Ghi nhận từ các lớp dạy bài bản tài tử

Thứ Sáu, 02/08/2019 | 16:09

Thực hiện Kế hoạch số 46 của Ban chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử (ĐCTT), Trung tâm Văn hóa tỉnh vừa hoàn thành các lớp hướng dẫn 20 bản Tổ ĐCTT tại các huyện, thị xã, thành phố. Trước thềm kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”, việc tổ chức các lớp học này là động thái thiết thực nhằm tiếp tục phát huy phong trào ĐCTT của tỉnh nhà.

“Thực hiện chỉ đạo của Sở VH-TT-TT&DL, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp tổ chức xong các lớp hướng dẫn 20 bản Tổ ĐCTT tại các huyện, thị xã, thành phố. Học viên của những lớp học này là cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội cấp xã, phường, thị trấn; giáo viên THPT, THCS, tiểu học và thành viên câu lạc bộ ĐCTT các cấp. Chúng tôi mong muốn những lớp học này sẽ “truyền lửa” và hướng giới trẻ tìm hiểu nhiều hơn về ĐCTT, nhất là khuấy lên phong trào ĐCTT của tỉnh nhà trước thềm một lễ kỷ niệm đặc biệt”, ông Văn Công Diệp, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Thông tin và Gia đình (Sở VH-TT-TT&DL) cho biết.

Chưa bao giờ việc dạy bài bản tài tử lại sôi động như các lớp vừa qua. Tại 7 huyện, thị xã, thành phố, 450 học viên đã có những giây phút đắm mình trong làn điệu âm nhạc dân tộc. Trên sân khấu, giáo viên thị phạm cách luyến láy, nhả hơi cho ca từ rơi đúng vào chữ nhạc; bên dưới các học viên chăm chú học theo và luyện tập ngay sau đó. Tuy thời gian học ngắn ngủi, nhưng cảm xúc đọng lại ở học viên rất nhiều. Mới hay, sức sống của ĐCTT đã tồn tại trong tâm thức và khơi dậy niềm đam mê đúng lúc. Thế nên khi tiếng đờn lời ca cất lên, các học viên đều thả hồn bằng cảm xúc chân thật nhất. Họ hăng hái thực hành ca tại lớp, để giáo viên biết sai ở đâu và sửa ngay ở đó. Nếu trước đây, không ít người ca không đúng nhịp, sai lời bản “Dạ cổ hoài lang”, thì khi tham gia lớp tập huấn này, họ đã biết cách ca cho đúng. Học viên Nguyễn Minh Luân, giáo viên Trường THCS Ngô Quang Nhã (huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Trước giờ tôi ca theo kiểu… hát ruồng, chứ không nắm rõ nhịp nhàng, lớp lang gì cả. Qua mấy ngày được hướng dẫn ca “Dạ cổ hoài lang” theo bản chuẩn, tôi mới biết mình sai ở đâu và điều chỉnh sao cho đúng”. Chị Ngô Thị Hồng Vân, cán bộ văn hóa ở TX. Giá Rai cũng tâm sự: “Tôi thấy lớp học này rất hay. Vì qua đây, tôi cũng như những người làm công tác văn hóa đã biết cách ca đúng bản “Dạ cổ hoài lang” và 20 bản Tổ ĐCTT, từ đó có thể tự tin trình diễn khi có yêu cầu”.

Lớp dạy đờn ca tài tử tại huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: N.V

Đối tượng học lần này hầu hết là giáo viên các trường trong hệ thống giáo dục. Vì vậy, khi trở về trường, họ sẽ là đội ngũ nòng cốt để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. “Chúng tôi hy vọng trong các buổi chào cờ đầu tuần, hay sinh hoạt ngoại khóa, các giáo viên - những người vừa trải qua khóa học này - sẽ truyền dạy cho học sinh bản “Dạ cổ hoài lang” cũng như 20 bản Tổ ĐCTT để phát huy thêm phong trào ĐCTT tại các trường nói riêng, tỉnh nhà nói chung”, ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, chia sẻ.

Mong muốn của đa số học viên là sắp tới sẽ có nhiều lớp học như thế này được tổ chức để người dân trong tỉnh, nhất là những người yêu âm nhạc tài tử có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về ĐCTT. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo này sống mãi với thời gian.

Ngọc Trân

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.