Giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ nhỏ: Vai trò nêu gương của người lớn

Thứ Hai, 07/10/2024 | 16:50

Người lớn ở đây là thầy cô, cha mẹ của các em. Mỗi người lớn hãy tự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, hành vi, ứng xử văn hóa để con trẻ noi theo. Một câu chào thưa khi đi học, khi về nhà, hay cái khoanh tay cúi đầu chào thầy cô mỗi khi gặp ở trường... tuy là hành động nhỏ, nhưng là bài học vỡ lòng để khởi đầu cho những nguyên tắc ứng xử văn hóa trong gia đình, trường học, xã hội được hình thành sau đó.

Nâng niu lời chào, thưa

“Thưa mẹ con đi học”, “thưa ba con mới về” - hành động “đi thưa, về trình” ấy, nếu vẫn còn duy trì ở cửa miệng của một học trò trước và sau khi đi học về, thì đó là thành công bước đầu của những người làm cha, làm mẹ trong việc dạy dỗ con mình. Nhưng, trong xã hội tất bật hiện nay, có thể không ít người đã không chú trọng việc dạy con những câu này!

Có vài lần tôi vào Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) để tham dự buổi họp cha mẹ học sinh, hoặc cũng có khi tôi vào đột xuất để mang những dụng cụ học tập con mình bỏ quên ở nhà, điều tôi ấn tượng là những cái khoanh tay thật lễ độ, và câu chào thưa - “thưa cô” của các em học trò. Đáp lại, tôi luôn mỉm cười nói “ngoan lắm con!”, và nhận ra các em rất vui khi nhận lời đáp từ của người lớn. Và tôi mong, mỗi người lớn khi nhận những vòng tay chào thưa, những lời chào hỏi lễ độ ấy thì đừng tiết kiệm với các em một lời khen. Nâng niu lời chào thưa chính là cách động viên, khuyến khích những ứng xử văn hóa sơ khai nhất từ các bạn nhỏ.

Dù ở bất cứ bối cảnh nào, thời đại nào thì trong môi trường giáo dục, văn hóa “tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta! Có những học trò tóc đã pha sương nhưng khi gặp lại những thầy cô cũ của mình vẫn trịnh trọng khoanh tay, cúi đầu chào. Đó là đạo đức, là chữ “lễ” mà mỗi học trò nên có khi đứng trước những thầy cô đã có công dạy dỗ mình. Thành công của những người lái đò mẫu mực không chỉ là dạy cho những thế hệ học trò kiến thức mà còn là nhân nghĩa, cốt cách làm người!

Và để có được điều đó, “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; nêu cao vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người” bằng sự tận tụy đúng bản chất của người thầy, và bằng những đổi mới sáng tạo trong giảng dạy để phù hợp bối cảnh phát triển, để mỗi giờ đến lớp của các em là một giờ vui, tạo động lực cho các em thật sự hăng say học tập, rèn đức, luyện tài!

Đi thưa, về trình. Ảnh minh họa: Internet

Làm gương từ chuyện nhỏ

Rất nhiều lần, trên đường đưa rước con đi học, tôi chứng kiến những vụ va quẹt xe cộ giữa các... phụ huynh! Một lần ở cổng sau một trường cấp 2 trên địa bàn TP. Bạc Liêu, có một phụ huynh lái ô tô đưa con đến lớp, đến nơi, do vội vàng và thiếu quan sát chị mở cửa trước và suýt va quẹt với một chiếc xe máy vừa chạy đến. Thay vì nhẹ nhàng xin lỗi và nhận lời xin lỗi thì thái độ cả hai bên đều nóng giận thái quá, đến mức… muốn đánh nhau. Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn người lớn với ánh mắt như van nài, sợ cha mẹ mình làm lớn chuyện. Chúng ta dạy con mình hòa nhã với bạn bè, dạy con không bạo lực học đường nhưng chính cha mẹ lại chưa làm gương sáng!

Cũng ở một lớp học khác, ngay từ đầu năm học có một vụ “xích mích” giữa các em học sinh đã sớm được phát hiện, ngăn chặn thành công và sau đó các bạn hòa thuận chơi lại với nhau như không hề có chuyện gì xảy ra trước đó. Đó là do mỗi phụ huynh đã biết kìm chế và nhận thức đúng vấn đề, vì các em đang ở tuổi thích thể hiện, chỉ cần có sự giáo dục, định hướng để các em không chệch hướng. Đích thân các phụ huynh đôi bên đã gặp nhau và xin lỗi, nhận lời xin lỗi và vụ việc nhanh chóng được giải quyết trong êm xuôi.

Gần đây trên các phương tiện truyền thông thường xuyên đăng tải không ít trường hợp, vì chuyện con nhỏ mà người lớn “nóng máu” vào cuộc và thế là chuyện bé xé ra to. Có cả chuyện phụ huynh học sinh xông thẳng vào trường học miệt thị thầy cô, hay xông thẳng vào lớp học đánh học sinh chỉ bằng tuổi con mình…

Trong một lần gặp gỡ các giáo viên tiêu biểu cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (năm 2023), Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng: “Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đổi mới sáng tạo, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam”.

Muốn được vậy, thiết nghĩ trước hết, mỗi người lớn hãy luôn là tấm gương sáng, bắt đầu ở những việc nhỏ nhất từ trong nhà ra ngoài phố, và nhất là trong môi trường giáo dục để các em noi theo.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.