Gia đình trước hệ lụy của “thế giới ảo”

Thứ Hai, 14/08/2023 | 16:24

Mạng xã hội (MXH) với những Facebook, Zalo, Telegram... kết nối mọi người trên toàn cầu lại gần nhau hơn. Thế nhưng, cũng chính MXH và những tiện ích của Internet nói chung nhìn ở mặt khác, đã dần đẩy những thành viên trong không ít gia đình ngày một xa nhau.

Thiếu sự trao đổi, sẻ chia để gắn kết tình thân, trao truyền kinh nghiệm sống, ứng xử của người lớn và trẻ nhỏ… là thực trạng của nhiều gia đình hiện nay trước hệ lụy của “thế giới ảo”!

Khi mỗi người chăm chú vào điện thoại, chìm đắm vào thế giới riêng tư thì cũng đồng nghĩa với những phút giây trò chuyện cùng nhau bị đánh mất. Ảnh: Internet

Những mối quan hệ… ảo

“Cảm nhau” qua chat (trò chuyện) trên mạng là câu chuyện không của riêng ai trước thời đại MXH khuynh đảo cuộc sống của hầu hết chúng ta. Câu chuyện của bạn trẻ N. (xin được giấu tên nhân vật) là một điển hình. “Tuy không gặp nhau ở ngoài đời, nhưng qua trao đổi tin nhắn, trò chuyện trên Zalo, tôi và anh ấy ngày càng hiểu nhau hơn. Không cần biết tương lai sẽ thế nào nhưng quan trọng là những chia sẻ ấy giúp tôi cảm thấy vui, hoặc có người tin cậy để trút những muộn phiền lúc không biết tìm ai để tâm sự ngoài đời thật”, đó là suy nghĩ của N. về mối quan hệ qua MXH của mình với một người bạn khác giới. Điều đáng nói, N. đã có gia đình. Người chồng ít quan tâm, sẻ chia đã đẩy cô xa dần hạnh phúc thực tại mà đắm chìm trong thế giới ảo với một người đàn ông khác (cũng đã yên bề gia thất). Chị cho rằng, mình không xen vào cuộc sống riêng tư của ai và cũng không làm ảnh hưởng hạnh phúc của ai, đó chỉ là chuyện của hai tâm hồn đồng điệu.

Câu chuyện của N. chắc hẳn không phải là chuyện hiếm hiện nay. Đó là những mối quan hệ “gian gian díu díu mập mờ” thông qua MXH. Chỉ cần có số điện thoại của nhau thì qua một cuộc gặp gỡ chóng vánh, thậm chí là chưa từng gặp nhau ngoài đời thật, nhưng rồi lại dần trở nên thân thiết trên “thế giới ảo”. Từ những lời nói “có cánh”, những dòng sẻ chia - có thể là chân thành nhưng cũng có khi là những lời hoa mỹ - thế là chạm được lòng nhau. Thế nhưng đó cũng chính là nguyên nhân gián tiếp đẩy đời sống vợ chồng ngày càng trở nên vô vị, nhạt nhẽo. Chưa nói, nếu bị phát hiện thì hậu quả sẽ khôn lường, “thế giới ảo” thừa sức làm gãy đổ hôn nhân thật và tan vỡ những gia đình vốn đã vơi mòn hạnh phúc bởi không hiểu nhau, và từ sự xuất hiện của một người thứ ba trên “thế giới ảo”!

Nhiều chuyên gia tư vấn hôn nhân khẳng định, nghiện điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các vụ ly hôn. Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, vợ chồng thường không chia sẻ công việc nhà và không quan tâm đến đối phương; chưa kể, có những mối quan hệ mập mờ dẫn đến ghen tuông qua MXH...

Thay vì cho con chơi điện thoại thông minh, hãy khuyến khích các con đọc sách (xe sách lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ độc giả tại Quảng trường Hùng Vương, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T

Và những “khoảng trống” trong gia đình

Nhìn vào thực trạng ở nhiều gia đình hiện nay, cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, có thể khẳng định sự bùng nổ của các thiết bị thông minh (chủ yếu là điện thoại thông minh) đã ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân và gia đình. Điện thoại từ khi trở thành vật bất ly thân thì nó cũng tạo ra những khoảng trống đầy băn khoăn trong mỗi gia đình. Một buổi tối quây quần ấm cúng bên nhau đã thay bằng không gian lặng lẽ khi mạnh ai nấy ôm điện thoại! Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sợi dây gắn kết tình cảm của từng thành viên gia đình dành cho nhau.

Do công việc chuyên môn nên chị T. (một viên chức) thường xuyên “ôm” laptop làm việc buổi tối. Tập trung cho công việc nên hai con nhỏ của chị cũng ôm điện thoại suốt, la rầy được vài hôm thì đâu lại vào đấy, bọn nhóc cứ nói không có gì để chơi. Chị T. chia sẻ: “Nếu tôi chịu dành thời gian để đưa các cháu đến các khu vui chơi thì tạm bỏ điện thoại, còn không, thì khi tôi ôm laptop, các con cũng tiếp tục ôm điện thoại”. Ngay cả chồng của chị T. cũng thường xuyên cầm điện thoại để xem tin tức, lướt Facebook và phục vụ những nhu cầu riêng tư, thì việc nhắc nhở con không chơi điện thoại cũng trở nên… vô hiệu!

“The more you connect, the less you connect” (tạm dịch là “Bạn càng kết nối, bạn càng ít kết nối”) là tên gọi của một chiến dịch mà quốc tế đã từng tổ chức để cảnh báo sâu sắc về tình trạng người dùng đã quá lạm dụng các thiết bị công nghệ số rồi tự mình đánh mất kết nối liên kết với những người xung quanh, thờ ơ với những người trong gia đình.

Tên gọi và ý nghĩa của chiến dịch đủ khẳng định điện thoại thông minh và thế giới MXH gắn kết thế giới lại với nhau nhưng lại làm rời rạc những mối quan hệ vốn bền chặt - mà gia đình là điển hình dễ thấy nhất. Khi mỗi người chăm chú vào điện thoại, máy tính bảng, laptop, chìm đắm vào thế giới riêng tư thì cũng đồng nghĩa với những phút giây trò chuyện cùng nhau bị đánh mất. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng với nhau bị xa cách dần. Việc chơi với con, cùng nhau xem phim, trò chuyện để dạy dỗ con cái trở nên hiếm hoi trong nhiều tổ ấm gia đình hiện nay. Điều đó dẫn đến việc cha mẹ và con cái ngày càng khó hiểu nhau, nhất là ở tuổi trẻ con, mới lớn, trẻ cần được quan tâm, học cách ứng xử, giao tiếp trực tiếp giữa những thành viên trong gia đình. Thế mà chơi game, nghe nhạc, xem phim, chat... tất tần tật những hình thức phong phú mà điện thoại thông minh mang lại đã khiến nhiều người không còn có nhu cầu giao tiếp, tâm sự hay chia sẻ. Đó là chưa kể những hệ lụy khác như tỷ lệ ly hôn, ngoại tình, các vấn đề về sức khỏe như cận thị, viêm loét dạ dày, những hội chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, những nội dung độc hại trên MXH có thể tác động xấu đến tư duy của trẻ từ rất sớm...

Tựu trung lại, hệ lụy của “thế giới ảo” vẫn còn đang và sẽ ảnh hưởng đến mỗi gia đình nếu chúng ta không có cách tiết chế chúng bằng một nhận thức đúng đắn hơn.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.