Văn hóa - Nghệ thuật
Gìn giữ nếp nhà
Nếp nhà đối với mỗi gia đình là thành trì bảo vệ những giá trị tốt đẹp vốn là cốt lõi của gia đình truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa để lại. Đó là lòng hiếu thảo, kính trên nhường dưới, là sự thuận hòa giữa anh em trong nhà, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên…
Với những giá trị ấy thì dù ở thời đại nào, nếp nhà vẫn cần được gìn giữ để mỗi gia đình thật sự là tế bào khỏe mạnh cho xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - Nguyễn Thị Thu Hà (giữa) thăm gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (thứ hai từ phải sang) - một gia đình tiêu biểu có nhiều người con thành đạt tại thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T
Làm gương cho con
Nói về nếp nhà trong một gia đình truyền thống 3 thế hệ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), ở ấp Bào Sen ai cũng biết đến gia đình gương mẫu của ông Nguyễn Văn Hiền. Sống cùng với mẹ, ông Hiền là người con hiếu thảo, bao nhiêu tuổi thì vẫn là đứa con luôn nghe lời mẹ, có hiếu thảo với đấng sinh thành để làm gương cho các con noi theo. Dù đã ở ngưỡng tuổi trung niên, nhưng bất cứ việc lớn nhỏ trong nhà hay quyết định những vấn đề quan trọng của gia đình, ông Hiền đều thông qua mẹ mình với thái độ kính trọng. Chính từ sự mẫu mực của ông mà vợ và các con ông luôn hiếu kính với người lớn. Đối với con mình, ông dạy phải yêu thương, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc gia đình cũng như cùng nhau phấn đấu học hành. Vợ chồng ông luôn bình đẳng trong ứng xử, biết lắng nghe nhau, chia sẻ những quan điểm chưa thống nhất để tìm ra suy nghĩ chung nên không có những bất hòa, chuyện lớn hóa bé, chuyện bé thành không, xóm giềng xung quanh chưa khi nào nghe nhà ông có chuyện cãi vã, lớn tiếng với nhau. Bên cạnh đó, gia đình ông Hiền cũng ghi nhiều thành tích tiêu biểu trong những phong trào ở địa phương. Gia đình ông tham gia hiến đất làm đường lộ, nhiệt tình nhiều phần việc chung để xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. Là Chi hội trưởng Nông dân, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bào Sen, ở vai trò nào cũng thấy ông Hiền tận tụy với nhiệm vụ. Nhiều năm liền, ông được huyện Vĩnh Lợi tặng giấy khen có thành tích trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Còn ở thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), kể về tấm gương vợ liệt sĩ nuôi con ăn học thành tài, rất nhiều người biết đến gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (quê huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Xa vùng đất cố đô yêu dấu để vào Nam chiến đấu, chồng bà hy sinh khi 4 cô con gái còn rất nhỏ. Vượt qua bao khốn khó, bà Xuân một mình gồng gánh để chăm lo các con. Tấm gương người vợ thủy chung, người mẹ tảo tần, hết mực hy sinh cho gia đình đã khuyết đi trụ cột của bà Tâm đã trở thành động lực mạnh mẽ để 4 người con phấn đấu ăn học thành tài. Tiến sĩ Dương Việt Hằng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Bạc Liêu) là người con thứ ba của bà Xuân, 3 người con còn lại đều là thạc sĩ, cử nhân. Tất cả 4 chị em đều đã có cơ ngơi vững vàng với cuộc sống riêng tư hạnh phúc. Tấm gương của người mẹ hiền luôn soi sáng để mỗi người con thành đạt, gầy dựng mái ấm hạnh phúc và trở thành những công dân ưu tú trên từng lĩnh vực đảm trách.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (bên phải) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: V.M
Giá trị nếp nhà
Một trong 6 nhóm nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập trong hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Và một trong 4 nhóm giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả vẫn là liên quan trực tiếp đến giá trị của nếp nhà: “Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội”. Những câu tục ngữ, ca dao ngợi ca tình cảm gia đình đã được Tổng Bí thư nhắc nhớ tại một hội nghị văn hóa tầm cỡ quốc gia để mỗi người khắc ghi vào tâm khảm về giá trị của tình thân gia đình, đó là “Anh em như thể chân tay”, “Kính trên nhường dưới”, “Vợ ta đói rách ta thương/ Vợ người áo gấm xông hương mặc người”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”…
Quan tâm đặc biệt đến giá trị của truyền thống gia đình bởi điểm lại những vụ án đau lòng xảy ra gần đây ít nhiều có liên quan đến tế bào gia đình. Đó là những vụ tranh chấp thưa kiện giữa những thành viên trong gia đình lẫn nhau, thậm chí là con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ, rồi đau lòng hơn cả là những vụ tự sát liên quan đến quan điểm không đồng nhất giữa cha mẹ và con cái trong học hành, thi cử dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ, ứng xử, hành động của giới trẻ bây giờ...
Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, thiết nghĩ phải vận dụng và phát huy hiệu quả những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Tấm gương sáng của những gia đình gìn giữ nếp nhà để xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, là hạt nhân tiêu biểu của nhiều phong trào ở địa phương, và là mái ấm chở che, nuôi nấng, hình thành nhân cách đẹp đẽ của những công dân ưu tú chính là minh chứng thuyết phục! Mỗi gia đình sẽ là tế bào khỏe mạnh của xã hội khi những giá trị của nếp nhà ấy được gìn giữ, phát huy. Và chỉ khi mỗi người nhận ra giá trị của văn hóa gia đình, của nếp nhà thì mới có sự trân trọng để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ.
CẨM THÚY
- Tỉnh đoàn: Tuyên dương 30 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025
- Huyện Vĩnh Lợi tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025
- Hơn 400 cán bộ Đoàn, đoàn viên - thanh niên thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
- Gặp lại những nhân chứng lịch sử trước ngày 30/4/1975
- Những anh hùng làm rạng rỡ đất Bạc Liêu