Văn hóa - Nghệ thuật
“Di sản” của ba
Một cuối tuần thư thả thời gian, tôi lôi hết mọi ngóc ngách trong nhà ra dọn dẹp. Tới chiếc tủ bốn ngăn bằng gỗ đã sờn màu bởi nó đã nằm đó mấy chục năm rồi, tôi dừng lại ở quyển sổ ghi chép của ba. Những nét chữ tỉ mẩn của người có tuổi khiến tôi dừng lại rất lâu.
Đọc kỹ những dòng chữ mới hay nhiều lúc ba nằm võng ngoài vườn, ba ngân nga hát là hát những bài chính ba sáng tác. Hồi còn trẻ, ba công tác ở ngành Mặt trận huyện, rồi sau đó chuyển về xã, gần nhà phụ hợ việc nhà cho má, khi con cái lần lượt năm, bảy đứa nheo nhóc ra đời. Công việc cơ quan, việc đồng áng tất bật vậy mà ba vẫn đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) từ đó đến giờ. Hình như đó là “món ăn tinh thần” để ba nuôi dưỡng tâm hồn mình mà vơi đi mệt mỏi. Tưởng đâu ba chỉ đờn ca trong đám tiệc ở xóm, trong mấy tiệc nhậu với mấy chú bác gần nhà, ai ngờ ba có cả một “tuyển tập” về những bài bản ĐCTT do tự tay ba viết. Không hẳn là bài bản chuyên nghiệp nhưng đủ thấy “máu” đam mê của ba trong từng dòng chữ...
Một buổi giao lưu đờn ca tài tử của Hội Nông dân huyện Phước Long. Ảnh: C.T
Tôi đem quyển sách đã sờn màu hỏi má. Má kể “đó là “di sản” của ổng đó, đừng có mà làm hư nghen”. Những lời ca tiễn biệt sui gia khi bác ấy về bên kia thế giới nghe ai oán, xót xa. Lời ca cho quê hương tươi đẹp thì phấn chấn, vui tươi. Không mấy am hiểu điệu thức trong ĐCTT nên tôi không hát được, chỉ cảm nhận được nội dung lời ca từ quyển sách “di sản” của ba...
Ở quê tôi, những người có tuổi đam mê ĐCTT không hiếm. Cô Bảy đầu xóm, bạn cùng hội của ba, giờ cũng ngoài 70 tuổi, thế mà mỗi lần nhà tôi có đám giỗ là y như rằng có cô góp mặt. Nghe nói hồi xưa là cô giáo trường làng. Cô mê đờn ca vì ba cô là một tay đờn cò có tiếng ở xóm. Nhà ai có ma chay, đám giỗ, ông đều vác đờn cò đi phục vụ không tính công. “Máu nhà nghề” đã khiến cô giáo trường làng tranh thủ học bập bẹ rồi hát tài tử như một cô đào chuyên nghiệp dù cô chưa bao giờ đứng trên sân khấu. Nhìn cô và ba tôi nhịp nhàng mỗi khi “xuống xề”, tôi ngưỡng mộ những người nông dân tài tử của làng quê mình quá đỗi.
Nghệ thuật ĐCTT giờ vươn tầm ra thế giới, trở thành di sản của nhân loại, được tổ chức thành festival, liên hoan tầm cỡ quốc gia… âu cũng nhờ những nông dân tài tử chốn ao làng, ruộng nương, yêu câu hát, điệu đờn mà cha ông để lại rồi cùng một niềm đam mê, cùng một nguyện vọng bảo tồn cho thế hệ mai sau…
NHẬT QUỲNH
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác