“Đòn bẩy” cho văn chương phát triển

Thứ Tư, 02/04/2025 | 15:30

Bộ VH-TT&DL đang dự thảo và lấy ý kiến của các cơ quan chức năng để ban hành Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Đây có thể nói là văn bản pháp lý đầu tiên dành riêng cho lĩnh vực này.

Văn học sẽ làm tròn sứ mệnh tạo nên mảnh đất màu mỡ trong đời sống văn hóa, tinh thần với nhiều tác phẩm mới, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Với sự trợ lực này, những quy định pháp luật mới sẽ là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động văn học phát triển.

Từ yêu cầu thiết yếu

Trong một lần về Bạc Liêu nói chuyện văn chương với những người viết văn, làm thơ ở đây, khi đề cập đến sứ mệnh, vai trò đặc biệt của văn học, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Con đường sáng tạo văn chương không bao giờ ra khỏi con đường chính là chủ nghĩa nhân văn cao cả. Nhà văn truyền hiện thực cuộc sống vào hiện thực trong một quyển sách. Văn học biến hiện thực đau buồn thành một hiện thực đẹp đẽ bằng kỹ năng của mình. Văn học biến sự kiện trong đời sống, trên đường phố... thành sự kiện bên trong tâm hồn, sự kiện mang tính mỹ học, gieo vào hồn chúng ta bởi những cái đẹp. Văn chương mở ra con đường, thắp lên một ánh sáng trong bóng tối, phải mang lại cho con người niềm hy vọng, sự cảm thông”.

Chính vì văn học là lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến thẩm mỹ, tình cảm, đời sống tinh thần của công chúng, có ý nghĩa bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người... nên việc khuyến khích, đồng hành, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để những tác giả, người viết tạo ra tác phẩm văn chương thực hiện được những sứ mệnh ấy, là rất cần thiết!  

Một số bất cập dẫn đến “thiệt thòi” cho lãnh địa văn chương đã được nhìn nhận khi bàn thảo nội dung cho Nghị định về văn học này. Đó là, lâu nay chưa có quy định cụ thể thống nhất về việc tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách nhà nước; từ đó ít nhiều dẫn đến sự thiệt thòi cho các nhà văn hay các tác giả sáng tác tác phẩm văn học khi tham gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Còn nữa, một số lĩnh vực nghệ thuật đã có “hành lang pháp lý” như Luật Điện ảnh, Luật Kiến trúc, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động mỹ thuật, Nghị định về hoạt động nhiếp ảnh... Đây là những văn bản góp phần củng cố cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, tổ chức hoạt động, hỗ trợ của cơ quan chức năng nhà nước, hội nghề nghiệp đối với hoạt động của các ngành nghệ thuật này. Tuy nhiên, văn bản tập trung cụ thể vào lĩnh vực văn học thì chưa có!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ câu chuyện văn chương tại lớp Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sáng tác văn học tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Trợ lực cho văn chương

Ở Bạc Liêu, Chi hội Văn học (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Bạc Liêu) tập hợp hơn 40 hội viên hoạt động ở những ngành nghề khác nhau. Từ vị trí công tác của mình, từ góc độ cảm thụ cuộc sống, các hội viên đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn chương phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần vào sự vận động phát triển của quê hương. Có nhiều tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi bút ký, truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, báo chí đăng trên các tờ báo, tạp chí Trung ương và địa phương… Tác phẩm của nhiều người có thể chưa xuất sắc, nhưng rất đáng trân trọng trong điều kiện nghề văn chưa mang lại lợi ích bù đắp sức lao động mà họ bỏ ra. Thậm chí, trong chi hội có rất nhiều người tự bỏ tiền túi để in sách chỉ vì yêu văn chương. Một nghị định nhìn sâu bản chất, vai trò của văn học để có những quy định ưu ái cho “lãnh địa” này chắc chắn sẽ là sự động viên, khích lệ thiết thực cho những người yêu văn chương trên cả nước, trong đó có Bạc Liêu.

Theo dự thảo, Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học bao gồm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học, tổ chức trại viết, sáng tác, các cuộc thi viết, sáng tác; trao giải thưởng, giới thiệu, quảng bá, phổ biến văn học. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là việc xây dựng Giải thưởng Văn học quốc gia. Giải thưởng này dự kiến sẽ được Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án Giải thưởng Văn học quốc gia theo định kỳ 5 năm/lần. Việc ban hành Nghị định về văn học cho thấy Nhà nước đã có động thái thiết thực hơn trong tạo cơ chế khuyến khích các tác giả trong sáng tạo tác phẩm văn học nói chung, văn học đỉnh cao nói riêng.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định, với sự tham gia đóng góp của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương, các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả...; chắc chắn sẽ nhận được những góp ý sâu sắc, gắn liền với thực tế hoạt động văn học của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân hiện nay. Điều mà giới viết lách và những người yêu thích văn chương cả nước đang mong đợi là sẽ có những điều khoản mang đúng bản chất trợ lực cho văn chương phát triển khi Nghị định chính thức được ban hành.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.