Văn hóa - Nghệ thuật
Gìn giữ bản sắc văn hóa Khmer truyền thống: Chung tay hành động
Trải qua nhiều thế hệ và giữa guồng quay của cuộc sống hiện đại, những giá trị văn hóa (VH) độc đáo của đồng bào Khmer vẫn luôn được gìn giữ. Dẫu vậy, để VH Khmer thật sự thăng hoa, luôn “cuộn chảy” trong đời sống tinh thần của người dân thì rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Phát triển các loại hình nghệ thuật đặc thù của đồng bào Khmer thành sản phẩm thu hút khách du lịch là định hướng của ngành VH Bạc Liêu. Ảnh: C.T
CÒN NHIỀU CÁI KHÓ
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh và các địa phương vẫn dành nhiều nguồn lực để xây dựng những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ngày càng khởi sắc. Nhiều thiết chế VH mọc lên, những lễ hội cổ truyền và các loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo vệ để tắm tưới đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc. Thế nhưng, phải thừa nhận là sự đầu tư đã qua vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu bảo tồn, phát huy bản sắc VH Khmer.
Như xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) - nơi có đông cư dân dân tộc Khmer, về cơ bản được đầu tư hệ thống thiết chế VH bao phủ từ xã đến các ấp. Song, trên thực tế Trung tâm VH - Thể thao (TT) xã không khác gì một ngôi nhà lớn, khi đưa vào hoạt động chỉ có bộ bàn ghế, phòng truyền thanh, trong khi theo quy định của Bộ VH-TT&DL thì cần phải có nhiều phòng chức năng, sân TT.
Tương tự là xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), 6 nhà VH-TT ấp cũng kiêm luôn chức năng của trụ sở ấp. Được đầu tư đã nhiều năm nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hội họp, sinh hoạt văn nghệ lắm lúc thiếu thốn, xuống cấp. Mặc dù là nhà VH-TT, song do diện tích đất công không đáp ứng nên hầu hết các công trình này đều thiếu chức năng TT.
Vấn đề không chỉ nằm ở cơ sở vật chất, yếu tố con người mà trực tiếp là cán bộ phụ trách VH ở các địa bàn có đông đồng bào Khmer cũng yếu về trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức phong trào xây dựng đời sống VH. Đã vậy, chính quyền một vài địa phương còn thực hiện phân công cán bộ có chuyên môn không phù hợp phụ trách công tác VH, chưa kể những cán bộ này không phải là người Khmer nên khó càng thêm khó trong việc bảo tồn, phát huy giá trị VH dân tộc Khmer.
Nhà VH-TT ấp Giồng Giữa A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) kiêm chức năng của một trụ sở ấp. Ảnh: H.T
HÀNH ĐỘNG ĐỂ KỊP THỜI BẢO TỒN
Nhìn từ thực tiễn, muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc VH Khmer thì tỉnh còn nhiều việc phải làm, nhất là phải chung tay hành động từ các cấp, các ngành để đầu tư toàn diện cả về vật lực lẫn nhân lực cho VH. Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình không nằm ngoài mục đích nêu cao trách nhiệm, tập trung nhiều nguồn lực cho VH. Đây cũng là kim chỉ nam cho các địa phương, trong đó có Bạc Liêu đề ra những giải pháp sát hợp với thực tiễn bảo tồn VH truyền thống của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.
Muốn làm được điều này, tỉnh cần đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất trang thiết bị cho hệ thống thiết chế VH gắn với xây dựng các đội, câu lạc bộ văn nghệ nhằm phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc tham gia sáng tạo, hưởng thụ VH. Ngoài ra còn là định hướng phát triển các môn TT, các loại hình nghệ thuật đặc thù của đồng bào Khmer thành sản phẩm thu hút khách du lịch.
Không kém phần quan trọng là quan tâm việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ phụ trách tổ chức hoạt động tại thiết chế VH-TT cấp xã và ấp để phát huy tối đa hiệu quả công trình. Ngoài ra, tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của đồng bào Khmer nhằm xây dựng môi trường VH lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
HỮU THỌ
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
- Huyện Hồng Dân: Gần 100 lao động hợp sức xây dựng cầu dây văng trị giá hơn 1 tỷ đồng
- Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2025: Bạc Liêu - Điểm đến đầu tư bền vững