Văn hóa - Nghệ thuật
Gìn giữ nét đẹp lễ hội mùa xuân
Mỗi độ xuân về, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, các xã ven biển trong tỉnh lại rộn ràng diễn ra các lễ hội văn hóa đầy sắc màu. Không chỉ tạo sinh khí vui tươi cho mùa xuân, những lễ hội còn là nơi bày tỏ ước vọng của nhà nhà, người người trong năm mới, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng và dân tộc.
“GIA VỊ” CỦA MÙA XUÂN
Đã trở thành thứ “gia vị” không thể thiếu của mùa xuân, trải dài từ tháng Chạp cho đến tháng Giêng là thời điểm tưng bừng của các lễ hội. Trong những ngày tết Ất Tỵ 2025 đang cận kề, một số đình, miếu ở TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải… đang hồ hởi chuẩn bị mở hội Kỳ yên để cảm tạ các vị thần linh và nguyện cầu năm mới xóm làng được bình yên, người dân ấm no, hạnh phúc.
Đình Vĩnh Mỹ (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) là nơi diễn ra Lễ hội Kỳ yên với quy mô lớn, vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống. Tính cộng đồng được thể hiện rất rõ qua việc người dân góp kinh phí sơn mới ngôi đình, tổ chức lễ hội. Trước dịp lễ, nhiều thanh niên trong xã tình nguyện tham gia trang trí cổng chào, treo cờ hoa, làm vệ sinh môi trường… để lễ hội diễn ra trang trọng, văn minh. Việc tổ chức trò chơi dân gian, văn nghệ trong Kỳ yên ở đình Vĩnh Mỹ cũng mang ý nghĩa tốt đẹp. Không những tạo sinh khí vui tươi cho ngày xuân, trò chơi dân gian và văn nghệ do Ban trị sự đình tổ chức còn mang đến nhiều phần quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ai cũng có Tết.
Một lễ hội cũng có từ lâu đời mỗi khi xuân về, tết đến là Lễ hội Nghinh Ông ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Sự độc đáo của lễ hội này nằm ở những nghi thức tín ngưỡng dân gian, nhất là hình ảnh đoàn người, đoàn tàu với cờ hoa rực rỡ, trống chiêng rình rang diễu hành trên bộ và trên biển để nghinh Ông với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của cá Ông (cá Voi), nguyện cầu những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, bội thu cá tôm.
Nghi thức đầy sắc màu văn hóa dân gian trong Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T
CHUNG TAY GẠN ĐỤC KHƠI TRONG
Những giá trị truyền thống độc đáo của lễ hội đã được phát huy rõ nét trong đời sống hiện đại, tuy nhiên việc giữ gìn vẻ đẹp của nó vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vai trò quản lý nhà nước chưa chặt chẽ của ngành Văn hóa, chính quyền một số nơi.
Qua nhiều dịp lễ hội xuân vẫn tồn tại những hình ảnh khó chấp nhận, điều đó ít nhiều làm suy giảm ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội. Đó là ngay bên trong một số đình, miếu, chúng ta dễ dàng bắt gặp những gian hàng trò chơi trúng thưởng theo kiểu đánh bạc. Không chỉ thế, nhiều gian hàng vì muốn thu hút khách hàng nên tranh nhau phát loa, mở nhạc ì đùng tạo ra những âm thanh hỗn tạp, khó chịu cho người đi trẩy hội. Chưa kể, làm xấu lễ hội còn có việc vứt rác bừa bãi trong và ngoài khuôn viên nơi thờ tự…
Ông Cao Quốc Thái - Phó trưởng phòng VH-TT TP. Bạc Liêu, cho biết: “Hiện, trên địa bàn thành phố tập trung nhiều đình, miếu nên công tác quản lý đối với việc tổ chức lễ hội được đơn vị đặc biệt quan tâm. Cụ thể là phối hợp với UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền các quy định về ứng xử trong tham gia lễ hội; chú trọng giám sát, kiểm tra các hoạt động diễn ra trong lễ hội để kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Đặc biệt là xử lý nghiêm việc lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc nhằm xây dựng môi trường lễ hội lành mạnh, an toàn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt độc đáo của cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và góp phần giáo dục mỗi người biết yêu quý, trân trọng nguồn cội. Chính vì vậy, việc gạn đục khơi trong cho lễ hội rất cần sự chung tay của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và nhất là người dân.
HỮU THỌ