Giữ lửa ấm gia đình thời hiện đại:​ Nhiều thử thách

Thứ Sáu, 04/08/2023 | 15:17

Vì điều kiện cuộc sống, rất nhiều người con trưởng thành, lập gia đình riêng phải sống rời xa cha mẹ già về mặt địa lý. Thế nhưng, ngay ở những gia đình nhiều thế hệ sống cùng, lại có những khoảng cách không phải về mặt địa lý mà về suy nghĩ, nhận thức, dần tạo nên bất đồng mang tên khác biệt về thế hệ. Nó âm ỉ làm cho mối quan hệ tình thân ngày càng nhạt đi.

Thi nấu bữa cơm gia đình tại Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ lần thứ 3, được tổ chức tại Bạc Liêu.

Thưa vắng bữa cơm gia đình

Cơm gia đình là gì? Khái niệm tưởng chừng đơn giản chỉ là một bữa cơm để no cái bụng, thế nhưng nội hàm của cơm gia đình không đơn giản ở khía cạnh vật chất với cơm, rau, cá, thịt, mắm, muối, dưa cà... Cơm gia đình còn bao quát cả những giá trị tinh thần, giá trị về những nét đẹp văn hóa vốn có của tình cảm gia đình chất chứa trong đó.

Bữa cơm gia đình là nơi ẩn chứa nét đảm đang, sự vén khéo, tỉ mỉ xuất phát từ tình yêu, sự quan tâm của người phụ nữ dành cho gia đình. Và nếu gian bếp có sự tham gia của chồng và những đứa con thì sự san sẻ nhọc nhằn ấy sẽ biến nơi đó thành không gian của tổ ấm. Bữa cơm gia đình còn là nơi để những bài học về ứng xử, kinh nghiệm sống được truyền cho con cháu trong lúc cùng nhau quây quần...

Điều kiện sống của các gia đình hiện nay đầy đủ hơn, giờ gần như không còn cảnh “râu tôm nấu với ruột bầu”, tuy nhiên để tìm được bữa cơm có đủ đầy “chồng chan vợ húp” và sự nhốn nháo nói cười của những đứa con, gần như là thách thức đối với nhiều gia đình - nhất là khu vực thành thị. Cả chồng và vợ đều là cán bộ, công nhân viên chức hoặc kinh doanh, người lao động ngày 8 giờ dành cho công việc thì quả thật, đầy thách thức để nấu được những bữa ăn ngon. Dẫu cho những bà nội trợ hiện nay đã có nhiều tiện ích với thực phẩm đóng hộp các loại, cá thịt, rau củ đều làm sẵn, chỉ việc mua về nhà chế biến, nhưng những giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, kể cả buổi chiều tối về muộn thì bữa cơm cũng được chuẩn bị trong gấp rút, trong sự... kiệt sức của người “nội tướng” nếu gian bếp chỉ mỗi một mình. Thế là cơm hộp, cơm nấu sẵn, cơm tiệm... được thay thế dần bữa cơm gia đình!

Ngày hội gia đình cấp khu vực hay những kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) tại mỗi địa phương, từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, thì thi nấu ăn  chủ đề bữa cơm gia đình luôn là ưu tiên số một trong các hoạt động kỷ niệm. Những mâm cơm gia đình thịnh soạn với cá kho, canh chua, món xào... rất bắt mắt, rất chuẩn bữa cơm gia đình. Những lời thuyết minh cũng đầy thuyết phục về giá trị của bữa cơm ấy. Thế nhưng, cơm trên bàn dự thi và cơm trong mỗi gian bếp gia đình có khi là cả sự khác biệt! Đầy thách thức đối với việc duy trì bữa cơm gia đình: đó là thách thức về nhận thức đủ đầy giá trị của bữa cơm gia đình; thách thức sự chịu thương, chịu khó nhiều hơn nữa của những nữ “hai giỏi” - vừa giỏi việc nước lại phải đảm việc nhà; thách thức của sự san sẻ cùng nhau giữa vợ - chồng để gian bếp bớt đi những giọt mồ hôi của phụ nữ...

Những mâu thuẫn trong gia đình nhiều thế hệ thường được nhắc đến trong các tiểu phẩm tuyên truyền về gia đình. Ảnh minh họa: C.T

Bất đồng mang tên “thế hệ”

Vợ chồng anh N.N (Phường 3, TP. Bạc Liêu) đã quyết định ra riêng mặc dù trong gia đình, anh là con trai duy nhất và cũng là người cuối cùng sống chung với cha mẹ già gồm 5 người con, đã lần lượt ra riêng trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do từ... đứa cháu nội! Ông bà dạy cháu theo kiểu... truyền thống, con dâu dạy cháu theo kiểu... khoa học, cùng với những bất đồng về sinh hoạt, giờ giấc khác nữa... dần dần hai vợ chồng trẻ có cảm giác không khí gia đình trở nên “ngột ngạt” nếu phải sống chung. Thế là ra riêng, dù các anh chị đã cố khuyên. Mỗi ngày, cơm canh các con ai có món ngon thì mang đến nhà cho cha mẹ, lúc bệnh đau thì con cái đến thăm, đêm hôm thì vợ chồng già hủ hỉ có nhau. Điều đáng trăn trở là một mai, cha mẹ già yếu hơn nữa thì ai sẽ khuya hôm chăm sóc, và sau nữa, một trong hai người “trăm tuổi già” thì ai sẽ “chịu về” ở cùng người còn lại trong cảnh cô đơn.

Một gia đình khác, anh V. (Phường 1, TP. Bạc Liêu) là con trai duy nhất trong gia đình có 4 người con, nhưng cũng “không hợp” khi sống cùng cha mẹ nên đã ra ở riêng. Giờ cả cha lẫn mẹ đều bệnh nhiều, thế là con gái lớn mang cha về nhà riêng phụng dưỡng, người mẹ thì ở một mình trong căn nhà chung ngày xưa. Bữa nay đứa này đến, bữa khác đứa kia sang để chăm sóc mẹ trong căn nhà chỉ mỗi một mình mẹ dù con cháu cũng hơn 10 người.

Nhiều gia đình hạt nhân hình thành chính là sự phân chia những gia đình “tam, tứ đại đồng đường” vốn là một trong những nét đặc trưng của gia đình Việt trước đây. Có một điều dễ nhận thấy, những rạn nứt trong những gia đình nhiều thế hệ phần lớn là do mâu thuẫn về suy nghĩ, nhận thức của các thế hệ cùng chung sống. Không ít gia đình nhiều thế hệ, bà nội, bà ngoại trở thành những “người mẹ thứ hai” của cháu mình. Thế nhưng, phía sau câu chuyện chăm sóc con, cháu trong gia đình nhiều thế hệ còn là câu chuyện khá dài về những bất đồng. Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình yêu của các thành viên. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm về nuôi dạy trẻ đôi khi gây căng thẳng, nhất là giữa mẹ chồng và con dâu!

Khi đó, cần sự nỗ lực từ mỗi thành viên, sự trao đổi, cân bằng các ý kiến, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ từ ông bà và cũng cần cả sự tiếp thu của ông bà đối với những cách nuôi con hiện đại của cha mẹ trẻ. Người xưa có câu “một mẹ già bằng ba con ở”, nói như thế thì quá hạ thấp vị trí người mẹ, thế nhưng hàm ý chính là sự chu đáo, vẹn toàn của người mẹ già bao giờ cũng là hậu phương vững chắc cho con mình. Dù con cái có lớn khôn, trưởng thành thì sự dõi theo, nâng bước của cha mẹ mãi không bao giờ là thừa. Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi thế hệ lại có những suy nghĩ, nhận thức không thể giống nhau nên sự dung hòa, nỗ lực để tìm được điểm chung rất cần thiết. Đặt lên trên hết, nếu có đủ tình yêu thương thì sẽ làm được chuyện ấy. Dù ý kiến đưa ra có khác nhau thì tựu trung lại, cả ông bà và cha mẹ đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con cháu mình.

Những thách thức trong gia đình thời hiện đại rất cần nhận diện rõ để cùng nhau khắc phục. Gia đình hạt nhân hay gia đình nhiều thế hệ đều rất cần sự san sẻ, đồng cảm bắt nguồn từ yêu thương, thấu hiểu để giúp cho mỗi gia đình thật sự đúng nghĩa là tổ ấm.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.