá nhiều điều bất an, trường học cũng đầy những bất an. Vậy thì mỗi tế bào lành mạnh từ gia đình chính là góp phần kìm hãm sự bất an đó. Có những đứa bé tiểu học (thậm chí là lớp 1) đã “ghim” trong mình bản chất hung hăng, sẵn sàng ăn hiếp bạn, đó có phải là trách nhiệm của cha mẹ trước khi đổ lỗi cho nhà trường, xã hội?
Và, có rất nhiều thầy cô đã được các em học sinh nhiều thế hệ tôn trọng và ghi nhớ công ơn như người cha, người mẹ thứ hai của mình! Thì lúc đó, trường học, lớp học đã là nhà trong tâm thức của mỗi học sinh. Trách nhiệm của mỗi giáo viên đối với học trò, thiết nghĩ, không chỉ là dạy chữ, cho điểm mà “mỗi thầy giáo, cô giáo hãy lắng nghe tiếng nói của học sinh, hãy nhìn vào từng đôi mắt của các em trong từng giờ giảng để biết được các em đã tiếp nhận kiến thức như thế nào. Hãy tạo ra một không khí dân chủ thân thiện, cởi mở cho các em. Hãy tạo điều kiện để các em được thể hiện chính kiến của mình. Hãy xem sự tiến bộ thành đạt của mỗi học sinh là niềm hạnh phúc của chính mình. Hãy là những người cha, người mẹ, anh chị và là người bạn lớn của các em dưới mái trường này” - tại lễ khai giảng năm học mới, lãnh đạo của một trường học có bề dày thành tích ở TP. Bạc Liêu đã chia sẻ sâu sắc với các em học sinh, với đồng nghiệp của mình như thế!
Hành trang vào đời của mỗi người bên cạnh kiến thức còn là đạo đức, là tình yêu thương, trách nhiệm dành cho nhau. Để có được điều đó, trường học phải là nhà - mái nhà thứ hai của mỗi người.
NHẬT QUỲNH
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”