Văn hóa - Nghệ thuật
Đi xem “Công tử Bạc Liêu” trên phim
Phim “Công tử Bạc Liêu” (CTBL) đã được đông đảo khán giả trông đợi cách đây gần 2 năm, kể từ khi nghe thông tin Xưởng phim Màu Hồng công bố dự án phim này. Bởi đây là nhân vật có thật gắn với nhiều sự thật và giai thoại làm nên thương hiệu cho Bạc Liêu.
Có chê, có khen, nhưng có dư luận nhiều chứng tỏ sức lan tỏa rộng của thương hiệu CTBL!
Diễn viên Song Luân với tạo hình cậu Ba Hơn trong phim Công tử Bạc Liêu. Ảnh: Internet
Đi xem chân dung Công tử
Ngay từ đầu phim, ê-kíp làm phim đã thông minh đưa ra lời đề dẫn với nội dung đại khái là bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật CTBL và được hư cấu thêm. Nhưng dù nói sao thì CTBL vẫn là một nhân vật có thật, đang là thương hiệu cho du lịch Bạc Liêu. Phim gọi đích danh CTBL ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn của khán giả đối với nhân vật có thật này. Cụm nhà CTBL mà nhiều cảnh trong phim chọn quay tại đây là một trong những điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long và mới đây còn được bình chọn là “Điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long”.
Không phải là người Bạc Liêu thì nghĩ “phải coi phim để thấy CTBL ăn chơi tới mức nào vì từng nghe truyền tai chuyện “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”. Người Bạc Liêu càng muốn đi coi để xem người ta đưa Công tử xứ mình lên phim ra sao!
Độ ngông của CTBL được diễn viên Song Luân thể hiện khá thành công trong tác phong, cách xưng hô với cha - mẹ và lối hành xử phương Tây đã thấm sâu trong nhân vật, nhất là kể từ sau khi được đi du học ở Pháp về và lấy được bằng lái máy bay thay vì bằng cấp học hành. Ở tình tiết này thì gần như là phiên bản gốc của CTBL ngoài đời thật.
Một điều không thể chối cãi, danh xưng CTBL có sức ảnh hưởng qua hơn trăm năm gắn với một khu nhà bề thế là gia sản của gia đình dòng họ Trần Trinh - nơi lưu vết tích vàng son về một gia tộc giàu có khét tiếng xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Vậy thì sẽ có sự liên tưởng một góc “người Bạc Liêu” từ nhân vật CTBL khi xem phim. Toàn phim ta thấy chân dung một Công tử học bên Tây về cho nên chất Tây Âu lấn át cả chất miền Tây Nam Bộ trong Công tử. Trong khi sự thật và giai thoại về một CTBL có thật ngoài đời vẫn còn nhiều tranh cãi thì sự hư cấu quá trớn những màn ăn chơi trác táng, sự ngông cuồng quá lố của CTBL trên phim ít nhiều cũng tạo sự phản cảm đối với vị công tử lừng danh này ở Bạc Liêu! Hình ảnh những xấp tiền được đốt liên tục trong cuộc thi nấu chè giữa cậu Ba Hơn (CTBL) và cậu Tư Phát để lấy lòng người đẹp Bảy Loan trong phim khiến người xem không khỏi lắc đầu ngao ngán. Dù sau đó cậu Ba Hơn cũng có nhiều tình tiết chứng minh mình biết thương dân (lái máy bay rải tiền xuống ruộng), biết cố tạo ra đồng tiền bằng tài năng bản thân (tiếp quản Nhà băng An Nam Thạnh Vượng của cha để có tiền sắm... máy bay), muốn thể hiện sự tự tôn dân tộc trước “mẫu quốc” (nước Pháp)...
“Phong thái của diễn viên chưa toát lên được độ sang và thần thái tự nhiên của CTBL trong tiềm thức nhiều người” là nhận định của một khán giả lớn tuổi khi đến rạp CGV Vincom Bạc Liêu xem phim. Và rất nhiều bình luận trái chiều dành cho nhân vật chính của bộ phim “lấy cảm hứng từ CTBL” này, đã khẳng định tầm ảnh hưởng của nhân vật CTBL thật sự rất lớn!
Vai diễn CTBL bị mờ nhạt trước... papa (cha) của mình - Hội đồng Lịnh, được NSƯT Thành Lộc thể hiện quá đỉnh. Trong khi những vai diễn khác như Công tử Mỹ Tho - Tư Phát (diễn viên Công Dương), cô đào Bảy Loan (Hoa hậu Đoàn Thiên Ân) lại quá mờ nhạt, thiếu đất diễn... là những phản hồi từ số đông khán giả khi xem phim.
Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu - nơi thực hiện nhiều cảnh quay trong phim “Công tử Bạc Liêu”. Ảnh: H.T
Thông điệp gì từ phim CTBL?
Không dở nhưng quá nhiều điều đáng tiếc ở một bộ phim được khán giả trông đợi. Tiếc lớn nhất là phim chưa đưa ra thông điệp nào rõ ràng.
Dù qua nhiều tình tiết được cố đẩy lên cao trào, qua những câu nói triết lý giữa hai cha con, kịch bản đã thể hiện sự nỗ lực chuyển tải thông điệp chính là sự quý trọng đồng tiền được làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình, thế nhưng vẫn thiếu tính thuyết phục! Bởi nhìn mức độ giàu có “ăn chơi xả láng ba đời cũng không hết” mà phim nói từ đầu thì dù phim đã tạo ra một số biến cố hòng đẩy cậu Ba Hơn lâm vào tình cảnh thất bại ê chề, nhưng với sự chống lưng của cha mình thì cũng chẳng có hề hấn gì để cậu Ba rút ra bài học cho mình.
Thông điệp dạy cho con tự lập ở một người cha cực kỳ khắt khe cũng nhanh chóng bị nhòa đi khi kịch bản để cho ông Hội đồng Lịnh “quay xe 180 độ”, giao lại Nhà băng An Nam Thạnh Vượng cho con trai mà trước đó không lâu đã quyết định đóng cửa, để chấm dứt những trò ngông cuồng của cậu quý tử?!
Cảm nhận chủ quan ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng xâu chuỗi khá nhiều bình luận của khán giả rút ra điểm chung khá giống nhau là phim không quá tệ nhưng còn nhiều điều đáng tiếc! Quá nhiều chi tiết lan man để đẩy hình tượng chơi ngông của CTBL mà không tập trung được vào một thông điệp nào trong suốt 2 giờ đồng hồ! “Hình như nhà làm phim cố gắng truyền tải các giai thoại vào phim nên thành ra làm khán giả không biết mình đang coi cái gì” là đúc kết của một khán giả ngồi cạnh tôi khi xem phim.
Cẩm Thúy
- Quán triệt, học tập các Quy định của Bộ Chính trị và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Về thăm xã không còn hộ nghèo - Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình)
- TP. Bạc Liêu: Nhiều hoạt động thiết thực mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Khởi tố đối tượng giao cấu với người dưới 13 tuổi
- Bạc Liêu chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC