Văn hóa - Nghệ thuật
Đi chợ Tết
Tết Giáp Thìn 2024, TP. Bạc Liêu sẽ tổ chức “Chợ quê ngày Tết” từ 25 - 28 tháng Chạp. Thông tin này không quá mới mẻ, bởi đã nhiều năm liền, bày không gian Tết quê trên phố đã trở thành hoạt động thường niên của TP. Bạc Liêu.
Thế mà mỗi lần nghe đến cụm từ “chợ quê ngày Tết”, lòng tôi lại nôn nao, nhớ xa xăm những cái Tết được mẹ dắt tay đi chợ. Đi chợ Tết đâu chỉ để mua đồ. Mà đi để hưởng cái không khí những ngày giáp Tết. Nó đặc biệt làm sao!
Sáng, trưa, chiều, tối, hễ mở Facebook ra là tràn ngập những trang bán hàng mùa Tết. Người ta bày bán đủ thứ trên đó, nào là củ kiệu, tôm khô, bánh tét, liễn, vật trang trí trong nhà... Mấy cô, mấy chị bận tối mặt với công việc cơ quan cuối năm thì chỉ cần lên đó đặt hàng là có ngay một gian bếp phủ phê từ A đến Z những món cần xài trong mấy ngày Tết.
Nhưng tôi cam đoan rằng, chợ Tết online dẫu có “tấp nập” cỡ nào đi nữa thì cũng không thể nào so sánh được với cái chợ Tết truyền thống ở ngoài kia! Đó là cái chợ có khi chỉ cần đi thôi, ta cũng “tậu” về cho mình cảm giác dễ chịu, thoải mái. Cái hương xuân miên man lẩn khuất trong ngổn ngang chợ Tết là thứ mà không mất tiền ta vẫn mang về được cho mình.
Ngày nhỏ, những lần theo mẹ đi chợ Tết, mới thấy mẹ là một kế toán kiêm thủ quỹ tài ba trong nhà. Không biết mẹ để dành tiền từ khi nào mà Tết dù đủ thứ các khoản chi, mẹ đều lo toan đầy đủ. Vẫn là cơm nước ngày ba bữa, Tết còn phát sinh thêm bao nhiêu là chuyện để lo. Cái giỏ xách đồ từ chợ Tết về nhà nặng nề hơn là bởi những người mẹ luôn lo cho đàn con mình những cái Tết đủ đầy với quần áo mới, những bữa ăn ngày Tết thịnh soạn, ngon thơm.
Gói bánh tét là một trong những hoạt động của Chợ quê ngày Tết. Ảnh: H.T
Nói chuyện quần áo mới lại nhớ cái khoảng thời gian may đồ mới ăn Tết. Hồi đó, thường phải đợi đến Tết mới được sắm cho vải vóc may đồ mới chứ không phải ra chợ mua đồ may sẵn và sắm quanh năm như bây giờ. Cho nên khái niệm đi mua vải may quần áo mới ăn Tết nó làm lũ nhóc tụi tôi thích thú lắm. Nhớ mùi vải mới lúc mẹ dắt đi chợ lựa mua, mua xong thì dẫn luôn đến cái tiệm may đồ quen thuộc đã thành mối của mấy mẹ con hồi ấy. Đo ni, chọn kiểu xong, mấy mẹ con dắt nhau về trong cái tâm trạng nôn nao đợi ngày lấy quần áo mới. Có những năm nhà hơi chật vật tiền nong thì ngoài vài bộ đồ mới gọi là cho có, mẹ tranh thủ lấy đồ năm cũ của đứa chị để “tái chế” lại cho đứa em, là tôi. Mẹ sửa lại cho vừa vặn hơn, rồi thì thêu thêm cành hoa, con chim lên ngực chiếc áo cũ. Thành ra khi làm xong, nó tự nhiên trở thành chiếc áo mới hẳn hoi, khiến nhỏ em không tủi thân vì mặc đồ “khín” của chị mình.
Sát Tết, tầm 25 tháng Chạp trở đi thì chợ búa trở thành một không gian Tết đậm đà hương vị. Đó là mùi của lá chuối, mùi sợi lạt (dùng để gói bánh tét), mùi mỡ, mùi hành, dưa kiệu, mùi hỗn hợp của các loại khô... Nó lan tỏa khắp từng ngóc ngách của khu chợ. Cho nên như trên tôi đã bảo, đi chợ Tết truyền thống có khi chỉ ngắm thôi, không cần mua gì thì cũng đã vui lắm rồi!
Cái không gian, hương vị Tết ấy nó theo tôi từ những năm tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ. Ngày nay, chợ Tết cũng vẫn đầy ra đó nhưng người mua vắng hơn. Có lẽ tại chợ truyền thống bị chi phối, ảnh hưởng bởi những hình thức mua bán online phù hợp với phụ nữ hiện đại trăm công ngàn việc bây giờ.
Hội thi gói bánh tét, bày góc cho chữ thư pháp, dựng mô hình vườn rau, ao cá, sông nước, rồi thì những tiểu cảnh thôn quê như cầu khỉ, bụi chuối, lúa nước, rơm rạ... chính là cách để kéo mọi người trở về với cái Tết truyền thống đậm chất văn hóa của người dân Nam Bộ. Những thứ này giờ có thể vẫn còn giữ ở những vùng quê. Chứ còn những nơi cuộc sống tất bật, hối hả thì hiếm gặp cảnh cả nhà ngồi gói bánh, làm mứt, phơi khô để đón Tết.
Khi ngoài kia, TP. Bạc Liêu rục rịch chuẩn bị cho hội xuân Chợ quê ngày Tết, tôi ngồi ở góc viết lách của mình mà những dòng chữ này tràn trên màn hình một cách... vô thức. Bởi khi viết, những ký ức đi chợ ngày Tết cùng mẹ và mấy chị em những năm tháng tuổi thơ cứ tràn về ào ạt! Trước Tết là khoảng thời gian ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi chúng ta. Dẫu tất bật hơn, nhọc nhằn hơn nhưng nó khơi gợi bao kỷ niệm ngọt ngào về những cái Tết xa xưa bên cha, bên mẹ đối với “những đứa trẻ sống lâu”, đã có tuổi như tôi. Hạnh phúc cho ai vẫn còn đủ mẹ, đủ cha để được cùng bên nhau sum vầy, chia sẻ yêu thương trong một không khí Tết đoàn viên.
Viết đến đây, bỗng dưng tôi nhớ câu “mấy đứa con nghĩ chừng nào má mình còn, thì Tết không bao giờ mất” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tôi tin rằng, những người mẹ chính là những người làm nên cái Tết chan chứa yêu thương trong lòng những đứa con.
Nhớ sao là nhớ cái cảm giác được mẹ dẫn đi chợ Tết, mua cho quần áo mới để chuẩn bị đón Tết, trong khoảnh khắc này...
Cẩm Thúy
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh