Du lịch di tích lịch sử: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ Sáu, 13/11/2015 | 18:33

Bên cạnh du lịch tâm linh thì Bạc Liêu còn được biết đến là địa phương có hệ thống di tích lịch sử ẩn chứa nét đẹp văn hóa truyền thống và lưu dấu chiến công hiển hách của cha ông. Nếu biết khai thác một cách hợp lý, di tích lịch sử sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển trong tương lai.

Du khách tham quan khu di tích Đồng Nọc Nạng (thị xã Giá Rai). Ảnh: H.T

Có thể nói, Bạc Liêu có nhiều di tích lịch sử mà mỗi công trình đều là những mốc son sáng ngời ghi dấu biết bao sự kiện, chiến công của quân, dân ta trong quá trình khai hoang, mở cõi và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Hiện toàn tỉnh có 46 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích chỉ nhắc đến đã làm bừng dậy cả pho lịch sử quý giá của địa phương như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), Đồng Nọc Nạng (thị xã Giá Rai), Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (huyện Hồng Dân)…

Tại những khu di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh, mỗi tháng thu hút trên 7.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập và nghiên cứu. Còn nhớ cách đây không lâu, có một nhóm du khách từ miền Trung đến tham quan khu di tích Đồng Nọc Nạng, họ chia sẻ với tôi rằng, được tận mắt chứng kiến và nghe qua câu chuyện của anh em nhà Mười Chức kiên cường, anh dũng đánh Tây để bảo vệ mảnh đất quê hương khiến cho họ vô cùng nể phục. Qua đó, giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh của nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Độc đáo là thế, nhưng có một điều khiến chúng tôi luôn trăn trở, đó là tại những điểm di tích lịch sử hầu như chưa có dịch vụ gì để thu hút khách du lịch. Nói điều này để thấy rằng, hệ thống di tích lịch sử của tỉnh nhà chưa được khai thác tối đa hiệu quả để phục vụ du lịch. Cái khó hiện nay là khâu quản lý chưa thật sự sát sao. Nhiều khu di tích chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương nên còn lỏng lẻo, chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Đến nay, Bạc Liêu chưa có Ban quản lý cấp tỉnh riêng để quản lý hệ thống di tích, mà thay vào đó là Bảo tàng tỉnh vẫn đang là đơn vị kiêm nhiệm chức năng và nhiệm vụ của Ban quản lý di tích. Hơn nữa, ở một số di tích, đội ngũ nhân viên còn thiếu, đơn cử như khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, ban đầu có 8 nhân viên nhưng nay chỉ còn 3 nhân viên. Về vấn đề này, ông Lê Hòa Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ sắp xếp lại đội ngũ nhân sự bằng cách điều động cán bộ về các điểm di tích ở cơ sở và ưu tiên người địa phương để họ có thể chuyên tâm với công việc”.

Bên cạnh việc bố trí đầy đủ nhân sự, để hệ thống các di tích lịch sử phát huy hết tiềm năng hiện có trong tiến trình phát triển của du lịch tỉnh nhà thì cơ quan quản lý cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, chẳng hạn như phát hành những ấn phẩm, sổ tay có đầy đủ thông tin về các di tích lịch sử của tỉnh để du khách dễ dàng tìm hiểu. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động giới thiệu thông qua các hình thức như: tạp chí du lịch, chiếu phim... Đặc biệt là phải hình thành những dịch vụ: nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực… để giữ chân khách tham quan. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến yếu tố xây dựng con người làm du lịch, không chỉ là nhân viên tại các điểm di tích mà cả người dân địa phương phải mang tính chuyên nghiệp, có kỹ năng ứng xử và giao tiếp tốt để tạo sự thân thiện, làm hài lòng du khách. Ngoài ra, tăng cường công tác xã hội hóa bằng cách kêu gọi sự đóng góp, tài trợ và tham gia đầu tư của cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh vào việc trùng tu, tôn tạo các khu di tích.

HUỲNH HIẾU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.