Đồng hành xây dựng văn hóa học đường

Thứ Sáu, 04/04/2025 | 16:28

Văn hóa học đường (VHHĐ) là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc; là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện, môi trường để hiện thực hóa phương châm “học để làm người” của ngành Giáo dục.

Sự đồng hành của nhà trường, gia đình và toàn xã hội là yếu tố then chốt không thể tách rời trong việc xây dựng nền VHHĐ chuẩn mực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dựng xây những nhân cách đẹp.

Nhận diện những bất cập

Một clip về nhóm học sinh tiểu học hút thuốc trong khuôn viên trường học tại tỉnh An Giang làm dậy sóng dư luận mấy ngày qua về những thực trạng liên quan đến VHHĐ. Có người chỉ trích nhà trường quản lý trò không nghiêm; người thì cho rằng trách nhiệm dạy dỗ con trẻ không thể đổ hết cho thầy cô; cũng có người nhìn vấn đề đầy đủ hơn: cần có sự đồng hành trong việc nuôi dạy những đứa trẻ vừa học chữ nhưng phải học làm người từ nhỏ!

Nhìn về Bạc Liêu, tình trạng học sinh lén hút thuốc (phần nhiều là thuốc lá điện tử) cũng âm thầm “diễn ra” trong một số trường học, thầy cô phát hiện và báo cáo về phụ huynh thông qua các nhóm Zalo liên lạc giữa nhà trường (hoặc lớp) với cha mẹ các em. Hay thỉnh thoảng những vụ bạo lực giữa các bạn học trong lớp, giữa nhóm này với nhóm kia vẫn làm đau đầu các thầy cô lẫn cha mẹ các em... Tất cả là thực trạng đầy băn khoăn trong việc xây dựng VHHĐ hiện nay.

Phát biểu tham luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đại diện ngành Giáo dục Bạc Liêu nhận định việc xây dựng VHHĐ trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; bên cạnh đó cũng mạnh dạn phân tích nhiều bất cập tồn tại. Đó là thực tế hiện nay vẫn còn xảy ra một số vụ việc giáo viên, học sinh có những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giao tiếp, gây ảnh hưởng tới môi trường giáo dục. Đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn diễn ra phức tạp, còn hiện tượng học sinh đánh nhau, sự thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không đám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, can ngăn...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đến từ nhiều phía: học sinh do tiếp xúc với nhiều luồng thông tin từ Internet, mạng xã hội mà không có sự chọn lọc tiếp thu, dẫn đến những lệch lạc trong lối sống, hành vi; giáo viên thì áp lực với thành tích, với nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, nhất là cơ sở, công tác xây dựng văn hóa nói chung, VHHĐ nói riêng chưa được quan tâm thường xuyên; sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội thiếu chặt chẽ...

Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, tuyên truyền, lan tỏa những nội dung bổ ích cho học sinh là những động thái cần thiết để xây dựng văn hóa học đường. Ảnh minh họa: C.T

Dạy làm người trước khi dạy chữ

“Tôi muốn tất cả học trò của tôi phải học hành chăm chỉ, có ý thức, lối sống tốt, ở nhà thì có cha mẹ, lại trường thì có thầy cô yêu thương, dạy dỗ. Tôi cũng thương học trò như con, khi thấy con của mình không ngoan, hay bất hòa đánh nhau, tôi cũng buồn, xót xa. Có khi về nhà nghĩ đến chuyện tụi nhỏ, tôi không ngủ được, luôn tìm cách giúp các em hòa thuận yêu thương như một gia đình” - đó là tâm sự của một giáo viên THCS ở TP. Bạc Liêu khi lo lắng về “những đứa con” ở trường mình. Những bất hòa dẫn đến xô xát, tuy nhẹ nhưng nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến BLHĐ - nỗi lo ấy làm tăng thêm gánh nặng trong sứ mệnh “trồng người” của các thầy cô.

Học sinh - sinh viên đến trường lớp đâu chỉ học chữ mà phải học làm người trước đã như câu “tiên học lễ, hậu học văn”, vì các em sẽ là thế hệ làm chủ tương lai đất nước. Nhiều giáo viên tâm sự rằng, hồi xưa học trò sợ thầy cô lắm, nghe rầy la là “xanh mặt”, chứ đừng nói đến biện pháp chế tài nào; còn bây giờ, nhiều em thậm chí còn chẳng sợ việc hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học nữa; thầy cô nhắc nhở, “nhờ” phụ huynh hợp tác, nhiều người cũng chẳng mặn mà quan tâm vì nghĩ con mình đã đến trường thì trách nhiệm thuộc về thầy cô. Cho nên BLHĐ, yêu sớm ở tuổi học trò, phát ngôn không lễ độ, hút thuốc, chia bè kết phái đánh nhau trong trường học... là những mặt trái tồn tại khiến không chỉ ngành Giáo dục mà cả xã hội phải đau đầu!

Trong Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, việc xây dựng VHHĐ đã được đề cập với nhiều nội dung sâu sát. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, đề án liên quan, ban hành quy định, quy tắc ứng xử trong trường học. Sở GD-ĐT đã cụ thể hóa thành nhiều giải pháp như: thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”; thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Tất cả cho thấy sự nỗ lực và quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục đối với việc xây dựng VHHĐ.

Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Làm sao để xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo cho học sinh; làm sao để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”... đòi hỏi phải có thêm sự đồng hành của gia đình trong kết hợp giữa dạy người và dạy chữ. Bởi VHHĐ được hình thành trong quá trình tương tác ứng xử giữa thầy cô - học sinh và gia đình (vì nhà là trường học đầu tiên của các em). Cha mẹ nên đồng hành cùng thầy cô dạy dỗ các em nên người ở ngay chính ngôi nhà mình, để cùng nhau tạo ra một thế hệ học trò chăm học, chăm làm, ngoan ngoãn, lễ phép, sống biết yêu thương, có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Phát huy tối đa hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội mới tạo ra một hệ sinh thái VHHĐ trong lành, xây dựng nhân cách đẹp cho những mầm non tương lai của đất nước.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.