Sau lũy tre làng

Ghe hàng bông

Thứ Sáu, 05/11/2021 | 15:33

“Ai dừa khô, dừa tươi bán đây”, “Ai khoai lang, khoai mì, bí rợ, bí đao hôn”… chỉ một buổi sáng, góc kênh văng vẳng liên hồi những tiếng rao như vậy. Đó là cái nếp mưu sinh của một bộ phận bà con ở vùng sông nước, hoặc người ở thị thành tìm kế sinh nhai bằng những ghe hàng bông trên sông.

Ảnh minh họa: Internet

Nghe tiếng ca cải lương văng vẳng trên dòng kênh trước nhà, đứa con gái hỏi tôi: “Ủa người ta làm gì mà hát cải lương trên ghe nghe lớn quá vậy mẹ?”. Tôi chưa kịp trả lời thì tiếng hát tắt ngang, thay vào đó là tiếng rao: “Ai dừa khô, dừa tươi bán đây”, rồi giọng ca hồi nãy lại ngân lên. Khỏi đợi mẹ trả lời, con bảo: “Thì ra là người ta bán hàng trên ghe”…

Những đứa trẻ quen ở thị thành nhưng gốc gác ông bà, cha mẹ ở quê thường bất ngờ khi đón nhận những chuyện vốn rất đỗi quen thuộc ở quê, chỉ vì thỉnh thoảng chúng mới về  nên bỡ ngỡ. Còn dân lớn lên từ gốc rạ, bờ kênh thì đâu còn lạ lẫm với những thứ đó.

Là ghe hàng tạp hóa treo lủ khủ đồ dùng cho bếp núc, là ghe hàng phục vụ trẻ con với đủ thứ bánh trái từ loại đắt đến rẻ tiền, là những chiếc ghe tam bản lớn đổi bình gas, bán cá giống, cây giống. Thỉnh thoảng nghe tiếng rao cũng thấy thương người bán: “Cá giống bán theo mùa đây…”. Hỏi ra mới biết, họ bán cho mình, rồi tới mùa thu hoạch lúa, họ mới ghé lại lấy tiền. Đời thương hồ vất vả kiếm sống lênh đênh trên sông nước là vậy, mà họ còn “biết nghĩ” cho người nông dân - những người mua cá chờ lúa để trả tiền ắt hẳn cuộc sống kinh tế cũng khó khăn…

Hồi nhỏ, chúng tôi thường mong đợi tiếng ghe hàng bông, nhất là những buổi trưa. Đó là ghe bán cốm nổ (na ná bắp rang bơ), ghe của ông bán đá bào, cà rem (loại cà rem thẻ, mỗi lần mua, người ta cắt thành viên hình vuông hoặc chữ nhật rồi ghim một cây xiên tre vào, chứ không đóng gói sẵn như bây giờ)… Những món ăn người ta bán dưới sông là nỗi thèm thuồng, đợi mong của biết bao đứa trẻ nhà quê như chúng tôi, mà giờ nhắc lại còn nhớ cả cảm giác chúng ngon như thế nào. Có lẽ vì cái thời ấy, cuộc sống còn vất vả, khó khăn nên cái ăn của nhiều đứa trẻ còn thiếu thốn. Nhưng nhờ vậy, cuộc mưu sinh của những người bán hàng trên sông mới có đồng ra đồng vào.

Những người bán hàng trên sông, biết rằng đó là kế sinh nhai của họ, cũng có đồng lời người ta mới bán buôn, thế mà nhiều khi nghĩ, thấy thương. Họ cứ chạy xuồng ghe mải miết như vậy trên những dòng sông, có khi mấy cây số mới có người kêu mua. Mà mua cũng chỉ vài ngàn đồng lẻ. Được cái bà con trên bờ cũng tốt bụng lắm, họ dừng chân nơi nào cần xin ca nước lạnh để giải khát là được bà con đon đả cho liền. Có khi thân thiết thì còn dừng neo lại để lên bờ nghỉ mệt, chuyện trò… Đó cũng là nếp đối đãi của người quê với nhau, nghĩa tình, chân chất.

Tiếng rao của những ghe hàng bông trên sông vang từ thế hệ này đến thế hệ khác, cho dù bây giờ, đời sống con người ta đã khấm khá hơn, chợ trên bờ ở đâu cũng có. Hàng trên sông dẫu ít hơn, nhưng vẫn còn đó, như một nếp mưu sinh đã cấu thành văn hóa đồng quê. Những ghe hàng đâu chỉ là câu chuyện “tiền trao cháo múc”, mà còn có nếp ứng xử đẹp mang hồn cốt văn hóa nông thôn từ xa xưa cho đến thời đại nông thôn mới trên khắp làng quê hôm nay.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.