Văn hóa - Nghệ thuật
Đồng hồ Thái Dương: Những bí ẩn hơn trăm năm
Bạc Liêu có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn du khách bởi tính độc đáo và duy nhất. Chiếc đồng hồ đá (đồng hồ Thái Dương) tại trung tâm TP. Bạc Liêu là một trong những di sản tiêu biểu ấy.
Chiếc đồng hồ đá độc đáo ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: H.Long
Công trình của kỹ sư đầu tiên của Việt Nam
Chiếc đồng hồ đá được kỹ sư Lưu Văn Lang (5/6/1880 - 3/6/1958), là người nhận được học bổng du học ở Pháp vào năm 1904 và tốt nghiệp kỹ sư đứng hàng thứ 8/250. Khi về nước, ông tham gia nhiều công trình nổi tiếng ở trong nước cũng như khu vực Đông Dương. Ông đã thiết kế chiếc đồng hồ sử dụng ánh sáng mặt trời - đây có thể coi là “động cơ vĩnh cửu” .
Điều đặc biệt mà Bạc Liêu đã được thừa hưởng đó là có một sản phẩm đặc biệt hiếm, mà nó lại do một vị kỹ sư đầu tiên của Việt Nam, được gọi là “Bác vật Lang” làm ra. Chiếc đồng đá là một công trình trọn vẹn, duy nhất còn lại của vị kỹ sư đầu tiên, tài giỏi của nước ta. Trên thế giới này chỉ có hai chiếc đồng hồ đá tồn tại hàng nhiều thế kỷ, một chiếc ở Anh và một chiếc ở Bạc Liêu - Việt Nam. Chỉ mới điều này thôi thì ai là người Việt Nam cũng đều muốn tìm hiểu và đến chiêm ngưỡng rồi!
Với sự tính toán của Bác vật Lang, đến nay chiếc đồng hồ vẫn “chạy” chính xác! Chính xác đến không tưởng sau 110 năm! Nếu không có biến cố lớn của hệ mặt trời thì chiếc đồng hồ này sẽ “chạy” đến hàng ngàn năm sau. Chúng ta có thể dựa vào mặt trời và một điểm tựa nào đó để canh thời gian, nhưng nó chỉ chính xác vài ngày, vài tháng, sau đó lệch rất xa nếu canh theo mùa. Vậy nên độ cao của chiếc đồng hồ đá đặt ở tọa độ đó là một điều bí ẩn. Bí ẩn ấy là một điều kỳ thú cần được các nhà khoa học nghiên cứu.
Điều thứ hai chúng tôi muốn nói đến sự đặc biệt của chiếc đồng hồ đá này là mặt đồng hồ. Trên mặt đồng hồ được làm bằng gạch tàu. Điều này thì có thể dễ giải thích, để phân biệt mặt đồng và có màu sắc so với thân đồng hồ, thì ngày xưa chỉ có loại tàu và gạch bông loại nhỏ. Nếu dùng gạch bông để ngoài trời thì thời gian ngắn sẽ bong màu. Còn sử dụng gạch tàu thì màu của nó là “vĩnh cửu”.
Nhưng điều đặc biệt trên mặt đồng hồ đó là sự kết hợp 4 miếng gạch tàu cho mỗi bên mặt đồng hồ. Và mỗi bên kích thước của 4 viên gạch tàu không giống nhau và cách sắp xếp cũng khác nhau. Đây rõ ràng là chủ đích của Bác vật Lang muốn thể hiện điều gì đó trên mặt đồng hồ. Đây vẫn còn là điều bí ẩn mà chỉ có những người đương thời, nhất là Bác vật Lang mới là người biết chính xác nhất.
Du khách tham quan, tìm hiểu di tích Đồng hồ Thái Dương (Phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Để di sản làm du lịch
Hiện nay và hướng tới, Bạc Liêu đưa ra định hướng phát triển du lịch dựa trên những di sản văn hóa địa phương, thì việc trùng tu các di tích là cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm sao các di sản này phải thật sự hấp dẫn được du khách và phát huy, nâng tầm giá trị của các di tích văn hóa.
Trong vấn đề này, đối với đồng hồ Thái Dương phải giải quyết được hai điều: Chúng ta phải cho mọi người thấy được hiện trạng độ cao mà Bác vật Lang đặt đồng hồ và lý giải được tại sao chiếc đồng hồ lại đặt ở tọa độ đó; lý giải ý nghĩa của những viên gạch tàu trên bề mặt đồng hồ.
Bên cạnh đó, tôn tạo công trình ý nghĩa liên quan đến người Bạc Liêu xưa, khuôn viên đẹp để mọi người muốn check-in, trải nghiệm…, cộng với sự thổi hồn vào di tích bằng một bài thuyết minh đặc sắc, hấp dẫn với chất giọng thuyết minh mang phong cách chân tình, phóng khoáng của con người Bạc Liêu, chắc hẳn di tích này sẽ giúp ghi điểm cho ngành Du lịch Bạc Liêu.
Hữu Long
- Đoàn cán bộ tỉnh Bạc Liêu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Huyện Phước Long: Gần 230 thí sinh tham dự Hội thi Viết chữ đẹp cấp huyện
- Bạc Liêu tham gia chương trình Giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ - tỉnh Long An
- Huyện Hồng Dân: Triển khai kế hoạch sản xuất đầu Xuân mới